Người yêu cũ đến thăm, vợ đang bệnh khỏe hẳn

17/09/2019 - 11:00

PNO - Chẳng lẽ vợ không nhìn thấy những cố gắng của chồng, mà chỉ mấy từ ngon ngọt của anh người yêu cũ, cô ấy dường như… khỏi bệnh hẳn?

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Vợ em bị bệnh nằm khá lâu chưa dậy được, nên em phải chăm sóc. Nghĩ cũng thương vợ cả đời nuôi con vất vả, em cố gắng lo cho cô ấy từng miếng ăn giấc ngủ, chịu đựng cả những cơn cáu giận vô lý, vì người đau yếu thường rất khó tính.

Hôm rồi có đám bạn cô ấy đến chơi, trong số đó có cả anh người yêu cũ của cô ấy. Anh ta hỏi thăm lịch sự như bạn bè bình thường chứ không có tình ý gì. Vậy mà khi họ ra về, cô ấy có vẻ xao xuyến cảm động lắm. Rồi cô khen anh ấy nhẹ nhàng tình cảm. Rằng: “Hôm nay em thấy trong người thế nào rồi hả em?”, “Em ăn có ngon miệng không?”, “Em ngủ có tốt không?”...

Em chợt tự kiểm, thấy mọi ngày mình cũng hỏi như thế, nhưng người trong nhà quen thân nên chỉ vắn tắt: “Hôm nay thấy thế nào? Ăn được không? Ngủ được không? Uống thuốc chưa? Có đỡ không ?...”.

Đại khái thế, không có gì to lớn, và em cũng chả phải ghen tuông gì, nhưng thấy cô ấy lạ lắm, cứ như… khỏe hẳn ra, hơn tất cả những ngày em bỏ công chăm sóc hầu hạ

Nguoi yeu cu den tham, vo dang benh khoe han
 
Phụ nữ tuổi nào cũng thèm nghe tiếng "em" nhẹ nhàng. Ảnh minh hoạ

Chẳng lẽ người vợ không nhìn thấy những cố gắng của chồng, còn với người yêu cũ, chỉ mấy từ ngon ngọt mà cô ấy dường như… khỏi bệnh hẳn?

Em không giận nhưng thấy hơi buồn, chả biết nói sao cho cô ấy hiểu, và biết cảm động, khỏe khoắn, vui tươi vì có chồng chăm sóc (chứ không nằm rũ ra than mệt như 
mọi khi).

Chút chuyện nhỏ, chị đừng cười em nhé!

Hoàng Huy (Chợ Lớn)

Gửi em Hoàng Huy,

Điều em làm cho cô ấy thật lớn lao và cảm động - chồng chăm vợ ốm, chắc chắn cô ấy biết đấy em ạ. Nhưng em buồn có lẽ vì mình bỏ ra nhiều công sức mà cô ấy “cứ rũ ra mệt nhọc”. Trong khi người yêu cũ đến nói cười hỏi thăm là cô ấy “tỉnh hẳn”. Có thuốc gì nhiệm mầu vậy?

So sánh những câu em hỏi thường ngày với câu của anh kia thì “y chang” nhau, đều có cùng nội dung, nhưng sự “thần diệu như thuốc tiên” chính là ở chữ  “em” ngọt ngào (“Thấy trong người thế nào?” khác với “Em thấy trong người em thế nào, hả em?”). Nói ra nhiều người sẽ bảo: “Vớ vẩn, sao không nhìn vào hành động chăm sóc thiết thực là lo miếng ăn giấc ngủ cho vợ bệnh, mà lại đòi hỏi chuyện li ti? Thiếu mỗi chữ “em” thì có gì khác nhau? Nhìn xung quanh xem, chỉ có vợ phục vụ chồng bệnh, chứ đời nào mấy ông chịu chăm vợ ốm đau”.

Và nhiều khi ở trong nhà, chúng ta thấy nhiều người nói chuyện với nhau bỗ bã cộc cằn, cho là cứ tình thật là tốt rồi, ngọt ngào quá nghe nó… bất bình thường lắm. Nhưng mà mỗi người lại có những phản ứng khác nhau trong đời sống. Có anh tự nhiên ngon ngọt thì cô vợ cảnh giác ngay - Ủa, sao ổng tự dưng bất bình thường vậy? Chắc là phạm lỗi gì đây chứ mọi ngày thét ra lửa kia mà...

Nếu vừa chăm sóc vợ, vừa ngọt ngào tiếng “em”, với em liệu có khó lắm không, có phải đòi hỏi gì quá đáng hoặc bất thường không? Cái đó tùy em suy nghĩ, và một ngày nào đó, em cứ thử một lần xem, biết đâu nó cũng thần kỳ… như một liều thuốc tiên?

Câu hỏi của em rất nghiêm túc và đáng yêu, không buồn cười như em nghĩ đâu. Mong em đem lại cho vợ mình cả hai thứ: sự chăm sóc hằng ngày và lời nói ngọt ngào tự nhiên. Hẳn cô ấy sẽ rất vui.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn trực tiếp tại Tòa soạn Báo Phụ nữ: Từ 8g đến 17g các ngày từ thứ Hai, tới thứ Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI