Nguồn thực phẩm về TP.HCM vẫn thiếu an toàn

22/02/2019 - 12:00

PNO - Thực phẩm từ các tỉnh, thành đưa về TP.HCM chiếm khoảng 70% nhu cầu tiêu thụ vẫn tiềm ẩn nguy cơ không an toàn đối với sức khỏe.

Sản phẩm nông nghiệp tại TP.HCM chỉ đáp ứng khoảng 20 - 30% nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân, phần còn lại phải lấy từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau. Thực phẩm từ các tỉnh, thành đưa về TP.HCM tiêu thụ vẫn tiềm ẩn nguy cơ không an toàn đối với sức khỏe.

Những năm gần đây, TP.HCM áp dụng nhiều biện pháp để có thể giám sát được chất lượng nguồn nông sản đến từ các địa phương khác, trong đó tập trung liên kết với các cơ sở cung ứng theo hình thức liên kết chuỗi. Tuy nhiên, chưa thể yên tâm khi nhìn vào kết quả giám sát an toàn nông sản tại nhiều địa phương có nguồn tiêu thụ chính là TP.HCM.

Nguon thuc pham ve TP.HCM van thieu an toan
TP.HCM kiểm tra tổng thể khai thác thủy sản trên biển và tại cảng cá

Cụ thể, năm 2018, tỉnh Đồng Tháp đã thu 403 mẫu thủy sản nuôi (cá tra, cá rô phi đỏ, cá diêu hồng, cá lóc, tôm càng xanh) để kiểm tra, giám sát dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng. Kết quả, 5 mẫu có dư lượng kháng sinh cấm thuộc nhóm quinolones, 1 mẫu có hóa chất praziquantel (hóa chất không được phép sử dụng cho thủy sản, theo quy định thị trường EU). Tỉnh này cũng thu 2.513 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản để kiểm tra, giám sát chất lượng, trong đó test nhanh 2.436 mẫu, gửi phân tích 77 mẫu. Kết quả, 3 mẫu có dư lượng thuốc kháng sinh thuốc bảo vệ thực vật, 35 mẫu không đạt, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo công bố của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Lâm Đồng - địa phương có nguồn cung rau củ lớn cho TP.HCM - trong năm 2018, đơn vị này lấy 1.941 mẫu phân tích, trong đó có 79 mẫu không đạt chuẩn an toàn, chiếm 4,07%. 

Theo đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang - địa phương cung cấp lượng trái cây lớn nhất cho thị trường TP.HCM - hiện tại, Bộ Y tế chưa có danh mục chất được phép sử dụng để làm chín trái cây, nhưng khách hàng lại yêu cầu sản phẩm phải được làm chín đồng bộ bằng chất được cho phép sử dụng. Đây là vấn đề khó của các cơ sở, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến trái cây. Theo đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, số đông người tiêu dùng chưa hiểu biết đầy đủ về an toàn thực phẩm, thói quen mua bán tự do còn phổ biến, trong khi các kênh tiêu thụ sản phẩm an toàn còn yếu, cơ quan quản lý nhà nước chưa giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm an toàn và chưa an toàn trên thị trường.

Hiện một số địa phương đã bắt đầu có các chương trình hỗ trợ người tiêu dùng dễ nhận biết nguồn gốc sản phẩm. Chẳng hạn như tỉnh Lâm Đồng xây dựng đươc 21 đơn vị áp dụng công nghệ tem truy xuất điện tử, bước đầu giải quyết được tình trạng làm giả thương hiệu nông sản Lâm Đồng, giảm dần tình trạng nông sản Trung Quốc “đội lốt” nông sản Đà Lạt, đồng thời làm tăng khả năng nhận biết sản phẩm an toàn và nguồn gốc sản phẩm. 

Tại hội nghị triển khai kế hoạch hành động đảm bảo an ninh thực phẩm do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 21/2 tại TP.HCM, bộ này thừa nhận, việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh rau, quả và thủy sản chưa đạt chỉ tiêu đề ra, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về đảm bảo an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Bộ đã ban hành Chương trình hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019 với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu với chỉ tiêu tăng 10% số cơ sở sản xuất kinh doanh đáp ứng quy định đảm bảo an toàn thực phẩm so với năm 2018, tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản vi phạm giảm 10% so với năm 2018. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI