Người yêu thuyết phục chung sống không cần danh phận

17/09/2023 - 09:24

PNO - Có thể thấy rằng anh ta đã quen với việc "điều hành" mọi tình cảm, suy nghĩ, thậm chí mong ước của em.

Cô Hạnh Dung kính mến,

Cháu hiện đang quen một người đàn ông, đã từng có vợ, ly hôn và có 1 con riêng. Cháu và anh hợp nhau về nhiều điều. Anh cũng là người đàn ông tốt, từng trải qua đổ vỡ nên anh rất chiều chuộng và thương yêu cháu.

Tuy nhiên, cho đến giờ này, quen nhau đã 3 năm, nhưng tụi cháu vẫn chưa thể kết hôn vì anh nói anh là người theo đạo Công Giáo, anh không thể cho cháu một danh phận rõ ràng vì theo nguyên tắc của bên Đạo, anh không được ly hôn, và càng không được kết hôn lần hai.

Anh thuyết phục cháu rằng tụi cháu cứ chung sống với nhau không cần phải cưới xin hay đăng ký gì cũng được. Anh nói có đăng ký hay cưới xin mà sống với nhau không hạnh phúc, thì cũng chia tay như cuộc hôn nhân đầu của anh thôi, lại còn rắc rối, rườm rà, mệt mỏi hơn.

Cháu nhỏ hơn anh đến 11 tuổi, nên hầu như anh nói gì cháu cũng nghe theo từ trước tới giờ. Nhưng trong việc này, cháu thấy khó lòng nghe theo anh được. Cháu có yêu cầu anh là ít nhất cũng phải làm cái đám hỏi, đám cưới nho nhỏ cho gia đình hai bên thừa nhận hôn nhân của tụi cháu.

Nhưng anh cũng từ chối, nói rằng gia đình anh chắc chắn là sẽ không chấp thuận và không dự cưới. Còn nếu chỉ có gia đình cháu tham dự thì việc đó có ý nghĩa gì? Chỉ là vấn đề hình thức.

Khi cháu nói cần phài bàn bạc và tìm ra cách giải quyết tốt nhất, cháu mới có thể về sống chung, làm vợ anh được, thì anh nói là tùy cháu thôi, nếu cháu nhiều ý kiến quá thì anh cũng không làm gì được và đành phải chia tay. Còn không thì anh sẵn sàng chung sống với cháu cho đến khi cháu gặp ai đó khác và muốn chia tay, thì anh sẽ buông cho cháu đi nhẹ nhàng.

Cháu phải làm thế nào đây cô? Cháu không muốn mất anh, nhưng cháu cũng sợ tương lai không có hứa hẹn gì tốt đẹp như anh vẽ ra, cháu phải làm sao ạ?

Nguyên Hạnh

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cháu Nguyên Hạnh thân mến,

Cháu có nhận ra được rằng tình cảm này đã duy trì được suốt 3 năm qua chỉ vì một điều: cháu đã luôn nghe lời, làm theo mọi điều người đàn ông này muốn hay không?

Và bây giờ, khi cháu lên tiếng nói về mong muốn (hết sức chính đáng) của mình, về một cuộc sống chung đàng hoàng, được gia đình, xã hội công nhận, được bảo vệ bởi pháp luật... thì người đàn ông đó ngay lập tức đã từ chối, phản bác... bằng những lý lẽ không thể chấp nhận được.

Hạnh Dung cũng biết rằng bên Đạo công giáo từng có những quy định hết sức khó khăn, ngặt nghèo về việc ly hôn và kết hôn mới. Nhưng, từ rất nhiều người quen, người bạn của Hạnh Dung, thì ngày hôm nay, những quy định đó cũng đang được nới dần, được bỏ qua, chấp nhận những trường hợp đặc biệt.

Hơn thế nữa, nếu ngay như trong trường hợp không thể làm lễ cưới ở nhà thờ, thì việc đăng ký kết hôn theo luật pháp và làm một bữa tiệc nhỏ trong gia đình, để cháu có được một niềm vui ngày vu quy, sư an tâm về tương lai của mình là điều nên làm, cần làm và phải làm, nếu người đàn ông này thật lòng yêu thương và nghĩ cho cháu.

Phát xuất từ một tình yêu có thật, chân thành và bảo bọc người con gái nhỏ yếu đuối luôn cần sự chở che của anh ta, thì anh ta phải - trước tiên là tự tin vào tình yêu của mình dành cho cháu, chứ không thể nói theo cách coi thường: sống không được thì cũng chia tay mà thôi, dù có đăng ký hay làm đám cưới.

Vậy nếu chia tay là chuyện có thể xảy ra theo như anh ta nghĩ, thì cháu sẽ gặp phải những thiệt thòi, bất hạnh nào? Hay anh ta chỉ nghĩ đến "thủ tục rườm rà, rắc rối", nghĩ đến chuyện "tẩu vi thượng sách" cho anh ta?

Trước mọi điều mong ước của cháu cho một cuộc sống chung lâu dài, bền chặt, đàng hoàng, anh ta đưa ra 2 phương án, cả 2 đều chỉ là sự "tiện lợi" nhất cho anh ta: sống được thì sống, không thì dừng ngay bây giờ. Và hai là cứ sống thế này đi, nếu khi nào cháu mệt thì.. tình tan.

Có thể thấy rằng anh ta đã quen với việc "điều hành" mọi tình cảm, suy nghĩ, thậm chí mong ước của cháu. Và giờ đây, anh ta dùng cách mạnh, đánh vào tình cảm, sự lệ thuộc, tiếc nuối của cháu với mối quan hệ mà anh ta chẳng có gì để mất, còn cháu thì đặt hết tuổi thanh xuân của mình vào đó, để làm cháu hoang mang.

Có thể chính anh ta hay cháu sẽ bào chữa rằng, với hôn nhân, anh ta là "con chim sợ cành cong". Ly hôn một lần rồi nên e ngại kết hôn lần nữa. Nhưng chính tâm lý e ngại, nghi ngờ đó cũng là một điều để Hạnh Dung nói thẳng với cháu rằng: đây không phải là bến đỗ cuộc đời cho một người con gái hết lòng tin và yêu.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI