Nguồn hàng tết năm nay đảm bảo dồi dào, nhưng sẽ tăng giá

08/12/2022 - 15:10

PNO - Đây là những gì ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM - cho biết khi được chất vấn tại kỳ họp thứ 8 HĐND TPHCM diễn ra vào sáng ngày 8/12.

Chất vấn giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ, đại biểu Nguyễn Thị Nga đặt câu hỏi về cung ứng hàng hóa trước, trong và sau tết để không gây biến động về giá cả. Đồng thời, nêu vấn đề cấp phép quản lý các trang thương mại điện tử, việc bán hàng trên các mạng xã hội, livestream bán hàng trực tuyến, việc quản lý hàng gian hàng giả đang được bày bán tràn lan trên mạng, cũng như chợ đầu mối…

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường, chuẩn bị hàng hóa cho tết. Sở Công thương TPHCM cũng tham mưu tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, liên kết với các tỉnh để chuẩn bị nguồn hàng.

Đại biểu Nguyễn Thị Nga đặt câu hỏi chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Thị Nga đặt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Công thương TPHCM

Nguồn hàng về TPHCM qua kênh phân phối hiện đại như siêu thị (khoảng 25%-30%), còn lại qua các chành vựa, chợ đầu mối khoảng 70%, với khoảng 7.200 tấn lương thực thực phẩm mỗi đêm. TPHCM đã huy động các doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng và đã chuẩn bị hơn 30.000 tấn hàng hóa để cung cấp cho người dân dịp tết.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, nguồn hàng tết năm nay đảm bảo dồi dào, nhưng về mặt giá cả lương thực, thực phẩm hiện nay có tăng 2% - 4% (chưa đến mức phải điều chỉnh giá bình ổn). Các doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí để giữ giá.

Về nguồn cung xăng dầu, ông cho biết, TPHCM có 549 cửa hàng, 61 thương nhân phân phối, 15 thương nhân đầu mối. Mỗi ngày, thành phố tiêu thụ khoảng 6,5 - 7 triệu lít xăng dầu.

Về việc người dân phải xếp hàng mua xăng dầu, lãnh đạo Sở Công thương TPHCM lý giải, đó là do nguồn cung phụ thuộc thế giới rất nhiều, phí vận chuyển cũng tăng lên, biến động lớn mà biên độ thời gian để ghi nhận giá lại quá dài. Từ đó, nguồn cung trong giai đoạn qua rất khó, một số cửa hàng (cao điểm là 137 cửa hàng bán lẻ) không nhận được hàng, phải tạm ngưng một vài ngày.

 

Người dân vất vả tìm chỗ đổ xăng hồi giữa tháng 10/2022

 Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, để giải quyết việc này, TPHCM đã đẩy mạnh hoạt động của các doanh nghiệp lớn bù đắp cho các doanh nghiệp nhỏ. Đồng thời tạo điều kiện cho việc vận chuyển xăng dầu cũng như kiến nghị các giải pháp tháo gỡ với trung ương. Hiện tình hình đã được cải thiện.

Phát biểu chất vấn, đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân cũng đặt vấn đề với Sở Công thương về giải pháp quản lý chợ truyền thống thời gian tới.

Trả lời đại biểu Phượng Trân, Giám đốc Sở Công thương TPHCM thông tin, thành phố hiện có 232 chợ truyền thống. Các chợ phần lớn được hình thành từ rất lâu cùng với quá trình hình thành khu dân cư. Đây cũng là kênh phân phối quan trọng cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng và vẫn đóng vai trò rất quan trọng, sẽ còn đồng hành lâu dài với người dân TPHCM.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, khó khăn hiện nay là không gian của chợ không lớn, hạ tầng các chợ thiếu hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh, bãi giữ xe, ngoài ra các quầy sạp có diện tích nhỏ. 

Sở Công thương TPHCM sẽ thực hiện giải pháp kết nối các thông tin về nguồn hàng, phối hợp các cơ quan đơn vị, địa phương các cấp để xây dựng phong trào kinh doanh văn minh. Những chương trình này được các tiểu thương trong chợ hưởng ứng rất tốt. Sở cũng kết nối các đơn vị để khai thác công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của chợ truyền thống.

Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân chất vấn về giải pháp quản lý chợ truyền thống thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân chất vấn về giải pháp quản lý chợ truyền thống thời gian tới

Ngoài ra, theo Luật Đất đai hiện hành, chợ là đất thương mại, nên phải thu tiền sử dụng đất. Trong khi TPHCM trong nhiều năm coi là thiết chế công cộng, chỉ thu phí để duy trì hoạt động, phòng cháy chữa cháy... Thời gian tới, Sở Công thương sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu triển khai cho phù hợp.

Tuyết Dân - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI