Cuộc sống khởi sắc nhờ vốn vay
Buổi sáng, trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Quốc Thảo, P.Võ Thị Sáu, Q.3, (TP.HCM), quán hủ tíu của chị Lý Thị Kim Loan chỉ đặt được vài ba chiếc bàn nhỏ sát mép tường nhưng lúc nào cũng đông khách. Vì quán chật, khách đông nên chồng chị Loan chịu khó giao hàng đến tận nhà cho khách. Một thực khách nhận xét: “Quán cô Loan nấu ăn vừa miệng, chủ quán vui vẻ, chiều khách, giá cả cũng hợp lý”. Còn chị Loan nói: “Gần 50 tuổi, tôi mới có việc làm ổn định, cảm nhận được cuộc sống có nhiều khởi sắc”.
|
Chị Lý Thị Kim Loan được tiếp sức về vốn để mở quán bán thức ăn sáng và có cuộc sống ổn định |
Trước đây, chị Loan chỉ quanh quẩn ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con cái; cuộc sống gia đình trông vào thu nhập chạy xe ôm của chồng. Bức bối, chị nhiều lần muốn ra ngoài buôn bán, nhưng chờ mãi vẫn không đủ điều kiện. Vì thế mà cuộc sống cứ thiếu trước, hụt sau.
Biết được mong muốn của chị Loan, năm 2017 Hội Phụ nữ phường giới thiệu chị vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong 3 năm. Không chỉ được hỗ trợ về vốn, chị Loan còn được Hội hướng dẫn cách buôn bán và giới thiệu khách đến ủng hộ, nên chỉ sau vài năm cần mẫn cuộc sống gia đình đã khấm khá hơn. Mỗi tháng, sau khi trừ các chi phí và vốn trả góp, chị cũng còn thu nhập khoảng từ 3 - 5 triệu đồng.
Nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả và luôn trả nợ đúng hạn, chị Loan được khu phố tin tưởng giao làm tổ trưởng tổ vay vốn. Kể từ khi nhận nhiệm vụ đến nay chị đã giới thiệu, hỗ trợ vay cho 48 lượt hội viên với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng. Chị cũng thường xuyên động viên, hướng dẫn chị em cách quản lý và sử dụng vốn hiệu quả. Nhiều chị em từ đó có cuộc sống ổn định hơn, thực hiện tốt việc tiết kiệm, trả nợ đúng hạn và không phát sinh nợ tồn đọng.
Khi cuộc sống đã tốt lên, chị Loan quay trở lại tham gia tích cực vào các hoạt động Hội Phụ nữ. Hằng năm, chị đóng góp khoảng 3 triệu đồng cho “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, nuôi heo đất để cùng Hội hỗ trợ vốn vay cho nhiều chị em, thực hiện các hoạt động chăm lo cho hội viên phụ nữ đơn thân khó khăn, duy trì vận động chăm lo học bổng cho học sinh nghèo trong khu phố…
Trao cơ hội cho chị em nghèo
Năm 2015, khi đang làm tạp vụ tại UBND P.Tân Thuận Tây (Q.7), chị Sử Bích Lan được cán bộ phường nhờ dắt các cô trong tổ vay vốn đi thu hồi vốn. Vì là người trong khu phố 4 nên chị Lan hiểu rõ câu chuyện của từng gia đình và đề xuất những cách ứng xử khác nhau cho từng trường hợp nợ xấu. Việc thu hồi vốn nhờ vậy đã rất suôn sẻ. Sau đó, UBND phường đã giao cho chị làm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại khu phố 4.
|
Chị Sử Bích Lan (bên trái) phát vốn vay cho hội viên vào sáng 3/11 |
Nhận thấy khu phố nằm bên cạnh Trường đại học Marketing nên có tiềm năng buôn bán, chị Lan đã gợi ý cho những chị em nghèo trong
20 năm đồng hành cùng chương trình Giảm nghèo bền vững Hôm nay, 4/11/2022, UBND TP.HCM tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ/CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ trên địa bàn TP.HCM. Từ năm 1992, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước khởi xướng và thực hiện chương trình Xóa đói giảm nghèo (nay là chương trình Giảm nghèo bền vững). Ngày 14/1/2003 NHCSXH chi nhánh TP.HCM được thành lập nhằm đồng hành cùng thành phố thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tính đến ngày 30/9/2022, tổng số nguồn vốn tín dụng chính sách tại NHCSXH chi nhánh TP.HCM cho vay đạt 7.530 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay đã giúp 276.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 321.700 lao động, tạo điều kiện cho 117.700 lượt học sinh - sinh viên có điều kiện tiếp tục học tập, cải tạo trên 370.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở 5 huyện ngoại thành, giúp gần 12.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi các dự án chỉnh trang đô thị sửa chữa nhà ở và phát triển kinh tế. Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã hỗ trợ 197 lượt doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh và trả lương cho hơn 67.200 lượt lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19... (Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội TP.HCM) |
khu phố vay 10 - 20 triệu đồng với hạn trả nợ trong 5 năm để buôn bán nhỏ. Bởi chị tin rằng, nếu chịu khó buôn bán thì đời sống của các hộ nghèo sẽ thay đổi. Điển hình là vào năm 2017, chị Lan đã bảo lãnh để chị V.T.S. vay 50 triệu đồng. Hoàn cảnh của chị S. lúc ấy rất khó khăn, chồng mất, chị phải nuôi ba đứa con, lại đang nợ xã hội đen 30 triệu đồng, nên không đủ điều kiện để vay 50 triệu đồng. Chị Lan trăn trở: “Họ đang nợ lãi suất cao 30 triệu đồng. Nếu chỉ cho vay 30 triệu hoặc ít hơn thì còn đâu vốn để làm ăn”. Với suy nghĩ ấy, chị đã quyết tâm bảo lãnh cho chị S. vay 50 triệu đồng. Ngày chị S. nhận vốn vay, chị Lan cùng đi trả nợ 30 triệu đồng với chị S. Số tiền còn lại, chị S. lấy kẹp tóc, vớ, bao tay… rồi trải bạt ngồi bán ở một góc chợ Tân Mỹ. Chị Lan động viên và vẽ ra lộ trình trả nợ cho chị S.: “Ráng làm trả nợ nha cô. Không có tiền đóng tháng thì mỗi ngày góp 20.000 đồng”.
Năm 2020, dịch COVID-19 khiến nhiều tiểu thương phải sang sạp. Chị S. quyết định trả số nợ còn lại trước hạn rồi tái vay 50 triệu đồng để sang lại một sạp. Từ ngày có chỗ ngồi đàng hoàng, việc buôn bán của chị cũng khởi sắc hơn. Hiện nay, chị S. đã thoát nghèo.
Chị Lan tâm sự, chị cũng đi lên từ cái nghèo, cũng từng vay vốn ngân hàng chính sách để đóng học phí cho con, nên khi làm tổ trưởng tổ vay vốn, thấy ai khó khăn, chị đều cố gắng giúp. Hiện tại, chị quản lý 60 địa chỉ vay với số phát vay khoảng 3 tỷ đồng. Nhiều người trong số đó buôn bán giỏi, hoàn tất nợ sớm và tái vay số tiền cao hơn. Người nào chậm cũng sẽ góp xong trong 3 năm. “Phụ nữ mình thoát nghèo nhờ nguồn vốn NHCSXH nhiều lắm. Số vốn dù không nhiều nhưng giúp nhiều gia đình có hướng đi trong lúc khó khăn. Nhưng để sử dụng vốn đúng mục đích, mình cần phải sát sao chị em vay vốn để còn định hướng cho họ. Khi đã cho vay rồi thì phải chịu khó nhắc nhở họ” - chị Lan chia sẻ. Thế cho nên, cứ đầu tháng là chị lên Zalo nhắc nhở chị em để đến ngày Tám hằng tháng chị đi thu. Những trường hợp quá khó khăn, không có tiền trả đúng hạn, chị sẵn sàng cho mượn.
“Phải chi có nguồn vốn nào đó hỗ trợ cho những phụ nữ tạm trú, không nhà cửa, bởi đây là những đối tượng thật sự khó khăn, nhưng không đủ điều kiện để vay” - chị Lan ao ước thêm.
Song An -Thu Lê
Hội LHPN quản lý nguồn vốn ủy thác hiệu quả Tính đến cuối tháng 8/2022, Hội Phụ nữ các cấp tại TP.HCM có hơn 1.400 tổ tiết kiệm và vay vốn, đang quản lý trên 60.000 hộ vay vốn với tổng dư nợ 2.781,891 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng dư nợ của các đoàn thể trong thực hiện ủy thác với NHCSXH. Trong giai đoạn 2003-2022 dư nợ của Hội Phụ nữ tăng đều hằng năm. Là đơn vị nhận ủy thác với số tiền trên 132 tỷ đồng và có nợ quá hạn chỉ 359 triệu đồng (0,27%), bà Lương Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN Q.6 - chia sẻ kinh nghiệm: “Để việc quản lý nguồn vốn hiệu quả, đầu tiên, chúng tôi chọn những người có uy tín nhất, thường là tổ trưởng/chi hội trưởng phụ nữ làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn. Kế đến, Hội LHPN phường cũng như quận thường xuyên kiểm tra nguồn vốn định kỳ cũng như đột xuất. Thứ ba là tăng cường công tác tập huấn về quản lý và sử dụng nguồn vốn bằng nhiều hình thức như tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ nhằm truyền thông đến người sử dụng vốn và các tổ trưởng vay vốn; lồng ghép tuyên truyền về chính sách và những quy định pháp luật để mọi người thông hiểu và tuân thủ. Thứ tư là hỗ trợ người vay vốn sử dụng đồng vốn hiệu quả bằng cách giới thiệu việc làm, gửi/cử đi học các lớp đào tạo nghề, khóa học khởi sự kinh doanh. Cuối cùng là thường xuyên đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả. Hạnh Chi |