Nguồn vui nào cho công nhân ở trọ?

02/05/2023 - 06:55

PNO - Trưa đầu tháng Tư, khu nhà trọ công nhân giáp ranh giữa xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TPHCM với xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đang lao xao tiếng nói cười bỗng đột ngột chùng xuống khi có sự xuất hiện của chị chủ nhà. Hôm nay là ngày chị chủ đi thu tiền phòng.

Lo cái ăn còn chưa xong

Trong căn phòng rộng chừng 9m2, chị em Nén Nây (28 tuổi) và Nén Son (19 tuổi, quê ở tỉnh An Giang) lấy bịch cải ngọt héo lá ra lặt. Nén Nây rửa rau, vo gạo, Nén Son lấy dĩa cá rô phi ăn dở chiên lại để làm thức ăn cho buổi trưa nay.

Những căn phòng trọ chật hẹp, chỉ vài mét vuông là nơi sinh sống của cả gia đình công nhân nên họ không có không gian để vui chơi, giải trí (trong ảnh: Khu trọ công nhân ở xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh) - ẢNH: TAM NGUYÊN
Những căn phòng trọ chật hẹp, chỉ vài mét vuông là nơi sinh sống của cả gia đình công nhân nên họ không có không gian để vui chơi, giải trí (trong ảnh: Khu trọ công nhân ở xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh) - Ảnh: Tam Nguyên

Thấy chị chủ nhà N.T.H. tới trước cửa phòng, Nén Son ngưng tay, giọng lí nhí: “Tháng này, nhà em chưa có tiền, chị ráng cho thêm ít bữa”. Chỉ tay về góc cửa phòng, Nén Nây nói như than: “Em mới dìa quê, chị Hai cho được chục ký gạo, 2 đòn bánh tét, mấy ký khô cá rô phi để ăn dần. Cả tháng nay, nhà em sáng, trưa, chiều cũng chỉ ăn nhiêu đó món”.

Ngồi bệt trước cửa phòng trọ kế bên, chị Nén Kim Sơn (47 tuổi, cùng quê với chị em Nén Nây) thò tay móc tờ 500.000 đồng trong túi chìa ra, nói: “Khổ quá, giờ còn nhiêu đây trong túi, không biết sống sao đến cuối tháng”. Cả tháng nay, chị đi làm “bữa đực bữa cái”, chồng chị cũng thất nghiệp.

Chợt có tiếng xe máy lịch xịch dừng trước cửa phòng số 4, ngắt ngang lời chị Sơn. Một thanh niên khoảng 20 tuổi làm công nhân xây dựng cho công trình gần khu nhà trọ dựng chống xe, tiếp lời: “Hồi tết tới giờ, đây là ngày đầu tiên em được đi làm đó chị. Thiệt, đây là ngày đầu tiên luôn đó”. Cả khu trọ ai nấy bật cười. 

Chia sẻ với những công nhân, lao động khó khăn trong khu trọ, chị N.T.H. đồng ý cho chị em Nén Nây và chị Nén Kim Sơn khất tiền trọ tháng này. Chị H. cho hay, gia đình chị có 30 phòng cho thuê, giá thuê mỗi phòng 900.000 đồng/tháng. Mấy tháng nay, công nhân mất việc, thường xin khất tiền phòng. Đợt dịch COVID-19 vừa qua, mấy tháng liền, chị H. không lấy tiền trọ của công nhân, lại còn trả luôn tiền điện, nước cho một số người. 

Chị Nén Son và chồng sắp cưới ngồi ăn trưa với nhau tại nhà trọ - Ảnh: Phan Tuyền
Chị Nén Son và chồng sắp cưới ngồi ăn trưa với nhau tại nhà trọ - Ảnh: Phan Tuyền

“Ở đây, công nhân nợ tiền thuê 1-2 tháng là chuyện thường, có hộ còn không có tiền tiêu mỗi ngày. Đa phần họ đều làm cho công ty chế biến thủy sản ở huyện Bình Chánh. Mấy tháng nay, do hụt đơn hàng nên công nhân phải nghỉ luân phiên. Thấy chị em khổ quá, mình cũng không nỡ làm căng” - chị N.T.H. tâm sự.

Trời đầu tháng Tư oi bức khiến khu nhà trọ nóng hầm. Vừa lật mấy miếng khô chiên trên dĩa, chị Nén Kim Sơn vừa thở than: “Tăng ca suốt thì thời gian mình ngủ còn chưa đủ, văn nghệ văn gừng gì? Mà mấy nay không được tăng ca, còn bị cắt làm ngày cuối tuần, phải lo chạy kiếm việc làm thêm đặng trả tiền điện, tiền phòng, chứ rảnh đâu mà nghĩ ngợi so bì mình sống chất lượng ra sao”.

Tự bấm điện thoại gọi mình

Căn phòng trọ của bà cháu thằng Đời - ở ấp 4, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TPHCM - rộng chừng vài mét vuông, chỉ có mỗi cái giường đủ để 1 người nằm, còn lại là bếp núc, xoong nồi lỉnh kỉnh một góc. Phía trên là cái gác lửng, chất linh tinh đồ đạc, giấy các tông dán khắp nơi. Ánh sáng trong phòng lờ mờ. 

Bé Đời - 4 tuổi - chen vào lòng tôi ngồi, đưa tay lên sờ má tôi như đã thân quen dù mới gặp lần đầu. Bà nội bé phân bua: “Sinh nó ra, mẹ nó bỏ đi, cha nó giao nó cho tôi rồi đi luôn. Suốt ngày, nó ở trong phòng với tôi nên nó thèm người”. Tôi nghĩ, nếu trong phòng có được cái ti vi hay vài món đồ chơi nào đó thu hút, có lẽ bé Đời sẽ không theo quấn tôi như vậy. Khi được hỏi sao không cho cháu đến trường, bà nói bé không có giấy khai sinh, vì khi sinh xong, mẹ bé trốn viện rồi đi luôn. 

Bà nội bé Đời ngoài 60 tuổi, quê ở tỉnh Cà Mau, ở trọ phòng này được 6-7 năm nay. Bà rời quê đến TPHCM để chăm cháu phụ con gái (là cô ruột của Đời) đang làm công nhân, rồi lo cơm nước để con yên tâm tăng ca, đồng thời trông giữ thằng Đời. Ở nhà cả ngày, thỉnh thoảng, bà đứng dậy bước ra đầu hẻm, nhìn xe cộ một lát rồi lại vô phòng ngồi. 

Chồng bà làm nghề bốc vác nên ngày nào cũng đi, có hôm đến 20 - 22g mới về nên bà không chừa cơm. Bà kể: “Không có ngày nào ổng không nhậu. Về là lăn ra ngủ chớ ăn uống gì nổi đâu. 4g sáng là ổng dậy đi, nên tui với ổng cũng chẳng có thời gian nói chuyện với nhau”.

20g, nhịp sống trong 6 căn phòng ở khu trọ này dường như sôi động hơn khi phần lớn công nhân đã xong cơm nước. “Đợt này đơn hàng giảm, không có tăng ca nên buổi tối dài, không biết làm gì cho tới giờ đi ngủ” - nữ công nhân tên H. chán chường. Không phòng nào có ti vi nên mỗi người trẻ cầm 1 cái điện thoại ngồi ngay cửa phòng xem TikTok, thỉnh thoảng cười khúc khích với cái điện thoại. Mấy người có tuổi thì tụm lại ở quán tạp hóa nhỏ bên lề đường, hướng mắt vào màn hình ti vi trong quán coi hát boléro. 

Hình như để phục vụ khách, chủ quán tạp hóa cũng bật âm thanh ti vi hết cỡ. Tôi cũng kéo chiếc ghế ngồi nghe boléro và trò chuyện với những người xa quê, ở trọ. Màn hình từ 2 cái điện thoại trên 2 bàn tay của người đàn ông ngồi kế bên bật sáng. Anh ta bật cười, nói: “Rảnh quá không có gì làm, lấy điện thoại tự gọi cho mình chơi vậy đó”. Nói xong, anh bấm nút từ chối cuộc gọi. Xong lại bấm tắt, bấm tắt nhiều lần. 

Cần thêm những xóm trọ vui vẻ

Sáng cuối tuần, trong khoảng sân rộng đằng sau xóm trọ trên đường Tô Ngọc Vân, khu phố 1, phường Tam Phú, TP Thủ Đức, TPHCM, chị Nguyễn Thùy Phương Ngọc ngồi đạp xe một hồi thì bà Nguyễn Thị Hồng và anh Vũ Đức Thuận cùng bước ra, người thì dùng máy đi bộ, người thì nâng tạ, vừa tập thể dục, vừa nói cười vui vẻ. 

Sân sinh hoạt chung trong khu nhà trọ của chị Trương Đài Giang Thi - nơi anh chị em công nhân tập thể dục, vui chơi thoải mái
Sân sinh hoạt chung trong khu nhà trọ của chị Trương Đài Giang Thi - nơi anh chị em công nhân tập thể dục, vui chơi thoải mái

Nơi chị Phương Ngọc thuê có 22 phòng, được mọi người đặt tên là “xóm trọ vui vẻ”. Ở đây, chủ trọ là chị Trương Đài Giang Thi đã dành 200m2 đất làm sân sinh hoạt chung. Vợ chồng chị xây bể nuôi cá koi, cá bảy màu, trồng rau xanh, cây kiểng và một giàn hoa giấy. Họ còn lắp các thiết bị tập thể dục ngoài trời, bóng đèn thắp sáng quanh sân, bày bàn cờ tướng và trải thảm cỏ nhân tạo làm sân chơi bóng rổ. 

Người thuê phòng hầu hết là công nhân đến từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc, ít về quê do quá xa. Chị Thi sắm bàn ghế và dàn loa karaoke cho mọi người ca hát đỡ buồn mỗi dịp lễ, tết. Là đầu bếp lành nghề, có quán ăn ở phường Bình Thọ, TP Thủ Đức nên mỗi dịp như vậy, chị cũng bỏ tiền làm bữa tiệc, mọi người cùng nấu nướng, ăn uống, chơi rút thăm trúng thưởng. 

Mỗi lần Hội LHPN các cấp tổ chức thi gói bánh chưng, bánh tét để tặng người nghèo, xóm trọ chị Thi có hẳn một đội tham gia. Những nữ công nhân ở trọ lâu năm, tới khi lấy chồng mà kinh tế eo hẹp, quê nhà quá xa, chị Thi cũng hỗ trợ làm đám cưới ngay trong khu trọ, mọi người cùng phụ trang trí rạp, kết hoa cưới. Vậy nên, nghĩa tình xóm trọ ngày càng đậm sâu. 

Anh Vũ Đức Thuận tâm sự: “Tôi từ tỉnh Đồng Nai tới TPHCM làm việc trong khu công nghệ cao. Lúc chưa tới xóm trọ này, tôi không thể hình dung TPHCM lại có một nơi tuyệt vời như vầy. Tôi tập thể dục mỗi ngày và thường chơi cờ tướng, giúp tinh thần cân bằng, làm việc tốt hơn”. 

Chị Thi cho biết, chị gầy dựng khu trọ đã 24 năm. Ngay khi quyết định kinh doanh, vợ chồng chị cũng bàn nhau về việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người thuê. “Bên cạnh nhà tôi còn có khu trọ nhỏ hơn của đứa em gái, với 5 phòng. Các bạn trọ bên đó cũng qua đây vui chơi, luyện tập thể dục mỗi ngày. Ông xã tôi mê cây nên trồng nhiều, các bạn thích lắm. Hội LHPN phường Tam Phú vừa báo sẽ tặng sách để mở góc đọc cho khu trọ. Có thêm góc này, chắc mọi người vui lắm” - chị Thi nói.

Chị Bé Bông - công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam - nói về khu nhà trọ của mình ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM: “Vui lắm em”. Khu này vừa được trang bị bộ dụng cụ thể dục ngoài trời và góc đọc với hơn 500 đầu sách. 

Chị Bé Bông - 45 tuổi, đã thuê trọ ở khu này 17 năm, sau khi đã thuê trọ ở vài chỗ khác. Chị nói, lâu lắm mới lại cầm lên một cuốn sách. Lâu nay, cứ tan ca là chị về phòng nấu nướng, tắm giặt, ăn uống rồi ngủ, ngày cuối tuần thì lướt mạng xã hội hết ngày. 

Thời gian qua, với sự hỗ trợ, vận động của các đoàn thể, một số chủ nhà trọ ở TPHCM đã quan tâm hơn đến đời sống văn hóa, tinh thần của người thuê phòng. Bà Nguyễn Thị Thành - ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn - dành một phòng riêng rộng 20m2 làm nơi cho công nhân đọc sách, báo, coi ti vi. Chị Trương Đài Giang Thi - ở phường Tam Phú, TP Thủ Đức - có khoảng sân rộng để người thuê trọ chơi bóng rổ, cờ tướng hoặc ngồi nghỉ mát nhìn con, cháu nô đùa. Khu nhà trọ của bà Nguyễn Thị Bảy - ở phường Thới An, quận 12 - có lối đi chung rộng rãi, có chỗ để bà và người thuê trọ cùng trồng rau xanh trong thùng xốp. 

Đề án “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị trong nữ công nhân, lao động khu lưu trú, nhà trọ” là 1 trong 5 công trình trọng điểm của Đại hội Đại biểu phụ nữ TPHCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2016-2021. Được triển khai từ năm 2017, đến năm 2021, đề án đã trang bị các kiến thức pháp luật, kỹ năng tự vệ, kỹ năng sắp xếp cuộc sống gia đình, kỹ năng làm đẹp cho 54.000 lượt nữ công nhân.

Kết thúc nhiệm kỳ, các chương trình bồi dưỡng vẫn được duy trì cho nữ công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam với 6 kỳ mỗi năm. Hội LHPN TPHCM cũng phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM mở kênh “Nhịp sống nữ công nhân”. Hiệu quả đề án là có, nhưng chưa tiếp cận được bao nhiêu trong lực lượng lao động ngoại tỉnh đông đảo đang sống và làm việc ở TPHCM. 

Thời gian gần đây, Hội LHPN, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Thanh niên TP Thủ Đức có mô hình “Điểm hẹn cuối tuần”, “Sân chơi cuối tuần” cho thanh niên công nhân ở các khu nhà trọ và công viên khu phố với nhiều trò chơi dân gian vui nhộn, đố vui có thưởng. Đây là những mô hình thu hút đông công nhân tham gia, nhưng số lần tổ chức còn ít (mỗi quý 1 lần). 

Với quỹ đất hạn hẹp, không thể kỳ vọng tất cả chủ nhà trọ đều tạo được không gian để người thuê trọ sinh hoạt, vui chơi. Vì vậy, các cấp chính quyền, đoàn thể cần đẩy mạnh xây dựng các thiết chế văn hóa cộng đồng ở những khu vực tập trung nhiều nhà trọ công nhân, phát triển các điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao và thường xuyên tổ chức chương trình biểu diễn, giao lưu văn nghệ cho công nhân mỗi dịp cuối tuần. Ở trung tâm thành phố có phố đi bộ, có đường sách, khu ẩm thực, nên chăng cũng cần nghiên cứu xây dựng những mô hình này ở những địa phương có khu chế xuất, khu công nghiệp. 

Thảo Nguyên

Mong có công viên trò chơi trong khu phố

15 năm sống trọ ở TPHCM, tôi chưa từng biết rạp chiếu phim hay sân khấu ca nhạc ra sao. Thời còn độc thân, chuyến đi chơi duy nhất của tôi là cùng các bạn vô khu du lịch Suối Tiên. Nay tôi đã lập gia đình, có con trai gần 5 tuổi. Để hạn chế thời gian thằng bé dùng điện thoại, tôi thường mở ti vi coi hoạt hình cùng con hoặc rèn con viết chữ. 

Nhìn lại, mình cũng thấy nuối tiếc, cứ cắm đầu làm, không biết gì, nghe bạn ở quê hỏi TPHCM ra sao, chỉ toàn gãi đầu cười. Giờ có con, lâu lâu vợ chồng tôi mới chở bé ra nhà thiếu nhi TP Thủ Đức chơi. Tôi mong thời gian tới, thành phố mở thêm nhiều công viên trò chơi ở mỗi khu phố, hoặc 2-3 khu phố 1 cái. Diện tích công viên không cần lớn, nhưng có đồ chơi cho trẻ em, có quầy sách, quầy tô tượng. 

Chị Nguyễn Thị Hậu - 33 tuổi, ở trọ tại khu phố 4, phường Tam Bình, TP Thủ Đức

Chúng tôi muốn xem văn nghệ quần chúng và được học võ để tự vệ 

Quê tôi ở tỉnh Thái Bình. Tôi đã sống trọ ở TPHCM 13 năm, cứ lo kiếm sống rồi còn tích cóp để lúc lớn tuổi về quê, có chút vốn buôn bán, thành ra không vui chơi gì. Nói đời sống văn hóa, tinh thần của mình nghèo nàn cũng không sai. Tôi mong các đoàn thể mở các lớp dạy võ tự vệ cho phụ nữ và trẻ em tại trụ sở khu phố, nhà nào khó khăn thì được miễn phí, còn lại có thể đóng chút đỉnh lo trà nước cho thầy dạy. 

Ngoài ra, tôi cũng mong các ban, ngành thường xuyên tổ chức các chương trình văn nghệ quần chúng ở địa điểm công cộng trong phường, vì đây là nơi mà những người sống trọ như tôi dễ tiếp cận. 

Chị Trần Thị Huệ - 41 tuổi, ở trọ tại khu phố 6, phường Thới An, quận 12

Cần quy định về hạ tầng xã hội của các khu công nghiệp

Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc chăm lo tốt đời sống tinh thần cho người lao động sẽ tạo ra năng suất lao động cao hơn. Thế nhưng, trong bối cảnh mức lương cơ bản không đủ chi tiêu, công nhân buộc phải tăng ca, khung thời gian nghỉ ngơi không còn nhiều, đời sống tinh thần công nhân hiện nay khá nghèo nàn. Nam giới thường chỉ biết tụ tập ăn nhậu rồi ngủ, nữ thì “tám” điện thoại với nhau. Chưa kể, việc làm theo ca khiến cơ thể người lao động phải cố gắng thích ứng với sự thay đổi liên tục về giờ giấc. Thậm chí, những cặp vợ chồng trẻ ít gặp nhau vào ngày cuối tuần do trái ca.

Hiện nay, một số doanh nghiệp ở Việt Nam đang hướng đến tiêu chuẩn mới, trong đó yêu cầu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để có thể tham gia các thị trường khó tính như châu Âu. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu có sự đầu tư nhất định cũng như quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để nâng cao sức khỏe tinh thần cho công nhân. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, việc duy trì công việc cho công nhân đã khó, nên việc chăm lo đời sống tinh thần cho họ càng khó khăn hơn. 

Công nhân, người lao động đa phần ở thuê trong các khu nhà trọ. Các khu nhà trọ này chủ yếu chỉ để ở chứ chưa đạt đến mức để sống. Nhiều công nhân nam làm việc với cường độ nặng nhọc nhưng tối về, vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra thuê sân đá bóng. 

Điều đó cho thấy, các sân chơi dành cho công nhân đang thiếu trầm trọng. Do vậy, trong việc phát triển đô thị sắp tới, chính quyền TPHCM cần có những quy định rõ ràng về hạ tầng đô thị, hạ tầng khu công nghiệp, đi kèm với nó là hạ tầng xã hội với những thiết chế về dịch vụ công, về các tiện ích đời sống như giáo dục, y tế và các tiện ích về văn hóa tinh thần để phục vụ, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân. Việc thiết kế, cải tạo lại các khu công nghiệp có các tiêu chuẩn đáp ứng được quyền lợi người lao động cũng sẽ giúp tăng thêm sức hút đối với nhà đầu tư. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội

Thu Lê (ghi)


 

Mẫn Nhi - Phạm Phan - Thu Lê

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI