Nguồn nước bạn đang sử dụng có an toàn?

31/10/2019 - 07:00

PNO - Nước sinh hoạt đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc sống. Thế nhưng, vì lý do nào đó mà nguồn nước có thể bị ô nhiễm hoặc có các thành phần gây hại vượt ngưỡng an toàn.

Tự trang bị kiến thức để nhận biết các dấu hiệu không an toàn của nguồn nước, từ đó kịp thời áp dụng các biện pháp xử lý là điều mọi người cần lưu ý để đảm bảo sức khỏe bản thân và gia đình mình.

Theo tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, hai vấn đề tồn tại khiến nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm lớn nhất là vi sinh và kim loại nặng.

Nhiễm vi sinh

Trước tiên là nước bị nhiễm bẩn do vi sinh. Chất thải từ sinh hoạt của con người (hoặc của các loài động vật khác), khi không được xử lý mà xả trực tiếp vào nguồn nước tự nhiên sẽ dễ mang theo các vi sinh vật gây bệnh. Chẳng hạn, ở một số vùng nông thôn, chất thải sinh hoạt không được chứa đựng riêng để xử lý mà xả thẳng vào ao hồ sông suối. 

Nguon nuoc ban dang su dung co an toan?
Nước bị nhiễm sắt sẽ có mùi tanh và đóng cặn màu nâu đỏ

Dùng nước bị nhiễm vi sinh chưa được xử lý để ăn uống, chế biến thực phẩm rất dễ mắc bệnh đường tiêu hóa. Có rất nhiều loại vi sinh gây ra các bệnh cảnh khác nhau từ nhẹ tới nặng, thậm chí có thể tử vong do sử dụng nước bẩn như:

- Vi-rút: Rotavirus (chủ yếu gây tiêu chảy cấp) và Novovirus (gây viêm dạ dày - ruột), vi-rút viêm gan A (gây bệnh viêm gan A cấp). Triệu chứng chung khi nhiễm các vi-rút này thường là nôn, tiêu chảy, đau bụng.

- Vi khuẩn: E. coli (gây tiêu chảy từ nhẹ đến nặng, có thể tiêu chảy xuất huyết), Salmonella typhi gây bệnh thương hàn, vi khuẩn Shigella gây bệnh lỵ trực khuẩn (đau quặn, mót rặn, tiêu phân đàm máu), đặc biệt vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả (có thể dẫn đến tử vong). Một số vi khuẩn khác như Legionella từ nguồn nước ô nhiễm lại có thể gây ra các bệnh viêm phổi không điển hình và thường rất nặng.

- Ký sinh trùng: các loại ký sinh trùng Cryptosporidium gây tiêu chảy hoặc Entamoeba histolytica gây bệnh lỵ amip rất nguy hiểm. Sán lá gan và các loại giun sán, ấu trùng giun sán khác. Các bệnh viêm nhiễm ngoài da và viêm nhiễm phụ khoa thường mắc phải do thói quen tắm sông suối...

Không thể nhận biết bằng mắt thường một nguồn nước bị ô nhiễm vi sinh vật. Cho nên đun sôi nước dùng trong ăn uống, lọc nước dùng trong sinh hoạt là những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất.

Nhiễm kim loại nặng

Bên cạnh vi sinh, nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng là vấn đề nóng hổi bởi những hậu quả nghiêm trọng có thể gây ra cho sức khỏe con người.  Theo bác sĩ Tuấn, nguồn nước sinh hoạt ở nước ta chủ yếu từ tự nhiên (ao, hồ, sông, suối…), sau khi qua công đoạn xử lý (ở nhà máy nước) sẽ theo hệ thống ống dẫn phân phối đến từng nhà để sử dụng.

Ô nhiễm nước, chủ yếu là do chất thải phát sinh từ hoạt động của con người, không được hoặc chưa được xử lý tốt, xả trực tiếp vào nguồn nước tự nhiên. Chất thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp (gần như tất cả ngành sản xuất công nghiệp đều có phát sinh nước thải và chất thải rắn), tùy mức độ nguy hiểm mà thôi. 

Khi không được xử lý mà xả thẳng vào nguồn nước tự nhiên, nguồn chất thải thường mang theo các loại độc chất, hợp chất hữu cơ độc hại và kim loại nặng khác nhau. Ở nông thôn nước ta, còn phải kể đến chất thải từ hoạt động nông nghiệp thường mang theo thuốc trừ sâu và các loại hóa chất làm ô nhiễm nguồn nước tự nhiên. 

Nguon nuoc ban dang su dung co an toan?
 

Vậy nguồn nước tự nhiên, đặc biệt là ở nhiều vùng ngoại thành, vùng nông thôn vẫn còn sử dụng nước giếng khoan, dễ bị nhiễm độc các kim loại nặng gì? Nguồn nước giếng khoan rất có thể bị nhiễm các kim loại nặng như asen, chì, sắt, thủy ngân... 

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng đã khuyến cáo các gia đình không sử dụng nước giếng khoan chưa qua xử lý. Kim loại nặng hay gặp nhất trong nước giếng khoan chính là sắt.

Muốn phát hiện nước có bị nhiễm sắt hay không, bạn cần quan sát vật dụng đựng nước xem có bị đóng cặn (lớp cặn do nhiễm sắt thường có màu nâu đỏ). Đặc trưng mùi của nước bị nhiễm sắt là rất tanh. Khi thấy nước sinh hoạt có các biểu hiện cảm quan như trên, tốt nhất nên đem mẫu nước đi kiểm nghiệm.

Bên cạnh đó, Trung Tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng hướng dẫn người dân cách khử bớt sắt trong nước giếng khoan trước khi sử dụng: làm giàn mưa, bể lọc (có thể làm đơn giản bằng cách đục ống nhựa PVC, cứ cách 3cm lại đục một lỗ. Sau đó, bịt một đầu ống lại, cho nước chảy từ các lỗ đục xuống bể lọc). Giàn mưa khiến nước tiếp xúc với không khí để nhận ô-xy từ không khí khử sắt và nâng độ pH.

Không chỉ với nước giếng khoan mà ngay cả với nước máy sạch được cung cấp, người dân vẫn cần súc rửa bể chứa nước 3-6 tháng/lần. Nếu gia đình có lắp thêm hệ thống lọc nước, cần vệ sinh vật liệu lọc, bảo trì theo đúng hướng dẫn của nhà cung cấp. Khi dùng nguồn nước bị nhiễm kim loại nặng, tùy từng loại kim loại nặng sẽ gây các ảnh hưởng đến hệ thần kinh; gây suy cơ quan nội tạng, ung thư, thậm chí tử vong. 

 Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI