Nguồn hải sản TP.Hồ Chí Minh được khẳng định an toàn

23/09/2016 - 16:44

PNO - Sức tiêu thụ hải sản tại TP.HCM thường xuyên biến động sau mỗi đợt công bố chất lượng hải sản tại bốn tỉnh miền Trung, dù nguồn hải sản đưa về TP.HCM nhiều lần được khẳng định không nằm trong vùng biển nhiễm độc.

Sức tiêu thụ hải sản tại TP.HCM thường xuyên biến động sau mỗi đợt công bố chất lượng hải sản tại bốn tỉnh miền Trung, dù nguồn hải sản đưa về TP.HCM nhiều lần được khẳng định không nằm trong vùng biển nhiễm độc.

Ngày 22/9, đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền - chợ đầu mối thủy hải sản chính của TP.HCM - cho biết, ngay khi thông tin về chất lượng hải sản tại bốn tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) được công bố (ngày 20/9), việc tiêu thụ hải sản giảm và chậm đáng kể, bất kể đó là loại hải sản tầng mặt (có thể sử dụng được) hay tầng đáy (được khuyến cáo là không nên sử dụng).

Nguon hai san TP.Ho Chi Minh duoc khang dinh an toan

Nhiều đầu mối tại chợ lẻ đã phản ánh: người tiêu dùng (NTD) nghi ngại về sản phẩm này. Nếu như trước, chỉ khoảng 5g sáng là việc giao dịch hải sản đã gần kết thúc, nhưng trong hai ngày gần đây, đến 7-8g, các vựa hải sản vẫn còn giao dịch. Nhiều NTD khi được hỏi cũng tỏ ra băn khoăn về chất lượng hải sản.

Chị Ngô Thị Hòa, ngụ tại đường Nguyễn Thị Nhỏ, Q.11 cho biết, dù biết nguồn hải sản từ các tỉnh miền Trung không tiêu thụ tại TP.HCM nhưng chị vẫn e ngại. Theo chị Hòa, trong danh sách mà Bộ Y tế khuyến cáo, có tới 154 loại hải sản thuộc tầng đáy tại bốn tỉnh miền Trung “không nên sử dụng”, rất khó để có thể nhớ hết tên những loại này, và thực sự NTD cũng không biết được nguồn hải sản đến từ đâu.

Ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền cũng tái khẳng định, nguồn hải sản nhập về chợ hàng ngày chủ yếu là từ các tỉnh duyên hải phía Nam (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu…) và Bình Thuận, Bà RịaVũng Tàu chứ không lấy từ các tỉnh miền Trung, đặc biệt là bốn tỉnh có biển bị ô nhiễm.

Vị này lý giải, từ trước đến nay, ngay cả khi vùng biển Bắc Trung bộ chưa bị ô nhiễm thì hải sản tại đó cũng không được đưa về TP.HCM tiêu thụ do khoảng cách địa lý quá xa, chi phí vận chuyển lớn.

Tất cả nguồn thủy hải sản về chợ đầu mối cũng được khai báo nguồn gốc, kèm theo giấy tờ, hóa đơn chứng thực. Trước câu hỏi “liệu có tình trạng hải sản nằm trong vùng ô nhiễm trà trộn với các sản phẩm tại các tỉnh nằm trong vùng nước an toàn đưa về chợ tiêu thụ mà chợ không thể biết được hay không”, đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền cho biết: chợ cũng tính đến tình huống này, nhưng ngay tại chợ đã có văn phòng của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM cắm chốt, hàng ngày lấy mẫu các sản phẩm để kiểm tra nhanh, xét nghiệm định kỳ… nên có thể đảm bảo ngăn chặn được những hành vi gian dối.

Cho đến nay, cơ quan này chưa phát hiện bất cứ mẫu hải sản nào về chợ nhiễm các chất độc hại từ môi trường như tại bốn tỉnh miền Trung. Theo ghi nhận của phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM, tại các quầy đặc sản các vùng miền có sử dụng hải sản làm nguyên liệu hay thành phẩm, hầu hết nguyên liệu lấy từ các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Nam bộ, xa nhất là Đà Nẵng.

Chủ những cửa hàng này đều khẳng định, nguồn cá họ sử dụng đều thuộc tầng mặt (cá thu, cá ngừ) để làm nguyên liệu, hơn nữa nguyên liệu này lấy từ những vùng biển an toàn nên sau khi xuất hiện thông tin công bố chất lượng của Bộ Y tế, các cửa hàng không bị ảnh hưởng về doanh số.

Nguon hai san TP.Ho Chi Minh duoc khang dinh an toan

Trước những lo ngại về nguồn hải sản thuộc tầng đáy tại bốn tỉnh miền Trung có thể vẫn bị đánh bắt và bán ra thị trường, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ thực hiện việc giám sát nguồn hải sản tại các địa phương này bằng cách giám sát hải trình các tàu cá khi ra biển, phân loại cá, hải sản tại các cảng cá.

Việc lấy mẫu cá sẽ được tiến hành ngay khi cá được bốc dỡ từ tàu lên bờ. Hải sản tầng nổi sẽ được tiêu thụ ngay, còn các loại thuộc tầng đáy sẽ được phân lô đưa đi kiểm nghiệm.

154 loại hải sản miền Trung được khuyên "không nên ăn”

Ngày 20/9, Bộ Y tế đã công bố kết quả kiểm nghiệm 1.040 mẫu hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, với 132 mẫu còn nhiễm phenol. Tất cả các mẫu nhiễm độc này là hải sản sống ở tầng đáy biển trong phạm vi 13,5 hải lý, chưa an toàn để làm thực phẩm.

Bộ này khuyến cáo không nên ăn 154 loại hải sản sống ở tầng đáy, bao gồm ghẹ, ghẹ đỏ, ghẹ ba chấm, ghẹ xanh, tôm vỗ, tôm tít, một số loại cá đuối, cá bơn, cá sơn, cá chình, cá chình bạc, cá mú sáu sọc, cá dìa, cá rô biển, cá đục, cá dưa, cá phèn, cá hồng, cá mó, mực nang, mực ống…

Riêng với tất cả các hải sản tầng nổi thì không có mẫu nào phát hiện có phenol nên an toàn, gồm: cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm…

P.V

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI