Nguồn cán bộ nữ dồi dào, đảm bảo chất lượng và tính kế thừa

09/10/2020 - 18:04

PNO - Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tại TP.HCM cho thấy thành phố đã hoàn thành tốt mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào công tác quản lý, lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.

Theo báo cáo thống kê, đến cuối năm 2019 TP.HCM có 8.993.082 người, nữ chiếm 51,3%. 

Sự hội tụ đa dạng về bản sắc văn hóa đã làm cho đời sống tinh thần của người dân thành phố thêm phong phú. Nhưng sự khác nhau về phong tục tập quán và quan niệm về bình đẳng giới từ trong gia đình đến ngoài xã hội vẫn còn giữa các vùng miền, dân tộc, đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.

Để triển khai hiệu quả các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Thành ủy và UBND TP.HCM đã ban hành một chương trình hành động về công tác phụ nữ theo Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; một chỉ thị và chín văn bản chi tiết nhằm thực thi Luật Bình đẳng giới gắn với việc triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới đối với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp trong giai đoạn 2011-2020. 

Hội nghị triển khai rà soát quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý, nhiệm kỳ 2020-2025
Hội nghị triển khai rà soát quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý, nhiệm kỳ 2020-2025

Có thể khẳng định, việc triển khai các chính sách an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã tạo điều kiện để người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em tiếp cận được các chương trình, các dịch vụ xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở, nước sạch, góp phần thay đổi nhận thức về giới trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người dân về vai trò bình đẳng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bà Lê Thị Thanh Thúy - Phó ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM - cho biết, với vai trò thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới của thành phố, từ năm 2017, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu ban hành công văn về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện công tác cán bộ nữ; chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục phát huy vai trò của cán bộ nữ và tăng cường đội ngũ cán bộ nữ trong cơ cấu nhân sự cấp ủy, tập thể lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó có rất nhiều chủ trương, giải pháp, chương trình tạo nguồn cụ thể, thiết thực trong tất cả các khâu như quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ nữ… Qua đó, tạo nguồn cán bộ nữ dồi dào, bảo đảm về chất lượng và tính kế thừa. 

Kết quả, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định phê duyệt bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2015-2020 là 163 chị và quy hoạch nhiệm kỳ 2020-2025 là 673 nữ cán bộ; xác nhận bổ sung quy hoạch các chức danh Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, cấp phó các đơn vị, phó tổng giám đốc và phó giám đốc các doanh nghiệp nhà nước.

Công tác quy hoạch cán bộ cấp cơ sở trong thời gian gần đây bước đầu đạt một số kết quả tích cực, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng với 1.632 lượt cán bộ được phê duyệt và xác nhận quy hoạch diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, trong đó có 545 lượt cán bộ nữ.

Tính đến tháng 8/2020, trong Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố có tám cán bộ nữ (đạt 12,9%); trong Ban Thường vụ Thành ủy ba cán bộ nữ (đạt 21,43%).

Bên cạnh đó, kết quả đại hội Đảng bộ cấp ủy cơ sở và cấp trên cơ sở cũng đều đạt và vượt các chỉ tiêu về tỷ lệ cơ cấu cán bộ nữ. Tỷ lệ cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo, tham gia cấp ủy các cấp của thành phố đều cao hơn bình quân cả nước và các tỉnh, thành khác sau 10 năm thực hiện Quốc gia bình đẳng giới. 

Hạnh Chi

*Chị Phan Thị Thanh Phương - Bí thư Thành đoàn TP.HCM:

Tôi nghĩ các bạn nữ hiện nay cần phải lưu tâm ba điều:

Thứ nhất, bạn phải thật sự hiểu mình là ai, mình cần gì và mong muốn điều gì. Từ đó, xác định mục tiêu để phấn đấu và chinh phục nó. 

Thứ hai, cũng như nam giới, nữ giới cũng phải “học nữa, học mãi”. Việc học tập sẽ là nền tảng lớn nhất để nữ giới sáng tạo, phát triển bản thân. Tùy vào điều kiện mà mỗi cá nhân sẽ có cách học, cách vận dụng khác nhau.

Thứ ba, không được quên đi những “thiên chức”. 

Để có được sự bình đẳng trong lao động, sáng tạo và chính trị, phụ nữ phải biết tiếp thu những cái mới để mình không bị lạc hậu trong mọi hoàn cảnh.

 

*Bà Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM:

Để khẳng định mình, mỗi nữ cán bộ phải nỗ lực nhiều hơn nam giới. Ngoài việc chung, các chị phải dành nhiều thời gian cho gia đình, cho nên để phát huy tốt vai trò của mình, bên cạnh cố gắng của các chị luôn cần có sự chia sẻ của người chồng và gia đình. 

Là người được luân chuyển nhiều vị trí công tác, tôi thấy mình thuận lợi và may mắn khi được đặt để vào những vị trí công tác phù hợp với trình độ, năng lực.

Để khẳng định mình, mỗi nữ cán bộ phải nỗ lực nhiều hơn nam giới. Ngoài việc chung, các chị phải dành nhiều thời gian cho gia đình, cho nên để phát huy tốt vai trò của mình, bên cạnh cố gắng của các chị luôn cần có sự chia sẻ của người chồng và gia đình.  Là người được luân chuyển nhiều vị trí công tác, tôi thấy mình thuận lợi và may mắn khi được đặt để vào những vị trí công tác phù hợp với trình độ, năng lực. Bà Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM
 

Bà Huỳnh Nguyệt Ánh - Chủ tịch Hội LHPN Q.7:

Tôi trải qua rất nhiều vị trí công tác và bây giờ đang là Chủ tịch Hội LHPN Q.7. Tôi thấy làm lãnh đạo nữ có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn.

Phụ nữ cũng thường được ưu tiên, tạo điều kiện tham gia những lớp nghiệp vụ để bổ sung kiến thức giúp công tác đạt hiệu quả cao hơn. Theo cảm nhận của tôi, những lãnh đạo đã từng kinh qua công tác Hội, sau này dù đảm nhiệm bất cứ vị trí nào cũng đều xử lý công việc rất uyển chuyển. 

Thế nhưng, phụ nữ cũng gặp phải rất nhiều trở ngại khi làm lãnh đạo. Họ phải dành thời gian cho việc sinh con, chăm con nhỏ nên thời gian dành cho sự nghiệp chắc chắn bị hạn chế hơn nam giới.

Dù bình đẳng giới đã được nhận thức tốt hơn rất nhiều nhưng nước ta chịu ảnh hưởng của văn hóa Á Đông, thời gian làm việc bị gói gọn trong giờ hành chính, nên khi làm lãnh đạo, phụ nữ phải khéo léo thu xếp công việc để không ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. 

 

Luật sư Trương Thị Hòa - Đoàn Luật sư TP.HCM:

Theo tôi, không phải cứ đến đại hội mới chú ý đến số lượng nữ ứng cử vào vị trí này, vị trí kia, mà cần nhất là sự bồi dưỡng, đào tạo dài hơi để đến khi cần, chúng ta có sẵn lực lượng đủ năng lực, trình độ, đủ tiêu chuẩn để bố trí vào các chức danh quan trọng. 

Để trở thành nữ cán bộ giỏi không chỉ là nỗ lực tự thân mà hơn hết, cần sự nhận thức bồi dưỡng của các tổ chức chính trị xã hội. Hội phải quan tâm, phát hiện những nhân tố tích cực nhất trong đội ngũ của mình và đề cử với cấp ủy, chính quyền phương thức bồi dưỡng chị em ngay từ rất sớm. Cách làm này còn giúp chị em có điểm tựa từ Hội, từ giới của mình.

 

Thanh Huyền - Phương Dung (thực hiện) 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI