Nguồn lây bệnh ho gà cho trẻ có thể từ chính cha mẹ

26/06/2024 - 06:20

PNO - Từ đầu năm đến nay, TPHCM có 30 ca bệnh ho gà được phát hiện, 90% ca bệnh là trẻ dưới 5 tuổi. Đáng chú ý là nhiều trẻ còn rất nhỏ, chủ yếu chỉ ở trong nhà nhưng vẫn mắc ho gà nặng.

Bác sĩ Nguyễn Đình Qui thăm khám cho bé T. - ẢNH: P.A.
Bác sĩ Nguyễn Đình Qui thăm khám cho bé T. - Ảnh: P.A.

Theo Viện Pasteur TPHCM, trong 5 tháng đầu năm 2024, các tỉnh, thành phía Nam ghi nhận số ca bệnh ho gà đang gia tăng với 40 ca. Trong đó, 67,5% bệnh nhi thuộc nhóm trẻ dưới 3 tháng tuổi, hơn 75% số ca bệnh chưa tiêm hoặc chưa đến tuổi tiêm vắc xin. Thống kê từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố cho thấy, tính đến giữa tháng Sáu, TPHCM có 30 ca bệnh ho gà, đa số là trẻ nhỏ chưa tiêm vắc xin ngừa bệnh.

Chỉ ở trong nhà nhưng trẻ vẫn mắc ho gà

Khoảng 2 tuần trước, bé N.H.S. (2 tháng tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM) bị khò khè, có cơn khó thở nhẹ. Ngày thứ ba sau khi có các triệu chứng đó, bé S. bắt đầu ho. Mỗi lần ho, bé đỏ tái mặt, sau đó tím tái nhiều. Thấy vậy, chị Nguyễn Thị Thùy - mẹ của bé - đưa con đến phòng khám gần nhà. Bác sĩ tư vấn chị đưa con đi bệnh viện. “Tôi và chồng đưa con đến một bệnh viện tư nhân, bác sĩ khám và cho biết phổi của bé có vấn đề phải nhập viện. Con tôi được tập vật lý trị liệu về hô hấp, theo dõi một ngày thì có các cơn ngưng thở kèm theo. Bệnh ngày càng nặng, bé được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, thở ô xy. Sau đó, bé tiến triển nặng, được chuyển sang Bệnh viện Nhi Đồng 2” - chị Thùy kể.

Lúc này, bé S. bị viêm phổi, suy hô hấp nặng, đi kèm các cơn ho liên tục, khó thở... Các bác sĩ phải cho bé thở CPAP (thở áp lực dương) liên tục để cấp cứu. Qua các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bé S. mắc bệnh ho gà, biến chứng viêm phổi nặng. Sau 1 tuần điều trị tích cực, sức khỏe bé dần ổn định. Hiện tại, bé S. đã cai CPAP, cai ô xy, tự thở. Chị Thùy cho biết, có thể bé lây ho gà từ người thân trong gia đình, bởi bé còn nhỏ nên chị chưa đi làm, chủ yếu để bé trong nhà, cũng không ẵm bé ra ngoài đi dạo.

Ở giường bên cạnh, bé U.T. (hơn 1 tháng tuổi, ở quận 7, TPHCM) đang đợi bác sĩ khám lại trước khi xuất viện. Chị Nguyễn Thị Tiên Dung - mẹ bé T. - cho biết trước đó, bé bị ho, da hơi tái khi ho, không sốt. Đưa con đi khám bệnh, bác sĩ nói bé bị viêm phế quản, viêm hô hấp trên, cho thuốc về nhà uống. “Uống thuốc được 2 ngày, đến ngày 15/6, con bỏ bú, thở mệt. Mỗi khi thấy con ngủ hơi lâu, tôi lay dậy thì bé không phản ứng, kiểm tra phát hiện con ngưng thở. Tôi vừa hô hoán cho gia đình biết, vừa xoa tim, ấn ngực, hô hấp nhân tạo cho con. May mắn, con thở được trở lại, vợ chồng tôi ôm con vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu” - chị Dung chia sẻ.

Kết quả xét nghiệm cho thấy bé T. bị bệnh ho gà nặng. Sau 10 ngày điều trị, bé T. đã dần khỏi bệnh. Theo chị Dung, khi bé được 1 tuần tuổi, cha của bé bị sốt nhẹ, ho liên tục 3 tuần. Khi bé T. được chẩn đoán ho gà, chị nghi ngờ rất có thể bé lây bệnh từ cha: “Tôi mới sinh chưa đi làm lại, tôi không ẵm bé ra ngoài chơi thì con tôi không thể mắc bệnh này được. Rất có thể, bé lây bệnh từ chồng tôi”.

Trẻ đủ 2 tháng tuổi phải được tiêm vắc xin

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Qui - Phó trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, hiện có 8 bé đang được điều trị tại khoa, 1/3 bé bị ho gà nặng, phải thở CPAP, ô xy. Một số bé có chẩn đoán kèm theo viêm phổi, viêm tiểu phế quản... Các ca bệnh được phát hiện rải rác, chưa ghi nhận mối liên hệ dịch tễ. Để phòng tránh lây nhiễm, bệnh viện đã bố trí khu vực riêng cho các bé điều trị nội trú. Hầu hết các bé đều từ 2 tháng tuổi trở xuống, chưa đủ tuổi tiêm vắc xin ngừa ho gà, khả năng bị lây nhiễm từ người lớn trong nhà. Một vài bé hơn 3 tháng tuổi nhưng chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Qui, ho gà là bệnh cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra, thường ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể lây qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở họng, niêm mạc mũi của người bệnh khi hắt hơi, ho. Chính vì vậy, bệnh ho gà ở trẻ em rất dễ lây lan khi ở cùng một không gian như trường học, trong gia đình… Gọi là ho gà vì khi trẻ ho có tiếng rít như tiếng của gà trống khi gần hết tiếng gáy. Dù bệnh đã có thuốc đặc trị, có thể khỏi bệnh từ 5-7 ngày, nhưng nếu phát hiện trễ, trẻ có nguy cơ bị biến chứng, trở nặng nhanh.

Ban đầu, trẻ có biểu hiện giống như cảm lạnh, kèm cơn ho nhẹ. Sau đó, trẻ ho nhiều hơn và chảy nước mũi, có thể sốt nhẹ. Sau 1-2 tuần, cơn ho mỗi lúc một nhiều, ho dài, liên tục trong nhiều tuần. Nếu không điều trị sớm, diễn tiến bệnh sẽ nặng lên, trẻ ho đỏ bừng mặt, có đờm dãi. Cơn ho dai dẳng còn có nguy cơ làm trẻ rơi vào tím tái, suy hô hấp, tử vong. Vì vậy, cha mẹ không nên chủ quan khi trẻ bị ho kéo dài, đặc biệt trong giai đoạn ngành y tế đang cảnh báo về bệnh ho gà.

“Ho gà ở người lớn thường nhẹ hơn so với trẻ em, ít gặp cơn ho điển hình, thậm chí không xuất hiện triệu chứng ho nên có thể vô tình lây bệnh cho trẻ nhỏ trong gia đình. Do đó, nếu người bị ho liên tục, tần suất nhiều, cần hạn chế đến gần trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, nếu trẻ đủ 2 tháng tuổi, cha mẹ cần cho trẻ đi tiêm vắc xin ngừa bệnh ngay. Trẻ cần được tiêm đúng, đủ liều lượng để phòng ngừa bệnh. Trường hợp cha mẹ không nhớ con mình đã tiêm đầy đủ vắc xin chưa, tốt nhất nên cho trẻ tiêm để ngừa bệnh” - bác sĩ Nguyễn Đình Qui nhấn mạnh.

Phòng bệnh ho gà

Bên cạnh việc tiêm vắc xin ngừa bệnh, mọi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hằng ngày, bảo đảm nhà ở thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà.

Nếu nghi ngờ trẻ đang mắc bệnh, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám, điều trị và hướng dẫn chăm sóc bệnh nhi đúng cách. Tránh để quá lâu không chỉ ảnh hưởng sức khỏe của trẻ, mà còn lây bệnh cho những trẻ khác.

Gián đoạn tiêm chủng, bệnh ho gà ở Hà Nội gia tăng

Tại Hà Nội, bệnh ho gà tiếp tục có diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân tăng đột biến, liên tục ghi nhận ca mới trong những tuần gần đây. Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 9 ca mắc ho gà. Tuần trước đó có 16 ca.

Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc ho gà là 143 ca, ở 26 quận, huyện, thị xã. Trong đó, 67 trường hợp mắc có độ tuổi dưới 2 tháng (46,9%), 34 trường hợp 2-3 tháng (23,8%), 15 trường hợp 4-11 tháng (10,5%), 27 trường hợp từ 1 tuổi trở lên (18,9%). Phân bố theo tiền sử tiêm chủng, có 85 trường hợp chưa tiêm (59,4%), 24 trường hợp tiêm 1-2 mũi (16,8%), 18 trường hợp tiêm mũi 3 (12,6%), 10 trường hợp tiêm mũi 4 trở lên (7%), 6 trường hợp không rõ (4,2%). Trước đó, năm 2022, Hà Nội không có bệnh nhân ho gà và chỉ ghi nhận 1 ca vào năm 2023.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) lý giải, năm nay, số ca bệnh ho gà tăng so với những năm trước đây, do ảnh hưởng của việc gián đoạn tiêm chủng trong giai đoạn dịch COVID-19. Bên cạnh đó, do có những giai đoạn Việt Nam bị thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nên một số nhóm trẻ đã bị ngưng tiêm hoặc tiêm chưa đủ khiến miễn dịch không bảo đảm. Số ca ho gà tại Hà Nội tuy gia tăng nhưng ghi nhận rải rác ở một số địa phương, chưa thành điểm tập trung. Do đó, CDC Hà Nội khuyến cáo người dân tăng cường tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, để tránh tạo ra “khoảng trống” miễn dịch, từ đó có thể trở thành những ổ dịch.

H.Anh

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI