Nguồn lực từ thiện mùa dịch ở Đà Nẵng đang bị lãng phí

10/08/2020 - 07:01

PNO - Có thể thấy, do tính chất tự phát dựa trên lòng tốt, thiếu phương pháp điều phối tổng thể cũng như thiếu tính chuyên nghiệp, một phần không nhỏ nguồn lực từ thiện đang bị lãng phí một cách không đáng.

Từ ngày 28/7, khi chính quyền TP. Đà Nẵng ra quyết định cách ly toàn thành phố và phong tỏa ba bệnh viện lớn, hoạt động cứu trợ cũng diễn ra rầm rộ. Người có điều kiện thì gửi hàng đến tận các khu cách ly, người ít điều kiện hơn thì tổ chức phát quà tại cửa hàng hoặc nhà riêng của mình. 

Ngoài các nhu yếu phẩm, vật tư y tế, nhiều người dân đã ủng hộ thực phẩm tươi cho các cơ sở y tế trong thời gian thực hiện cách ly và chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: Lê Đình Dũng
Ngoài các nhu yếu phẩm, vật tư y tế, nhiều người dân đã ủng hộ thực phẩm tươi cho các cơ sở y tế trong thời gian thực hiện cách ly và chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: Lê Đình Dũng

Giai đoạn này, do thông tin có phần hạn chế, hàng cứu trợ chủ yếu là thực phẩm khô (trứng, mì, gạo, sữa) hoặc khẩu trang và đối tượng được hỗ trợ là các bệnh viện bị cách ly, sinh viên, lao động tự do… Hệ quả là, nơi thì thừa người giúp, chỗ lại thiếu người cho.

Như Bệnh viện phổi Đà Nẵng liên tục nhận được sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm sau khi được truyền thông kêu gọi. Trong khi đó, một số nơi ít nhanh nhạy hơn như Mái ấm tình thương Phaolo ở 18 Phan Tứ, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, lại ít ai biết đến. 

Sau những đợt quà đầu tiên, từ ngày 1/8, nhờ có sự trao đổi thông tin giữa người cho và người nhận, hoạt động cứu trợ đã thay đổi tích cực và hợp lý hơn.

Chị chủ cửa hàng cạnh quán tôi đã chủ động liên hệ với các điểm tập trung đông người cần hỗ trợ để đến phát quà tận nơi, đại diện tập thể nhận. Đối tượng chị hướng đến là các khu nhà trọ đông lao động nghèo, ký túc xá sinh viên hay các nhà tình thương. 

Hàng cứu trợ cũng mở rộng hơn theo nhu cầu của mỗi nhóm đối tượng cụ thể, ngoài những thứ thiết yếu cho sinh hoạt hằng ngày như dầu gội, giấy vệ sinh, chăn mền, còn có những thứ cũng cần thiết, như đồ bảo hộ, tấm kính che mặt và miếng hỗ trợ đeo tai (dành cho những trường hợp phải đeo khẩu trang 24/24 giờ khiến tai bị lở loét). 

Đáng tiếc là, một phần không nhỏ các tổ chức, cá nhân thiện nguyện đang đuối dần. Người phát thiếu nguồn kinh phí, người nhận cũng khó xử.

Theo thông tin khảo sát từ Đoàn Thanh niên Trường đại học Duy Tân, đối tượng được phát quà - sinh viên hoặc bất kỳ ai biết được thông tin qua fanpage của trường - cho hay, người nhận quà phải ăn mì trứng hoài, đâm ngán.

Nhưng, điều kiện thực tế không cho phép Đoàn trường lựa chọn loại lương thực khác để hỗ trợ. Chẳng hạn, nếu hỗ trợ thực phẩm tươi sống, lỡ phát không hết, lại tồn kho, coi như bỏ, rất lãng phí, nên cứ chọn mì tôm cho chắc. 

Có thể thấy, do tính chất tự phát dựa trên lòng tốt, thiếu phương pháp điều phối tổng thể cũng như thiếu tính chuyên nghiệp, một phần không nhỏ nguồn lực từ thiện đang bị lãng phí một cách không đáng. 

Vì vậy, tôi nghĩ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng nên thành lập một tiểu ban chuyên tiếp nhận thông tin cần hỗ trợ, đứng ra tiếp nhận và điều phối các nguồn hỗ trợ để vừa tận dụng được tối đa mọi nguồn lực trong xã hội, vừa đưa hàng cứu trợ đến đúng đối tượng cần giúp với số lượng và chủng loại cần thiết. 

Thường Dân

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI