Nguy cơ dịch sởi bùng phát từ TP.HCM lan ra các tỉnh, thành khác

21/01/2019 - 19:53

PNO - Những ngày tết cận kề, các bác sĩ lo ngại người dân mang mầm bệnh sởi từ TP.HCM về các tỉnh, thành khác.

Người lớn đi lại là nguồn phát tán sởi

Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM thống kê, từ đầu năm 2018 đến 3 tuần đầu của năm 2019, số trường hợp mắc bệnh sởi được ghi nhận khoảng 1.900 ca. Trong số này, 60% là trẻ dưới 5 tuổi; 13,6% người lớn mắc sởi (trên 16 tuổi).

Tại cuộc họp với lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) tại TP.HCM vào chiều 21/1, PGS. TS. Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết: những ngày tết nguyên đán 2019 cận kề, người dân từ TP.HCM trở về quê có thể sẽ là nguồn phát tán vi rút sởi cho các tỉnh thành khác.

Theo PGS. Phan Trọng Lân một trong những yếu tố khiến sởi bùng phát thành dịch đó là mật độ dân số và biến động dân cư. Hiện nay, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương là địa phương có số ca mắc sởi cao nhất vùng Đông Nam Bộ.

Nguy co dich soi bung phat tu TP.HCM lan ra cac tinh, thanh khac
Một em bé bị sởi đang được điều trị tại TP.HCM. Ảnh: Phạm An

PGS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng lo lắng nguy cơ dịch bùng phát từ TP.HCM sẽ lan ra các tỉnh khác vì mỗi ngày địa phương này có hàng chục chuyến bay.

Đặc biệt số ca mắc bệnh sởi tại TP.HCM rơi vào các quận/huyện (Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức) - nơi có khu công nghiệp, tập trung nhiều người dân từ các tỉnh, thành khác đến làm ăn.

Người dân ở TP.HCM chưa tin vắc xin sởi miễn phí

Một bác sĩ của Trung tâm Y tế Dự phòng quận 8 trăn trở: "Nhiều phụ huynh không nghe theo tư vấn của y, bác sĩ ở trạm y tế nên trẻ ra trạm y tế tiêm vắc xin sởi không nhiều".

Một bác sĩ khác cho biết một trường quốc tế ở quận 7 từ chối cho học sinh của trường tiêm vắc xin sởi. Sau khi được thuyết phục, trường đồng ý nhưng chỉ có 15% trẻ của trường được tiêm vắc xin sởi.

Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM thống kê: từ năm 2015, số lượng người tiêm vắc xin sởi dịch vụ tăng cao. Đến năm 2017, số vắc xin sởi dịch vụ được người dân tiêm cao gấp 1,3 lần vắc xin miễn phí của Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Năm 2018, số lượng tiêm vắc xin sởi dịch vụ cao gấp đôi số tiêm vắc xin miễn phí.

Vắc xin miễn phí được tiêm lúc trẻ 9 tháng tuổi, còn vắc xin dịch vụ phải đợi đến khi trẻ được 12 tháng tuổi. 

Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM - nhận định: nếu người dân chọn tiêm vắc xin sởi dịch vụ nhiều hơn vắc xin sởi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, có nghĩa là những trường hợp này đều tiêm trễ.

Vắc xin sởi mũi 1 trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ tiêm khi các bé đủ 9 tháng, còn mũi vắc xin sởi dịch vụ (trong gói vắc xin sởi – quai bị - rubella), theo khuyến cáo của nhà sản xuất vắc xin, chỉ tiêm cho trẻ đủ 12 tháng.

Nguy co dich soi bung phat tu TP.HCM lan ra cac tinh, thanh khac
Một trường hợp người lớn bị mắc sởi khi vào bệnh viện chăm sóc cho em bé. Ảnh: Phạm An

PGS. Phan Trọng Lân cho rằng: trách nhiệm của ngành y tế là khuyến cáo để người dân lựa chọn giữa tiêm sởi lúc 9 tháng hay lúc 12 tháng. Nếu tiêm lúc 6 tháng tuổi, hiệu quả của vắc xin sởi là 67%, lúc 9 tháng tuổi đạt 85%. 

Ông đưa ra phương án nên tiêm vắc xin sởi miễn phí khi trẻ 9 tháng tuổi và tiêm tiếp mũi thứ 2 lúc trẻ 15 tháng tuổi (lúc này có thể tiêm vắc xin dịch vụ).

Tình hình dịch sởi bùng phát cuối 2018 kéo dài sang đầu 2019 vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, có 4,8% trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi.

Bác sĩ Lê Hồng Nga khuyến cáo trong tình hình hiện nay, phụ nữ khi chuẩn bị sinh đẻ nên tiêm vắc xin sởi.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI