Nguy cơ đột quỵ vì phòng đột quỵ không đúng cách

23/12/2020 - 06:23

PNO - Đột quỵ là nỗi ám ảnh của nhiều người, thường là nguyên nhân của những cái chết đột ngột, hoặc để lại những di chứng nặng nề về thể xác và tinh thần của người may mắn sống sót.

 

Kiểm soát các yếu tố có thể kiểm soát được, duy trì lối sống lành mạnh để phòng nguy cơ đột quỵ - Ảnh minh họa: Thanh Huyền
Kiểm soát các yếu tố có thể kiểm soát được, duy trì lối sống lành mạnh để phòng nguy cơ đột quỵ - Ảnh minh họa: Thanh Huyền

Do đó, phòng đột quỵ được mọi người rất quan tâm, tuy nhiên không ít người nôn nóng làm theo lời đồn thiếu căn cứ. Chẳng những bệnh không giảm, mà còn gây hại cho sức khỏe vì phòng đột quỵ không đúng cách.

Đột quỵ, còn được gọi là tai biến mạch máu não, khi một phần của não bị mất nguồn cung cấp máu, phần cơ thể mà các tế bào não bị thiếu máu kiểm soát ngừng hoạt động. Không có ô-xy, các tế bào não và mô bị tổn thương và bắt đầu chết trong vòng vài phút. Đột quỵ xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ và chảy máu, hoặc khi có sự tắc nghẽn trong việc cung cấp máu cho não. Sự vỡ hoặc tắc nghẽn ngăn cản máu và ô-xy đến các mô của não.

Trong y học cổ truyền, đột quỵ tương đương với thuật ngữ “trúng phong” được Trương Trọng Cảnh ghi trong sách Kim quỹ yếu lược và được dùng liên tục cho đến ngày nay: khởi bệnh nhanh, có thể làm cho người bệnh hôn mê bất tỉnh, bán thân bất toại, có khi mất tiếng, thường xảy ra ở người uống nhiều rượu, có bệnh nặng ở tạng phủ…

Có hai nhóm rủi ro đối với đột quỵ: có thể kiểm soát được và không kiểm soát được. Nhóm nguy cơ không thể kiểm soát được như: tuổi tác ngày càng tăng, tiền sử gia đình bị đột quỵ, trước đó đã từng bị đột quỵ, giới tính (nữ chết vì đột quỵ nhiều hơn nam) và dân tộc (người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha có nguy cơ cao hơn mức trung bình). Đối với việc phòng ngừa đột quỵ, mỗi người cần hiểu rõ các yếu tố nguy cơ có thể và không thể kiểm soát được. Từ đó, tăng cường việc điều chỉnh lên nhóm các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được.

Nhóm các yếu tố rủi ro gây đột quỵ có thể kiểm soát được, có những nguyên nhân phổ biến như: Huyết áp cao: làm hỏng mạch máu và là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Hút thuốc: gây tổn thương dần dần hệ thống tim mạch. Bệnh tiểu đường: có thể gây tổn thương các mạch máu trong não, đặc biệt là khi được kiểm soát kém. Cholesterol cao - cholesterol LDL (xấu) cao và cholesterol HDL (tốt) thấp đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ít hoạt động: tăng nguy cơ huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường và bệnh tim, tất cả đều làm tăng nguy cơ đột quỵ. 

Chế độ ăn uống nghèo nàn: quá nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol và natri trong chế độ ăn uống của bạn làm tăng nguy cơ cholesterol cao và huyết áp cao. Thừa cân hoặc béo phì: tăng nguy cơ huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường và bệnh tim. Xơ cứng động mạch: mảng bám tích tụ trong động mạch, làm tăng nguy cơ tắc nghẽn dẫn đến đột quỵ. Những người bị rung nhĩ, bệnh mạch vành, suy tim sung huyết và bệnh cơ tim giãn nở (tim to) có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn. Sử dụng rượu quá nhiều: làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ xơ cứng động mạch.

Y học hiện đại và y học cổ truyền đều khuyên để kiểm soát rủi ro đột quỵ có nghĩa là học cách sống lành mạnh hơn. Ăn uống lành mạnh, cân bằng và vận động thường xuyên, tránh stress, nâng cao sức khỏe… để cơ thể có được sự quân bình về âm dương, từ đó có thể giúp giảm các bệnh lý dẫn đến đột quỵ. 

Về các bài thuốc đang lan truyền, như bài thuốc ngừa đột quỵ: 18 trái chuối sứ + 1kg chanh + 1kg đường phèn ngâm 14 ngày rồi uống sau bữa ăn hoặc tỏi + chanh + gừng + mật ong + giấm táo: y văn chưa ghi nhận bài thuốc này. Bài thuốc này có nhiều đường và a-xít từ chanh sẽ không tốt cho người bệnh tiểu đường và viêm loét dạ dày, hơn nữa không có cơ chế bảo vệ cơ thể phòng đột quỵ theo y học hiện đại và y học cổ truyền.

Còn các bài thuốc đắp lòng bàn chân để phòng đột quỵ, chỉ đắp một lần cả đời sẽ không bị đột quỵ: cả y học cổ truyền cũng như y học hiện đại chưa có loại thuốc hay kỹ thuật can thiệp nào chỉ dùng một liều, một lần duy nhất có thể chữa khỏi hoàn toàn. Bài thuốc này cũng không thể tác động vào các yếu tố gây đột quỵ như đã nói ở trên thì không thể phòng đột quỵ được.

Tóm lại, hãy kiểm soát thật tốt các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được, cần thực hiện khám định kỳ. Quan trọng là cần có một cuộc sống lành mạnh về thể chất và tinh thần. Hãy để thầy thuốc - những người được đào tạo và có kiến thức về y khoa chăm sóc cho sức khỏe, và mỗi người hãy trân trọng sức khỏe sinh mạng của mình, đừng tự ý phòng và trị bệnh theo những lời đồn thiếu căn cứ.  

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI