Người yêu cho mượn tiền, rồi đòi ráo riết

18/11/2023 - 14:27

PNO - Một cách lý lẽ thì chuyện cậu ấy cho nhà em mượn tiền là một cái ơn, và việc phải trả tiền cậu ấy cũng là điều đương nhiên.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Anh và em quen nhau đã được 3 năm. Tình cảm cũng rất tốt đẹp. Anh là trưởng phòng của một công ty khá lớn. Lương anh cao, đến gần 60 triệu/tháng. Em chỉ là nhân viên văn phòng, lương em chỉ 12 triệu/tháng.

Từ khi yêu nhau đến giờ, thường khi đi chơi, anh chi trả phần lớn. Em cũng thỉnh thoảng trả tiền, nhưng chỉ là những khoản bằng 1/3 tiền anh trả. Em nghĩ thế cũng được, vì anh là đàn ông, thu nhập lại cao.

Đôi khi anh cũng cho em tiền mua những món em thích, có khi lên tới cả 5-7 triệu đồng. Anh còn cho em tiền khi em đi chơi với gia đình, bạn bè, hay đi công tác.

Năm ngoái gia đình em có việc, túng quá, em phải mượn anh 50 triệu. Khi mượn, anh có vẻ miễn cưỡng, nói rằng tiền gửi tiết kiệm chưa đến kỳ hạn, rút sớm anh bị mất lãi. Em phải nói mãi, anh mới rút cho em mượn.

Khoảng 2 tháng nay, anh nói anh có việc cần, nên muốn em kêu gia đình trả tiền lại cho anh. Nhưng nhà em vẫn còn nợ nhiều người, ba mẹ em muốn ưu tiên trả nợ vài người khác trước.

Khi biết anh đòi tiền ráo riết và có vẻ khó chịu, ba mẹ em giận lắm, nói anh thật ra không yêu em. Với khả năng của anh, người khác đã tặng luôn tiền cho nhà bạn gái, chẳng ai lại đòi tiền nằng nặc như vậy.

Nghe mọi người bàn, em hoang mang và buồn lắm chị ạ. Có phải anh thật sự coi trọng tiền bạc hơn là tình cảm với em không? Từ hôm anh bắt đầu đòi tiền tới nay, tình cảm của em và anh trở nên gượng gạo. Còn ba mẹ em thì nói rằng không muốn nhìn thấy mặt anh nữa. Ba em nói sẽ mượn tiền trả cho anh sớm, và bảo em chia tay anh đi.

Bây giờ em nên nghĩ gì và làm gì đây chị?

Thanh Nguyên

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Thanh Nguyên thân mến,

Có một điều rất phổ biến trong cuộc sống này, khiến nhiều người phải kinh ngạc mà đúc kết thành kinh nghiệm: Khi bạn cho mượn tiền, bạn nghĩ bạn là ân nhân của người ta, người ta cảm ơn bạn và yêu quý bạn lúc đó. Nhưng đến khi bạn muốn lấy lại tiền, thì thường là rất khó, có khi còn bị trách móc, thậm chí mất luôn tình cảm vốn có.

Vì lẽ đó mà nhiều người thường tuyên bố rằng, không bao giờ cho người nào, kể cả người thân thiết, mượn tiền. Hễ có khả năng thì coi như là cho luôn, không nghĩ tới nó nữa. Hoặc cho một phần, hoặc từ chối thẳng, và nói rõ quan điểm của mình.

Nhưng thật ra, dù là cách nào đi chăng nữa, thì Hạnh Dung cũng thấy tình cảm sau đó sẽ bị sứt mẻ, nếu 2 bên, hoặc 1 trong 2 bên thiếu minh bạch trong sự phân biệt giữa mối quan hệ tình cảm và tiền bạc. Như câu chuyện giữa gia đình em và người bạn trai của em. Chuyện cậu ấy cho nhà em mượn tiền đúng vào lúc khó khăn, là một cái ơn. Và việc phải trả tiền cậu ấy vào một thời điểm nào đó mà cả 2 bên đã thỏa thuận, cũng là bình thường. 

Thế nhưng câu chuyện trở nên khó chịu là vì, gia đình em lại đột nhiên lẫn lộn chuyện đánh giá tình cảm của cậy ấy dành cho em với chuyện trả nợ, cho rằng đó là biểu hiện không hết lòng hết dạ của cậu ấy với em.

Theo Hạnh Dung, sự đánh giá này là sai. Bởi có lẽ với cậu bạn em, chuyện tiền bạc và tình cảm cần rạch ròi, rõ ràng, sòng phẳng. Bằng chứng là khi cậu ấy tự nguyện cho, tặng em thì cậu ấy vẫn làm, nhưng tiền cho mượn thì phải trả khi cậu ấy đến lúc cần lấy lại.

Thế nhưng cả hai bên đều thấy khó chịu, lấn cấn và không còn bình thường được như trước, điều đó cũng là dễ hiểu. Bởi tâm lý tự ái khi bị đòi tiền, và tổn thương khi người đòi tiền là người yêu con gái mình dù có là sai, nhưng cũng là một tâm lý thông thường, dễ hiểu. Nhất là khi gia đình em không phải có ý định "xù", chỉ là muốn chậm lại, để ưu tiên cho những chủ nợ khác mà thôi.

Thật ra, đúng sai trong tình huống này thì khá rõ ràng, đơn giản, không có gì để bàn luận nhiều. Điều quan trọng là giải quyết những lấn cấn giữa hai bên một cách đàng hoàng. Dễ dàng nhất là nói chuyện thẳng thắn với nhau, để cùng chia sẻ những suy nghĩ của mình. Sau khi đã nói ra được, thì cũng nên phân tích những lý lẽ và cảm xúc của cả 2, để xem mình có thể thông cảm và bỏ qua vấn đề đó được hay không?

Dù các em chọn giải pháp nào, thì điều được lớn nhất ở đây, là cả hai đều có thêm kinh nghiệm để xử lý những vấn đề tương tự: Có nên cho mượn và vay mượn người thân tiền bạc hay không, nhất là khi mối quan hệ đó còn đang ở tình trạng nhạy cảm như tình yêu. 

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
  • Người qua đường 20-11-2023 16:05:19

    Gia đình và cô gái này ko nên tìm người yêu, nên tìm sugar daddy thì sẽ đáp ứng được nhu cầu của họ

  • Thanh Xuân 20-11-2023 11:46:11

    Vậy là khi mượn tiền là gia đình bạn cũng đã nghĩ rằng sẽ không trả, hay trả rất chậm phải không? Thôi, trả cho người ta đi rồi chia tay cho anh ấy thoát khỏi gia đình bạn.

  • Thanh Xuân 20-11-2023 11:42:51

    Ửa ửa, mượn tiền thì phài trả. Sao lại nghĩ là người yêu của con mình thì tiền đó phải cho. Bó tay với kiểu nghĩ này.

  • Binh An 19-11-2023 09:07:09

    Em làm lương tháng 12 triệu thì có thể đứng vay NH để trả nợ cho người yêu, làm như vậy mới đúng. Có vay - có trả.
    Em nghe gia đình chia tay người đàn ông tốt như vậy thì chỉ em thiệt thôi. Vì 50 triệu mà đánh mất người yêu tốt như thế thì rất nhiều cô gái khác sẽ cám ơn em đấy!

  • Trương Mỹ Hương 19-11-2023 08:50:59

    Theo thiển ý của mình, gia đình bạn đã sai khi nhập nhằng giữa tiền mượn bạn trai của bạn và tình cảm của bạn. Trên nguyên tắc, đã gọi là mượn thì phải trả, tuy rằng anh bạn trai cư xử không khéo léo khi đòi tiền. Nên nói chuyện thẳng thắn với nhau để làm rõ tình cảm của cả hai bên còn không nhưng tiền thì phải trả.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI