Nguồn cung nhà ở TPHCM thấp nhất trong 6 năm qua

02/11/2022 - 17:03

PNO - Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, từ năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, mỗi năm chỉ có một dự án được cho phép chuyển nhượng do vướng quy định phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Báo cáo thị trường bất động sản 9 tháng đầu năm của HoREA cho thấy, TPHCM chỉ có 21 dự án đủ điều kiện huy động vốn với tổng cộng 11.600 căn nhà, trong đó có 10.166 căn chung cư (chiếm 87,6%) và 1.434 căn nhà thấp tầng (chiếm 12,4% tổng số nhà ở đưa ra thị trường). Nguồn cung nhà ở xuống thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay.

Hoạt động chuyển nhượng dự án trên địa bàn bị ách tắc từ năm 2019 đến tháng 9/2022. Trong 3 năm qua, có rất ít dự án được chuyển nhượng trên thị trường tự do. Năm 2019 có 5 dự án được chuyển nhượng, nhưng sang năm 2020 không có dự án nào được giao dịch. Năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, mỗi năm chỉ có một dự án được cho phép chuyển nhượng.

3 năm qua, hoạt động chuyển nhượng dự án bế tắc trầm trọng
3 năm qua, hoạt động chuyển nhượng dự án bế tắc trầm trọng khiến các chủ đầu tư không đảm bảo được quyền tự chủ kinh doanh.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, nguyên nhân hoạt động chuyển nhượng dự án bị ách tắc là do vướng quy định phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này khiến doanh nghiệp vẫn chưa được bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh, tự do chuyển nhượng dự án bất động sản theo nhu cầu sản xuất.

Báo cáo cũng cho thấy, 9 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản tuy đã có dấu hiệu dần phục hồi trở lại với nguồn cung 11.600 căn nhà (tăng 70,5% so với 9 tháng đầu năm 2021), nhưng số lượng nhà ở này cũng chỉ bằng khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, hơn 100 dự án bất động sản, nhà ở thương mại của hơn 80 doanh nghiệp dừng triển khai thực hiện, trong đó có 64 dự án sử dụng đất có nguồn gốc đất công hoặc do cổ phần hóa trước đây vì số vướng mắc về thể chế pháp luật và khâu thực thi pháp luật.

“Nhìn tổng thể thị trường bất động sản đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, căng thẳng. Sức mua sụt giảm do tổng cầu có khả năng thanh toán sụt giảm làm cho “tính thanh khoản” của thị trường và của các chủ đầu tư dự án bất động sản sụt giảm mạnh dẫn đến tình trạng thiếu tiền mặt, thiếu vốn lưu động ” – ông Châu chia sẻ.

Trước tình hình trên, Chủ tịch HoREA kiến nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho phép thí điểm áp dụng tương tự Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14, cho phép doanh nghiệp được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp chủ đầu tư chuyển nhượng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất với Nhà nước thì chủ đầu tư nhận chuyển nhượng chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ này.

Đồng thời kiến nghị cơ quan quản lý cần có kết luận dứt điểm các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất công, hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay do phải thực hiện công tác rà soát pháp lý, trong đó TPHCM có 64 dự án thuộc diện này.

Ngọc Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI