TPHCM tiêm ngừa vắc xin sởi hơn 99%
UBND TPHCM đã ký quyết định công bố hết dịch sởi tại 22 phường, xã thuộc quận 1, quận 4 và huyện Củ Chi vào chiều 27/3. Sau đó, thành phố tiếp tục giám sát, phát hiện sớm ca nghi sởi trong cộng đồng và trường học, đặc biệt là sởi từ các tỉnh thành lân cận để kịp thời xử lý, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trở lại.
 |
Trẻ mắc bệnh sởi được cách ly điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 |
Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) Lê Hồng Nga cho biết, sởi tác động tới mọi lứa tuổi, tuy nhiên nhóm trẻ từ 0-4 tuổi chịu ảnh hưởng sớm và nặng nhất. Nhóm tuổi chiếm ưu thế là 1-5 tuổi. Đến nay, tỉ lệ tiêm ngừa vắc xin sởi tại TPHCM đã đạt hơn 99%. Ngoài trẻ em, hơn 3.000 nhân viên y tế cũng đã được tiêm ngừa. Vì vậy, dịch sởi trên địa bàn dần được kiểm soát.
Kinh nghiệm phòng, chống dịch sởi lần này là TPHCM công bố dịch kịp thời làm cơ sở pháp lý để thực hiện các kế hoạch chống dịch. Thành phố đã chủ động bảo vệ trẻ nguy cơ cao. Đặc biệt, triển khai chiến dịch tiêm ngừa vắc xin sởi trên toàn thành phố cho trẻ theo các nhóm tuổi. Nhờ đó, TPHCM đã đạt hiệu quả cao trong phòng, chống dịch sởi.
Thực tế, từ khi dịch sởi xuất hiện đến nay, các bệnh viện TPHCM tiếp nhận 8.087 ca bệnh từ các quận, huyện của thành phố và 12.226 ca bệnh từ các địa phương khác. Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Cao Minh Hiệp - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 1 - năm 2024, bệnh viện điều trị 3.395 ca, trong đó, bệnh nhân của các tỉnh chiếm đến hơn 70%.
Còn 3 tháng gần đây, có 1.520 ca sởi nhập viện điều trị. Trong đó, TPHCM có 473 ca và 1.047 ca bệnh tới từ các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước... Gần 50% ca sởi nặng là trẻ dưới 9 tháng tuổi, 83% trường hợp cần hồi sức đều chưa tiêm vắc xin ngừa sởi.
Để đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh sởi, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã thành lập ban chỉ đạo chống dịch, xây dựng các phương án tương ứng với từng tình huống, quy mô dịch, triển khai khu cách ly, chuẩn bị sẵn sàng nhân sự, vật tư trang thiết bị, thuốc điều trị, thành lập các đội cơ động chống dịch 24/24…
“Bệnh viện cũng có nhiều biện pháp bảo vệ trẻ nguy cơ, tiêm chủng vắc xin sởi cho bệnh nhi trước khi xuất viện và nhân viên y tế, hạn chế lây nhiễm sởi trong bệnh viện và cộng đồng” - bác sĩ Cao Minh Hiệp cho biết.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi Đồng 2, số lượng bệnh nhi ở TPHCM đang dần giảm, hơn 50% trẻ mắc sởi nhập viện đến từ các tỉnh, thành lân cận.
Đừng nghĩ “sởi không đến tỉnh mình”
Theo Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm đến nay, số ca mắc sởi tại TPHCM đang có xu hướng giảm nhanh ở tất cả lứa tuổi. Đặc biệt, đến tuần 12 (từ ngày 17 đến 23/3), đã có 50 phường, xã thuộc 13 quận, huyện và TP Thủ Đức không ghi nhận ca sởi mới trong 3 tuần liên tiếp trở lên. Hiện tại, công tác tiêm chủng trên địa bàn vẫn được triển khai, đảm bảo trẻ trong độ tuổi được tiêm đầy đủ vắc xin ngừa sởi…
Tuy vậy, bà Lê Hồng Nga cho hay: “Bệnh nhi mắc sởi từ các tỉnh, thành lân cận chuyển đến TPHCM quá nhiều mà chưa được tuyến tỉnh phân luồng, sàng lọc. Để phòng chống sởi tốt hơn nữa, cần có sự đồng bộ trong triển khai chiến dịch tiêm ngừa, điều trị sởi giữa các tỉnh, thành để kiểm soát dịch hiệu quả”. Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, TPHCM đã ký kết cơ chế liên kết vùng với các tỉnh, thành phía Nam, trong đó có phòng chống dịch sởi. Ngay trong tuần này, thành phố sẽ tổ chức tập huấn phác đồ điều trị sởi mới cho các bệnh viện và các tỉnh lân cận.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Võ Hải Sơn - Phó cục trưởng Cục phòng bệnh, Bộ Y tế - đến nay có hơn 52.000 ca bệnh sởi trên cả nước được báo cáo, tuy nhiên trên thực tế có thể cao hơn. Ở các tỉnh phía Nam, ca sởi đang giảm mạnh, còn miền Bắc và ở Bắc Trung Bộ lại có xu hướng tăng, sự vào cuộc của các cơ quan chính quyền địa phương vẫn rất hạn chế.
Ông thông tin thêm: “Mặc dù các tỉnh, thành có triển khai tiêm vắc xin sởi nhưng vẫn còn chủ quan nghĩ là dịch không đến tỉnh mình nên đăng ký vắc xin rất hạn chế. Việc tổ chức tiêm chủng thì gần như chỉ có ngành y tế, các đơn vị khác chưa tham gia tích cực, nên chưa huy động được người dân đến tiêm ngừa sởi. Chỉ thị mới nhất của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thành tiêm bù, tiêm vét vắc xin sởi, chậm nhất phải hoàn thành vào tháng 3/2025. Như vậy, tỉnh nào để số ca mắc cao thì có thể công tác tiêm chủng không tốt. Việc này sẽ được báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế và Chính phủ để xem xét trách nhiệm”.
Ông Hà Anh Đức nhận định, hiện nay, bệnh viện tuyến tỉnh hoàn toàn có thể điều trị được bệnh sởi, còn các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Nhi Đồng 1 là nơi điều trị bệnh nhân nặng. “Vì vậy, đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành phía Nam tăng cường truyền thông để người dân biết được dấu hiệu bệnh, cách chăm sóc theo dõi sởi, không thể để trẻ bị sốt nhẹ vẫn đưa lên TPHCM, hay đến các bệnh viện tuyến cuối. Điều này làm trẻ có thể nặng hơn, bởi nhiều bệnh nhân đổ về sẽ làm tăng mật độ vi rút, dễ bị lây nhiễm chéo” - ông nói.
Đề xuất quy định trẻ đến trường cần có hồ sơ tiêm chủng Ông Hà Anh Đức đề nghị, thời gian tới, ngành y tế và giáo dục cần phối hợp để đưa ra quy định trẻ muốn đến trường cần có hồ sơ tiêm chủng, giúp gắn quyền lợi và trách nhiệm của gia đình với trường học. Từ đó kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn. Ông cũng nhắc nhở, theo chu kỳ 5 năm, ngành y tế cần dự báo, chuẩn bị chiến dịch tiêm vắc xin đón đầu, thường xuyên rà soát để không bỏ sót các đối tượng chưa tiêm, mới có thể chủ động hơn trong kiểm soát sởi. Bên cạnh đó, các phác đồ chẩn đoán, điều trị bệnh nói chung và bệnh sởi nói riêng, cần được cập nhật, bổ sung liên tục nhằm có kế hoạch tốt hơn trong chữa bệnh cũng như phòng dịch. |
Phạm An