Nguy cơ bệnh hô hấp đe dọa toàn cầu

10/01/2025 - 06:13

PNO - Các ca bệnh cúm và bệnh đường hô hấp đang tăng vọt ở nhiều quốc gia. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang theo dõi chặt chẽ các ca bệnh cúm gia cầm ở Mỹ và tình hình viêm phổi do vi rút hMPV ở Trung Quốc.

Bệnh viện quay cuồng vì ca nhiễm cúm

Đầu năm 2025, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã cảnh báo: “Số ca bệnh giống cúm đã tăng vọt, đạt mức cao nhất kể từ năm 2016” và kêu gọi công dân tuân thủ các hướng dẫn phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp. Người già trên 65 tuổi và trẻ em được lưu ý cần tiêm vắc xin phòng cúm càng sớm càng tốt. Trong hầu hết các trường hợp mắc bệnh, triệu chứng cơ bản là sốt đột ngột từ 38 độ C trở lên, kèm theo ho hoặc đau họng.

Một bệnh viện chuyên khoa nhi ở quận Seongbuk, Seoul, Hàn Quốc đông kín bệnh nhi và người thân - Nguồn ảnh: Yonhap News
Một bệnh viện chuyên khoa nhi ở quận Seongbuk, Seoul, Hàn Quốc đông kín bệnh nhi và người thân - Nguồn ảnh: Yonhap News

Nhật Bản cũng chật vật ứng phó trước sự gia tăng mạnh các ca cúm mùa. Từ ngày 9 - 15/12, quốc gia này ghi nhận 94.259 ca nhiễm cúm ở khoảng 5.000 bệnh viện và phòng khám trên toàn quốc. Tadashi Ishida - người đứng đầu ban chuyên gia về cúm tại Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Nhật Bản - nói với đài NHK: “Chúng tôi dự đoán số ca bệnh cao trong mùa này, vì mọi người ít tiếp xúc với vi rút cúm trong đại dịch và do đó thiếu khả năng miễn dịch”.

Các bệnh viện khắp châu Âu cũng đang đối mặt với khó khăn khi các ca bệnh cúm tiếp tục tăng mạnh sau mùa lễ. Bệnh ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em dưới 15 tuổi và người trên 60 tuổi là nhóm nhiễm bệnh nhiều nhất. Nhiều bệnh viện đã phải thành lập những đơn vị tạm thời để giảm bớt áp lực cho các khoa cấp cứu. Bác sĩ Jean-Luc Leymarie - Paris, Pháp - nhận xét: “Đã lâu rồi tôi mới chứng kiến ​​một dịch cúm lớn như vậy”. Ở Tây Ban Nha, các khu vực như Catalonia và Valencia trở nên quá tải vì số ca bệnh cúm tăng đột biến. Hệ thống y tế đang chuẩn bị cho đỉnh dịch dự kiến ​​vào nửa đầu tháng Một, với chủng cúm B chiếm ưu thế. Tại Budapest (Hungary), một số phòng khám bắt buộc bệnh nhân phải đeo khẩu trang và lệnh cấm người nhà đến thăm đã được thực hiện để giúp hạn chế sự lây lan của vi rút cúm. Romania ghi nhận hơn 4.100 ca bệnh cúm trong tuần cuối cùng của năm 2024 - tăng gần gấp đôi so với một tuần trước đó - trong đó có 4 ca tử vong có liên quan đến biến chứng cúm.

Những nguy cơ mới

Trung Quốc đang trải qua đợt bùng phát của vi rút gây bệnh về đường hô hấp ở người metapneumovirus (hMPV). Không giống như loại vi rút corona gây ra đại dịch COVID-19 vào năm 2020, hMPV là một loại vi rút phổ biến, được xác định từ năm 2001. Bệnh có thể nguy hiểm cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như trẻ sơ sinh, người già và những người có hệ thống miễn dịch suy yếu. Đồng thời, hMPV có một số đặc điểm khiến việc theo dõi mức độ lây truyền khó khăn hơn so với các loại vi rút khác. Hầu hết trẻ em đều bị nhiễm hMPV ít nhất 1 lần trước khi lên 5 tuổi, với các ca nhiễm thường đạt đỉnh vào cuối mùa đông hoặc đầu mùa xuân. John Tregoning - nhà miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London (Anh) - cho biết: “hMPV là một phần của hỗn hợp các loại vi rút mùa đông mà chúng ta phải tiếp xúc”. Bệnh do hMPV có các triệu chứng giống như cảm lạnh hoặc cúm, bao gồm: ho, sổ mũi, nghẹt mũi và khó thở. Bệnh nhân thường phục hồi trong vòng vài ngày.

Vasso Apostolopoulos - giáo sư miễn dịch học tại Đại học RMIT (Úc) - nhận định: chủng hMPV ở Trung Quốc dường như chưa đột biến, các nỗ lực theo dõi bệnh tật và kiểm soát nhiễm trùng là rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe cộng đồng. KCDC lưu ý vào ngày 8/1: “Gần đây đã có báo cáo về sự gia tăng các trường hợp mắc hMPV ở nước ngoài và đây là loại vi rút phổ biến trên toàn cầu”. Ấn Độ đã phát hiện 2 trường hợp trẻ nhỏ nhiễm hMPV ở tiểu bang Karnataka. Tuy nhiên Bộ Y tế Ấn Độ tuyên bố không có sự gia tăng bất thường nào trên toàn quốc về các trường hợp mắc bệnh giống cúm hoặc bệnh hô hấp cấp tính nghiêm trọng.

Sau khi một người đàn ông trên 65 tuổi có bệnh lý nền tử vong vì cúm gia cầm ở bang Louisiana (Mỹ), tiến sĩ Margaret Harris - người phát ngôn của WHO - phát biểu trong buổi họp báo vào ngày 7/1: vi rút H5N1 không lây truyền từ người sang người mà chỉ xuất hiện ở những người tiếp xúc với gia cầm hoặc gia súc lấy sữa. Bà nhấn mạnh: đánh giá của WHO về rủi ro bệnh cúm gia cầm đối với dân số nói chung “vẫn còn thấp”. Số ca nhiễm trùng đường hô hấp được báo cáo của Trung Quốc nằm trong phạm vi thông thường của mùa đông và không có tuyên bố tình trạng khẩn cấp nào được kích hoạt.

Linh La (theo Euronews, UN, Chosun Biz, Japan Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI