Ở một xóm nhỏ nơi thị trấn vùng cao thuộc huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang có một đại gia đình khá đặc biệt mà khi nhắc tới, hầu như ai cũng biết. Đó là gia đình ông Thiện, thầy hiệu trưởng trường cấp hai về hưu, năm nay đã ngoài tám mươi. Trong gia đình ông, ngoài ông bà, có tới chín người con cả trai, gái, dâu, rể đều là nhà giáo. Các con ông đều hiếu thuận với cha mẹ, đặc biệt, trong số đó có cô Nguyễn Thị Hiên, con dâu thứ, là người được bà con lối xóm khâm phục nhất bởi cô không chỉ là một nhà giáo tận tâm với lũ học trò nghèo mà còn có một tổ ấm hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười và sự sẻ chia.
|
Cô Nguyễn Thị Hiên đã có thâm niên gần ba mươi năm trong nghề dạy học (ảnh nhân vật cung cấp). |
Gắn bó với ngôi trường vùng sâu vùng xa Yên Lập đã mấy chục năm chẳng khác nào “người nhà” của huyện vùng cao này, ít ai biết rằng cô sinh ra và lớn lên ở một huyện gần trung tâm của tỉnh, chỉ vì yêu chồng, theo chồng nên mới về nơi xa xôi ấy dạy học. Sau vài năm, thầy cô có cơ hội chuyển về công tác ở nơi gần trung tâm hơn, ở đó có điều kiện dạy học tốt hơn và việc đi lại, đường sá cũng dễ dàng hơn, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thầy cô đã từ chối. Cô bảo, nếu ai cũng chỉ coi đó là “bến đỗ” tạm thời, ai cũng muốn tìm đến nơi tốt hơn, tiện nghi hơn thì ai sẽ là người dạy dỗ những đứa trẻ nghèo vùng cao ấy?
|
Các học trò lớp cô chủ nhiệm hay từng được cô dạy đều yêu quý và ngưỡng mộ cô bởi trái tim ấp áp, vị tha (ảnh nhân vật cung cấp). |
Với trái tim bao dung ấm áp của mình, cô được bao thế hệ học sinh trường vùng cao Yên Lập yêu quý, biết ơn. Ở ngôi trường heo hút ấy, có những em học sinh hoàn cảnh khó khăn đến độ chẳng có cả tấm áo, manh quần lành lặn để mặc ngày mùa đông giá rét. Thương học trò, cô vận động khắp nơi để các em có thêm quần áo ấm, sách vở, có thêm cơ hội được đến trường học chữ để thoát nghèo. Cứ mỗi khi trời sắp trở lạnh, cô lại ra tận chợ huyện vận động các tiểu thương ủng hộ mỗi người vài chiếc áo ấm cho các học trò nhỏ của mình. Em nào nhà có hoàn cảnh khó khăn, cô đều quan tâm giúp đỡ, kêu gọi các học trò tới nhà giúp đỡ, chia sẻ cùng bạn.
|
Những hoàn cảnh khó khăn như thế này thường được cô quan tâm, chia sẻ để mọi người giúp đỡ (ảnh nhân vật cung cấp). |
Rất nhiều lần cô bỏ tiền túi ra mua quần áo, sách vở, giày dép, khăn quàng… cho các em, cũng không ít lần cô phải đến nhà động viên phụ huynh cho con đi học tiếp bởi nhiều gia đình dân tộc thiểu số hoàn cảnh quá khó khăn nên không muốn cho con học nhiều tốn kém. Tết đến, cô thường vận động đồng nghiệp cùng nhau đóng góp để chuẩn bị những mâm cỗ ngon lành cho bọn trẻ. Cứ thế, cô như người mẹ hiền dìu dắt bao thế hệ thành người, không chỉ bằng những bài giảng văn truyền cảm mà còn bằng sự quan tâm ân cần, thiết thực.
|
Cô thường vận động học trò, đồng nghiệp và bỏ cả tiền túi của mình ra để giúp đỡ những em học sinh nghèo hiếu học (ảnh nhân vật cung cấp). |
Ở trường được học trò và đồng nghiệp quý mến, khi về nhà cô cũng được chồng, con và cả gia đình chồng thương yêu, nể trọng. Cô và chồng, thầy Nguyễn Văn Dương, đều đã gần chạm ngũ tuần. Đến nay, hai người đã chung sống được gần ba mươi năm. Trong suốt quãng đường dài gần nửa đời người ấy, sự khéo léo, nhẫn nhịn và trên hết là tình yêu dành cho chồng, cho con đã giúp cô lèo lái gia đình qua những lúc giông bão.
Chồng cô rất chăm chỉ và yêu thương vợ con nhưng có nhược điểm là khá nóng tính. Những lúc chồng giận hay to tiếng, cô không bao giờ hò hét đáp trả chồng mà luôn kìm nén cái tôi, chờ chồng qua cơn giận mới nhẹ nhàng phân tích. Nhờ đó, gia đình cô chẳng bao giờ có cảnh xào xáo, đánh đập, mắng chửi nhau hay chỉ là “chiến tranh lạnh” một vài ngày. Đến giờ, dù đã sống bên nhau vài thập kỷ, thầy cô vẫn luôn quấn quýt như đôi chim câu, đi đâu làm gì cũng có nhau, dù là nấu một bữa cơm hay ra vườn tỉa hoa, hái quả.
|
Cô và chồng trong đám hỏi của con gái đầu lòng (ảnh nhân vật cung cấp). |
Tuy không sống cùng bố mẹ chồng nhưng hầu như ngày nào cô cũng ghé thăm ông bà, mang theo mớ rau nhà trồng được, hay con cá còn tươi nguyên hoặc miếng thịt ngon mới ghé chợ mua về. Mỗi khi trái gió trở trời, ông bà đau nhức, cô đều chạy qua chăm nom chu đáo. Khi mẹ chồng bị phát hiện mắc ung thư, cô chính là người đưa bà về bệnh viện Trung Ương thăm khám, điều trị nhiều tháng ròng rã. Ngày cũng như đêm, cô chăm chút cho bà từng miếng ăn, cốc nước, cứ thế cô ở bên chăm sóc mẹ chồng đến hơi thở cuối cùng.
Với anh chị em chồng, cô cũng quan tâm hết lòng như thế. Thấy đứa cháu chồng nhà hết gạo ăn, cô lại lẳng lặng đi đong đầy một bao gạo rồi mang đến. Em dâu có chuyện buồn phiền, cô một mặt động viên an ủi, mặt khác lại tìm đến em trai chồng khuyên nhủ. Luôn vun vén cho gia đình như thế nên cả đại gia đình dâu rể, cháu chắt đều coi cô như người ruột thịt, buồn vui gì cũng tìm đến cô chia sẻ.
|
Đại gia đình chồng cô có tới chín người làm nghề giáo, nay hai con gái của cô cũng chuẩn bị đi theo con đường của cha mẹ (ảnh nhân vật cung cấp). |
Ngay cả những người hàng xóm sống cạnh nhà cũng rất yêu quý cô, bởi cô sống vui vẻ, lạc quan, chan hòa với bà con lối xóm và luôn khiến người khác “lây” nguồn năng lượng tích cực ấy của mình. Cô không bao giờ ngồi lê nói xấu người này người khác mà luôn tìm ra điểm tốt của mọi người để khích lệ. Đi đâu chơi xa, cô cũng để tâm mua về chút quà tặng hàng xóm, nhất là lũ trẻ con. Có lẽ chính trái tim ấm áp ấy đã khiến cô luôn trẻ trung, rạng rỡ hơn nhiều so với cái tuổi gần năm mươi của mình.
Thảo Nguyên