Nguồn kháng sinh, kháng viêm kỳ diệu từ rau thơm

02/11/2021 - 08:44

PNO - Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra rằng Fenchol, một hợp chất tự nhiên dồi dào trong cây húng quế, có thể làm giảm sự tích tụ độc hại của protein amyloid-beta trong não bộ. Ngoài ra, các loại rau thơm nói chung còn cung cấp vitamin, khoáng chất, và một lượng kháng sinh, kháng viêm, chất chống oxy hóa tự nhiên tuyệt vời cho cơ thể.

Rau thơm - vị thuốc

Theo Tây y, các loại rau thơm rất giàu vitamin A, B, C… và các nguyên tố vi lượng như: canxi, kẽm, kali, sắt, phốt pho, natri… Đặc biệt, phần tinh dầu mang hương thơm riêng biệt trong mỗi loại rau chứa cả kho nguồn kháng sinh, kháng viêm, kháng nấm, chống oxy hóa và chống dị ứng tự nhiên, vô cùng thân thiện với cơ thể con người.  

Còn theo Đông y, đa phần các loại rau thơm có chung đặc điểm là vị cay, tính ấm (đến nóng); có tác dụng giải trừ gió, lạnh (khu phong, tán hàn) xâm nhiễm vào cơ thể, giải độc, trừ khử những ứ đọng trong hệ thống hô hấp và tiêu hóa (tỳ, vị, phế, đại tràng), giúp khí huyết trong cơ thể dễ dàng lưu thông. Một số vị còn có tác dụng giảm đau, giảm nhức mỏi, lợi tiểu, thông đại tiện. 

Trước đây, vào khoảng thời gian thu, đông, đầu xuân, khi nhiệt độ môi trường giảm, kèm theo gió mùa, con người dễ bị nhiễm phong hàn tà khí. Ngày nay, với tiện ích từ máy lạnh, quạt và thói quen uống nước đá lạnh, phong hàn có thể xâm nhập vào người bất kỳ lúc nào. Triệu chứng thường gặp là sổ mũi, nghẹt mũi, hắt xì, khô họng, đau/rát họng, ho; lạnh bụng, chướng bụng, ăn không tiêu. 

Do đó, nếu duy trì việc bổ sung một lượng vừa đủ các loại rau thơm vào bữa ăn hằng ngày, bạn đã đồng thời giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng bằng các chất kháng sinh, kháng viêm tự nhiên. Hoặc ngay khi chớm có các triệu chứng kể trên, bạn kết hợp sử dụng các loại rau thơm theo đường ăn (cùng với cháo, xúp), sắc uống và xông, các loại tà khí gây bệnh sẽ nhanh chóng được giải trừ ra khỏi cơ thể một cách nhẹ nhàng theo cơ chế xuất mồ hôi. 

Không chỉ vậy, mỗi loại rau thơm còn có tác dụng riêng biệt tuyệt vời cho sức khỏe. Điển hình như ngò rí, chứa lượng vitamin C dồi dào nên loại rau này có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ; đồng thời còn giúp giảm cholesterol trong máu và ổn định đường huyết.

Húng quế và rau ngổ cùng có tác dụng lợi tiểu và khử độc rất tốt cho thận, giúp làm giảm lượng a-xít uric trong máu, ngăn ngừa sỏi thận. Hạt của cây húng quế được gọi là hạt é, thường được dùng pha chế thành món nước uống thanh nhiệt và nhuận tràng. Kinh giới không chỉ giải được cảm phong hàn mà còn giải được cả cảm do phong nhiệt. Lá lốt đặc biệt có tác dụng trong việc làm giảm chứng đau nhức mỏi cơ xương khớp.

Hơn nữa, sự kết hợp các loại rau thơm trong ẩm thực, thực chất là nghệ thuật cân bằng âm dương, lưu thông khí huyết cho cơ thể. Chẳng hạn, khi ăn các món cua cá, lươn, hến, trứng lộn… vốn tính âm, hàn cần kết hợp thêm lá lốt, rau răm, tía tô… có tính ấm nóng để trung hòa và tránh đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy. Khi ăn phở bò vốn chứa lượng đạm rất cao, tạo ra nhiều năng lượng (khí) cần kết hợp các loại rau húng, rau ngò để giúp cho phần khí tạo ra lưu thông dễ dàng hơn trong cơ thể, không bị ứ tắc…   

Điểm tuyệt vời là các loại rau thơm đều có thể kết hợp với nhau mà không tạo ra phản ứng bất lợi cho sức khỏe. Ăn sống cùng với xà lách hoặc chế biến thành salad trộn cùng bữa ăn với lượng vừa đủ là cách bổ sung tuyệt vời nhất.  

Các bài thuốc rau thơm phổ biến 

1. Tía tô 
Chữa cảm phong hàn: cháo sau khi nấu nhừ, cho 20g lá tía tô thái nhuyễn và hành lá vào, ăn nóng, sau đó trùm chăn cho toát mồ hôi rồi lau khô người, tránh gió, lạnh.

Bài thuốc với rau tía tô chữa cảm phong hàn, ăn không tiêu
Bài thuốc với rau tía tô chữa cảm phong hàn, ăn không tiêu

Chữa ngộ độc cua cá, đồ hải sản sống lạnh: 30g lá tía tô tươi rửa sạch, giã và vắt lấy nước uống; hoặc 20g lá tía tô khô, sắc với 200ml nước trong 10 phút, lấy nước uống nóng. Khi ăn tôm, cua, cá, gỏi cá nên kèm theo lá tía tô. 

Chữa mẩn ngứa, dị ứng: vò nát lá tía tô, vắt lấy nước tắm, bã lá tía tô có thể đắp vào vùng da 
bị ngứa.

Chữa ăn không tiêu, bụng đầy chướng: Giã lá tía tô tươi, cho nước nóng vào, vắt lấy một bát nước, thêm một chút muối, uống nóng một lần.

2. Kinh giới
Chữa ngoại cảm phong hàn: lá kinh giới tươi 50g, gừng tươi ba lát, giã nát, vắt lấy nước cốt hòa với nước nóng rồi uống; phần bã cho vào trong túi vải rồi miết dọc cột sống.

Chữa sổ mũi: kinh giới, húng quế, mỗi vị 50 - 80g. Sắc uống khi còn nóng.

Chữa ho ra máu: kinh giới toàn cây tươi 50g, giã nát, vắt lấy nước cốt, hòa với nước nóng uống.

Trúng gió méo miệng, liệt mặt (liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên): lá kinh giới tươi 50g, giã nát, vắt lấy nước cốt, hòa với nước nóng rồi uống ngay sau khi phát hiện bệnh.

Nặng đầu, cứng gáy: lá và hoa kinh giới, phơi trong bóng râm cho khô, đem nhồi vào gối đầu để nằm.

Chảy máu cam: hoa kinh giới sao đen 12g, sắc lấy nước uống.

3. Húng quế 
Tăng lượng sữa cho sản phụ: dùng khoảng 50g lá húng quế sắc chung với 1 lít nước. Uống ngày hai ly, sau bữa ăn.

Rau húng quế có tác dụng chống ô-xy hóa, khả năng kháng khuẩn đường hô hấp. Húng quế cũng chứa đầy đủ các loại vitamin A, B, C, E, K và các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể
Rau húng quế có tác dụng chống oxy hóa, khả năng kháng khuẩn đường hô hấp. Húng quế cũng chứa đầy đủ các loại vitamin A, B, C, E, K và các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể

Sốt do nhiễm khuẩn, nhiễm trùng: dùng khoảng 50g lá húng quế sắc chung với 1 lít nước, cho người bệnh uống liên tục sẽ giúp làm dịu cơn sốt.

4. Ngò rí (mùi)
Làm đẹp da: toàn cây ngò rí 100g, gồm cả phần quả, nấu nước tắm, rửa mặt giúp da dẻ mịn màng, giảm bớt tàn nhang, làm sạch gàu cho tóc. 

Sản phụ sau sinh ít sữa: hạt ngò rí 6g, nấu với 100ml nước trong khoảng 15 phút, lọc lấy nước, bỏ bã, chia hai lần uống trong ngày. 

5. Ngò tàu (ngò gai, ngò tây) 
Chữa cảm mạo: ngò gai khô 10g, cam thảo đất 6g. Rửa sạch, nấu với 300ml nước trong khoảng 15 phút; lấy nước, bỏ bã, chia làm ba lần, uống trong ngày. Hoặc có thể chế biến món xúp thịt bò ngò gai: ngò gai tươi 20g, rửa sạch, thái khúc; 30g thịt bò băm nhỏ, vài lát gừng tươi thái sợi. Nấu thịt bò với 400ml nước, khi gần chín thì cho ngò gai và gừng vào nấu cho nước sôi lên là được. Nêm nếm vừa ăn, cho thêm hạt tiêu, ăn khi còn nóng.

Chữa hôi miệng: ngò gai 50g, rửa sạch, sắc đặc, lọc lấy nước, cho thêm vài hạt muối, khuấy tan, dùng để ngậm và súc miệng nhiều lần trong ngày. Thực hiện 5 - 6 ngày liên tục sẽ có hiệu quả.
Chữa đầy hơi, khó tiêu do ăn nhiều đạm: ngò gai tươi 50g, gừng tươi ba lát đập giập. Sắc chung với 500ml nước, còn 200ml, chia làm hai lần, uống nóng, cách nhau ba tiếng. Dùng liên tục ba ngày.

6. Rau ngò om (ngổ)
Chữa bí tiểu, đi tiểu ra máu do nhiệt: rau ngò om tươi 30g, rửa sạch với nước muối loãng. Giã nát, hòa với 300ml nước đun sôi để nguội, khuấy đều, vắt lấy nước; pha thêm chút đường cho dễ uống, uống liên tục đến khi hết triệu chứng.

Chữa bệnh sỏi thận: rau ngò om tươi 50g, rửa sạch với nước muối loãng, vảy ráo nước, thái nhỏ, giã nát, lọc lấy nước cốt, thêm nước lọc và chút muối, uống 2 lần/ngày; liên tục 5 - 7 ngày. Để tăng hiệu quả, nên kết hợp thêm râu ngô, hoặc mã đề; uống nhiều nước để sỏi dễ ra ngoài theo đường tiểu. 

7. Lá lốt
Chữa đầu gối sưng đau: lá lốt, ngải cứu mỗi vị 20g (tất cả dùng tươi), rửa sạch, giã nát, thêm giấm chưng nóng, đắp, chườm nơi đầu gối sưng đau.

Chữa đau lưng, nhức mỏi cơ khớp: lá lốt tươi rang nóng với muối hạt, bọc trong túi vải và chườm vào vùng đau mỏi.

Chữa chân tay ra mồ hôi nhiều: lá, rễ, thân lá lốt 100g, đun sôi với 3 lít nước, để ấm còn 35 - 400C, ngâm tay chân đến khi nước nguội. Ngâm nhiều ngày liên tục đến khi hết đổ mồ hôi tay chân thì ngưng.

8. Rau răm 
Chữa tiêu chảy ra toàn nước: rau răm tươi 30g, sắc với 300ml nước còn 100ml, chia ba lần uống khi còn ấm.

Chữa hắc lào, chốc lở: dùng cả cây rau răm (lượng tương ứng với diện tích vết bệnh), giã nát, đổ thêm rượu vào rồi bôi đắp lên vết bệnh đã được sát trùng sạch. 

Trường hợp nào cần hạn chế ăn rau thơm?
Một số trường hợp cần lưu ý khi sử dụng rau thơm. Không nên ăn ngò om ở dạng tươi vì có nhiều nguy cơ nhiễm sán (nên trụng trong nước đang sôi). Lá lốt tươi cũng có nguy cơ kích ứng dạ dày, đặc biệt khi bụng đói. Thai phụ và trẻ em dưới 12 tuổi không nên ăn rau ngò om.
Những người mắc chứng táo bón, nhiệt miệng, viêm loét dạ dày hạn chế dùng lá lốt, rau răm. Nếu thường xuyên bị đổ mồ hôi trong thời tiết bình thường; cảm thấy nóng, bứt rứt trong người do nhiệt cũng hạn chế ăn rau thơm.

Y sĩ Mộc Nguyên (Hội Đông y quận Phú Nhuận)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI