Người yêu muốn đón đưa, nhưng ba mẹ không đồng ý

21/08/2023 - 19:29

PNO - Mẹ không muốn bạn chở con đi học, thì cũng hãy cho con được quyền chủ động trong việc đến trường. Con không thể phụ thuộc mẹ hay bất kỳ ai được.

Con chào cô Hạnh Dung

Con năm nay lên lớp 12. Con có cảm tình với một bạn trai cùng trường, khác lớp và tụi con đã chính thức tìm hiểu nhau từ năm lớp 11. Chuyện này cả hai gia đình đều biết. Ba mẹ bạn khá cởi mở và không ngăn cấm, chỉ nhắc nhở đừng để chuyện yêu đương làm ảnh hưởng việc học. Nhưng ba mẹ con thì hơi khắt khe hơn một chút.

Ba mẹ con nhìn vẻ ngoài hơi bặm trợn và cách ăn mặc của bạn, đánh giá bạn thuộc thành phần ăn chơi, quậy phá. Mẹ nói nhìn bạn chẳng có cảm tình. Con quen bạn gần một năm nay, chưa bao giờ thấy bạn tụ tập đàn đúm, uống rượu, hút thuốc gì cả. Mà bạn đến nhà con chơi, vẫn lễ phép với người lớn và cư xử tử tế với mọi người trong nhà.

Tuy ba mẹ tỏ ra không thích bạn, nhưng con vẫn cố gắng giải thích cho ba mẹ hiểu rằng tụi con nghiêm túc trong tình cảm, quen nhau để giúp nhau cùng tiến bộ. Nếu con xao nhãng trong chuyện học, hay kết quả học tập có đi xuống, thì con sẽ tự giác chấm dứt mối quan hệ này.

Từ 11 năm nay, mẹ con là người đưa đón con đi học. Năm học tới, bạn có đề nghị là mỗi ngày sẽ qua nhà chở con đi học và đưa về đúng giờ. Con thấy chuyện này cũng có nhiều lợi ích. Mẹ con sẽ đỡ cực hơn. Mà tụi con cũng có cơ hội để quan tâm chăm sóc nhau.

Nhưng mẹ kiên quyết từ chối, vì sợ hàng xóm nhìn vào thấy bạn trai đưa rước sẽ đánh giá gia đình dễ dãi.

Con phải làm gì để mẹ con đồng ý bây giờ hả cô Hạnh Dung?

Mai Thảo (Quận 4)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mai Thảo thân mến!

Khi ba mẹ tỏ ra không thích bạn trai của mình, có bao giờ con tự đặt mình vào vị trí của ba mẹ để hiểu lý do vì sao không? Theo cô, chuyện vẻ ngoài bặm trợn hay cách ăn mặc của bạn đều không phải là nguyên nhân. Nó chỉ là một cái cớ phản đối… để mà phản đối vậy thôi.

Bởi vẻ ngoài hay cách ăn mặc đều có thể thay đổi được, quan trọng là bản chất con người bạn không giống như vậy. Bạn đã luôn lễ phép với người lớn, cư xử tử tế với mọi người trong nhà, với con, và cả với bản thân bạn ấy – nếu đúng như những gì con nhận xét về bạn sau gần 1 năm tìm hiểu.  

Vì vậy, nguyên nhân để ba mẹ không có thiện cảm với bạn, chỉ có thể là vì con chưa làm cho ba mẹ hoàn toàn tin tưởng vào con khi bước vào mối quan hệ yêu đương ở tuổi còn đang đi học. Đặc biệt là năm nay, con sẽ phải đối mặt với một trong những kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời mình. Việc các con gặp gỡ nhau thường xuyên, ít nhất là suốt thời gian ở trường, cũng khiến ba mẹ ít nhiều lo lắng.

Vì vậy, chuyện bạn trai đề nghị sẽ đưa đón con đi học trong suốt năm học tới, chắc chắn đã chạm đến nỗi lo lắng này của ba mẹ.

Có nhiều lý do từ chối được đưa ra: không có cảm tình với người bạn này, sợ hàng xóm láng giềng dị nghị, sợ người ta nói mình dễ dãi… Và biết đâu mẹ cũng có lý do khác không tiện đưa ra, như là mẹ đã quen đưa đón con đi học suốt 11 năm nay rồi, giờ tự dưng con không cần đến mẹ nữa, điều đó cũng có thể khiến mẹ hụt hẫng.

Con biết không, những định kiến về một ai đó rất khó để thay đổi, nhưng không phải là không thể. Vấn đề là hãy cho nhau thời gian để chứng minh những gì người khác đang nghĩ không tốt về mình là sai.

Trong chuyện này, con đã làm rất tốt phần đối thoại với ba mẹ. Đã có những lời hứa chắc nịch được đưa ra: “Nếu con xao nhãng trong chuyện học, hay kết quả học tập có đi xuống, thì con sẽ tự giác chấm dứt mối quan hệ này”. Nhưng đó mới là một phần của cuộc đối thoại đó.

Hãy nói chuyện một cách thẳng thắn với mẹ về những mong muốn của bản thân lúc này cũng như lắng nghe những kỳ vọng của mẹ đối với con để cả hai hiểu nhau hơn.

Con có thể phân tích cho mẹ biết rằng việc bạn trai đón đưa con đi học, sẽ giúp mẹ có thời gian làm những công việc khác, không phải quáng quàng lo lắng chuyện đưa đón trễ giờ, rằng con đã rất xót xa khi thấy mẹ vất vả vì con suốt 11 năm nay, và nếu có người đỡ đần cho mẹ khoản đó thì con sẽ thấy yên lòng hơn.

Nếu mẹ không muốn bạn chở con đi học, thì cũng hãy cho con được quyền chủ động trong việc đến trường. Dẫu sao con cũng đã lớn rồi, không thể phụ thuộc vào mẹ hay bất kỳ ai được.

Sự tự lập của con sẽ phần nào chứng tỏ được con đã trưởng thành, dần dần mẹ mới có thể bắt đầu tin tưởng rằng con đã lớn và đã đủ tuổi chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, và những quyết định lớn, kể cả quyết định yêu đương.

Con cũng đừng quên thủ thỉ với mẹ về những điều tích cực của bạn trai, tạo điều kiện để mẹ tiếp xúc với bạn nhiều hơn, để cải thiện cái nhìn, định kiến không tốt của ba mẹ về bạn ấy.

Cả hai con đều vẫn còn rất trẻ, những nhận định về mặt cảm xúc sẽ còn thay đổi rất nhiều. Cần phải đặt ra giới hạn rõ ràng, tập trung cao nhất cho việc học lúc này. Đó mới là điều quan trọng nhất.

Hãy để những rung động đầu đời ấy trở thành động lực để cả hai cùng cố gắng phấn đấu, trưởng thành hơn, đối mặt với những kỳ thi lớn sắp tới, và xa hơn là những bước ngoặt lớn trong cuộc đời.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI