Nguy cơ Bệnh viện Nhi đồng 1 thiếu thuốc trong cấp cứu sởi

29/08/2024 - 14:53

PNO - Sáng 29/8, đoàn Bộ Y tế do thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.

Nguy cơ thiếu thuốc khi dịch sởi tăng cao

Trong buổi làm việc, TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - đã báo cáo tình hình dịch sởi tại bệnh viện. Theo đó, bắt đầu từ tháng 6, bệnh nhi mắc sởi nhập viện tăng lên, cao nhất là vào tháng 8 đến nay với 368 trường hợp. Đa số trẻ mắc sởi dưới 12 tháng tuổi, trong đó hơn 11% trẻ tiến triển nặng, hơn 60% bệnh nhi được chuyển từ các tỉnh đến. Tất cả trẻ mắc bệnh đều không tiêm ngừa sởi, phải điều trị bằng các biện pháp như thở máy, vitamin A, truyền IVIG, dùng kháng sinh phổ rộng…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trong buổi làm việc với Bệnh viện Nhi Đồng 1
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trong buổi làm việc với Bệnh viện Nhi đồng 1

“Trước tình hình đó, bệnh viện đã rất cố gắng tập trung điều trị, nhất là những bệnh nhân nặng, thở máy với thông số cao, may mắn đến nay chưa có trẻ nào tử vong do sởi”, bác sĩ Minh nói.

Bác sĩ Minh cho biết, ngay từ đầu năm, bệnh viện đã đã lập kế hoạch tiếp nhận, thu dung, điều trị trẻ mắc bệnh sởi, thậm chí thành lập ban chỉ đạo chống dịch sởi, lên phương án chi tiết trong từng tình huống đối phó với dịch sởi.

Hiện tại, bệnh viện đã triển khai quy trình sàng lọc sởi, cũng như các khoa lâm sàng đều được bố trí phòng cách ly trẻ nghi ngờ bị sởi và các khu cách ly trong trường hợp bệnh nhi nhập viện do sởi.

Bên cạnh đó, bệnh viện đã tổ chức tiêm vắc xin ngừa sởi cho bệnh nhi từ 9 tháng đến 5 tuổi đang điều trị nội trú. Trong 2 tháng qua, đã có khoảng 200 trẻ được tiêm ngừa, và 50 bệnh nhi được tiêm IVIG phòng ngừa sởi.

“Từ đầu tháng 7, bệnh viện cũng đã chủ động mua vắc xin và tiêm ngừa cho nhân viên y tế thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, hạn chế tối đa lây nhiễm sởi trong nội viện.

Về thuốc điều trị, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã có kế hoạch đấu thầu, dự trữ thuốc, vật tư, đặc biệt là IVIG nên tạm thời đang đảm bảo thuốc điều trị cho trẻ”, bác sĩ Minh nói thêm.

Để tránh nguy cơ thiếu thuốc khi dịch sởi tăng cao, bác sĩ Minh đề xuất trong thời gian tới Bộ Y tế hỗ trợ nguồn cung ứng thuốc ổn định, nhất là IVIG (immunoglobulin therapy), thuốc cấp cứu, dopamine… bởi đây là các loại thuốc rất cần thiết trong điều trị bệnh dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống sởi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống sởi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1

Bên cạnh đó, phác đồ sởi của Bộ Y tế đã xây dựng cách đây 10 năm, trong khi hiện tại thế giới đã có rất nhiều phác đồ mới, phương thức mới trong điều trị sởi nên cần bổ sung, cập nhật phác đồ sởi 2024 để việc điều trị tốt hơn.

“Ngoài ra, gánh nặng hiện giờ là bệnh nhân bị sởi chuyển tuyến từ các tỉnh khá nhiều, mặc dù Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng như các bệnh viện khác liên tục hỗ trợ, đào tạo, huấn luyện… Bệnh viện cũng rất mong Bộ Y tế tiếp tục tăng cường năng lực tuyến trước, hạn chế chuyển tuyến, đặc biệt các bệnh dịch như sởi bởi càng chuyển tuyến, nguy cơ lây lan càng cao”, bác sĩ Minh nêu rõ.

Tăng cường tiêm vắc xin để chống dịch

Phó Viện trưỏng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng đề nghị Bệnh viện Nhi đồng 1 đẩy nhanh công tác tiêm ngừa sởi, nhất là trẻ đang điều trị nội trú tại bệnh viện chưa được tiêm sởi, để độ bao phủ cao bởi số lượng bệnh nhi tại đây khá lớn.

"Việc tiêm nhắc vắc xin sởi là hết sức cần thiết, trường hợp người lớn không nhớ, không còn sổ tiêm ngừa, thì nên tiêm đồng loạt, không hỏi tiền sử tiêm chủng. Làm sao trong chiến dịch này, các bé được tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Nếu sau khi tiêm đủ số mũi vắc xin cho trẻ dưới 5 tuổi mà còn vắc xin, thì ngành y tế TPHCM tiếp tục xem xét chọn vùng nguy cơ để tiêm cho trẻ dưới 10 tuổi để đảm bảo chống dịch hiệu quả”, bác sĩ Hồng nói thêm.

Nơi cách ly, sàn lọc sởi trong phòng Cấp cứu của bệnh viện
Nơi cách ly, sàng lọc sởi trong phòng cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng 1

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết, hiện nay tình trạng các bệnh viện tỉnh không triển khai tiêm ngừa sởi. Nếu không làm, sẽ dẫn đến việc người dân chạy lên các bệnh viện nhi đồng để tiêm. Ngoài ra, ngành y tế phải chú ý đến các đối tượng như nhà trọ, những khu vực khuất, nới rộng quan tâm các khu vực cần tiêm vét.

Đề nghị Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp tục thu dung, điều trị, kiểm soát để giảm trường hợp nặng, tử vong, kiểm soát lây nhiễm chéo trong bệnh viện, trong trường hợp cần thiết có phương án phối hợp với các bệnh viện khác để hỗ trợ điều trị, giảm quá tải điều trị.

Bộ Y tế đã gửi công văn cho ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chủ động phối hợp với TPHCM để nắm tình hình dịch, hoạt động phòng chống nhằm giảm lây lan.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đảm bảo đủ thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư để phòng chống dịch, đặc biệt là năng lực xét nghiệm phải liên hệ, khi bệnh viện gặp khó khăn liên quan đến các nhà cung ứng thuốc, phải báo cáo ngay với Sở Y tế, Cục quản lý Dược để được hỗ trợ cung ứng thuốc kịp thời.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI