Ngưỡng chịu thuế 200 triệu đồng/hộ kinh doanh/tháng vẫn quá thấp

18/09/2024 - 06:58

PNO - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT). Nhiều người cho rằng, ngưỡng chịu thuế mới (200 triệu đồng/năm) đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vẫn còn quá thấp và sẽ sớm lỗi thời.

Ngưỡng chịu thuế mới không tạo sự phấn khởi

Hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm đang phải đóng thuế môn bài, VAT, thuế thu nhập cá nhân. Nếu dự thảo trên được thông qua, những hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm không phải đóng thuế VAT. Nhưng họ chẳng mấy phấn khởi.

Chị Thu Ngân - chủ quán chè Bé Ba trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, TPHCM - cho biết, chị kinh doanh chè, chuối nướng, doanh thu khoảng hơn 160 triệu đồng/năm nên mỗi tháng, chị phải đóng tổng cộng 240.000 đồng, gồm thuế môn bài, VAT 1% và thuế thu nhập cá nhân 0,5%. Nếu ngưỡng chịu thuế tăng lên 200 triệu đồng/năm thì hộ của chị không phải đóng VAT, giảm được một khoản chi phí. Tuy nhiên, hiện chi phí đầu vào ngày càng tăng khiến giá sản phẩm và doanh thu cũng tăng theo, nên dự kiến đến năm sau, mức doanh thu của quán chị vẫn nằm trong ngưỡng chịu thuế mới. Cụ thể, năm 2019, giá chè Thái 10.000 đồng/ly, nay là 18.000 đồng/ly và năm 2025 sẽ là 20.000 đồng/ly.

Kinh doanh ế ẩm từ khi có dịch COVID-19 (năm 2020) đến nay, tiểu thương các chợ ở TPHCM đều mong muốn ngưỡng doanh thu chịu thuế được điều chỉnh tăng cao hơn nhiều lần mức hiện hành chứ không phải mức 200 triệu đồng/năm như Bộ Tài chính đề xuất (ảnh chụp tại chợ Nhật Tảo, quận 10)
Kinh doanh ế ẩm từ khi có dịch COVID-19 (năm 2020) đến nay, tiểu thương các chợ ở TPHCM đều mong muốn ngưỡng doanh thu chịu thuế được điều chỉnh tăng cao hơn nhiều lần mức hiện hành chứ không phải mức 200 triệu đồng/năm như Bộ Tài chính đề xuất (ảnh chụp tại chợ Nhật Tảo, quận 10)

Chị Ngọc Châu - kinh doanh đồ trang sức bằng đá trên đường Nguyễn Duy Dương, quận 5, TPHCM - cho rằng, với ngưỡng doanh thu chịu thuế 200 triệu đồng/năm, hầu hết hộ, cá nhân kinh doanh đều phải nộp thuế. Hiện tại, chị phải đóng tiền thuế môn bài, VAT, thuế thu nhập cá nhân, tổng cộng hơn 6 triệu đồng/tháng. Dù ngưỡng doanh thu chịu thuế có tăng lên 300 triệu đồng/năm, tổng tiền thuế mà chị phải đóng vẫn ở mức này.

Nhiều tiểu thương ở các chợ truyền thống của TPHCM mong ngưỡng chịu thuế được nâng cao gấp nhiều lần mức được đề xuất để họ đỡ phải đóng thuế. Từ khi có dịch COVID-19 (năm 2020) đến nay, chợ nào cũng ế khách nhưng tiểu thương phải đóng thuế khoán nên thu nhập chẳng còn bao nhiêu. Nếu ngưỡng chịu thuế dành cho cá nhân, hộ kinh doanh cao hơn, tiểu thương sẽ đỡ được một khoản chi phí.

Chưa ban hành đã lỗi thời

Ông Trần Minh Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn An Phát - cho rằng, hộ kinh doanh thường “lấy công làm lời” và nguồn thu từ kinh doanh thường là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Trước đây, cơ quan soạn thảo, ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân từng xem thu nhập của cá nhân, hộ kinh doanh như tiền lương của họ nhưng do việc thu thuế không hiệu quả nên chuyển sang phương pháp ấn định thuế trên doanh thu, bãi bỏ quy định giảm trừ gia cảnh, bãi bỏ việc áp dụng biểu thuế suất lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ kinh doanh. Điều này gây bất bình đẳng giữa cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh dù công việc của 2 đối tượng này đều nhằm lo cho cuộc sống bản thân và những người phụ thuộc.

Do đó, theo ông, mức doanh thu chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh phải tương thích với mức giảm trừ gia cảnh của những người làm công ăn lương. Chẳng hạn, chủ hộ kinh doanh đang có 2 người phụ thuộc thì mức giảm trừ gia cảnh phải là 19,8 triệu đồng/tháng (cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng), tương đương 237,6 triệu đồng/năm. Số tiền này giống như tỉ suất lợi nhuận sau thuế để đảm bảo cuộc sống hằng ngày của hộ và để có con số lợi nhuận này, doanh thu phải đạt khoảng 4 tỉ đồng/năm. Do vậy, ngưỡng doanh thu chịu thuế 200 triệu đồng/năm vẫn còn quá thấp.

Cũng theo ông, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, nếu tính theo chỉ số lạm phát bình quân 6 - 7%/năm thì trong 10 năm qua, ngưỡng doanh thu chịu thuế phải tăng lên rất cao chứ không phải mức 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, theo điều 19, Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nhưng lâu nay, ngưỡng doanh thu chịu thuế chưa lần nào được điều chỉnh, gây thiệt thòi cho hộ kinh doanh.

Theo luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang - cần có sự tiên lượng khi đưa ra ngưỡng chịu thuế mới, để khi ban hành, có hiệu lực thi hành thì không lạc hậu so với mức tăng của giá cả hàng hóa. Theo ông, một gia đình làm công ăn lương có vợ, chồng và 2 con nhỏ thì mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và 2 người phụ thuộc là gần 370 triệu đồng/năm và dự kiến sẽ tăng từ năm 2025. Đặc thù các hộ kinh doanh cá thể là có từ 4-5 thành viên hoặc nhiều hơn, họ cũng nuôi cha mẹ già, con nhỏ nhưng lại không được giảm trừ gia cảnh như những người làm công ăn lương. Đó là điều không công bằng. Ông cho rằng, ngưỡng chịu thuế dành cho hộ, cá nhân kinh doanh mỗi năm phải ít nhất 400 triệu đồng hoặc cao hơn.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu tăng mức doanh thu chịu thuế lên 200 triệu đồng/năm, cả nước sẽ có khoảng trên 620.000 hộ kinh doanh không phải nộp thuế, nguồn thu ngân sách bị giảm khoảng 2.630 tỉ đồng/năm. Còn nếu tăng mức doanh thu chịu thuế lên 300 triệu đồng/năm thì sẽ có hơn 734.000 hộ kinh doanh không phải nộp thuế, nguồn thu ngân sách giảm 6.383 tỉ đồng/năm.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI