PNO - Xét ra, ngày nay tỏ tình dễ dàng hơn thuở trước. Nếu ngại ngùng, kém khoa ăn nói, chỉ cần cái điện thoại là được, khác hẳn thời của Đoàn Chuẩn - Từ Linh - “phong thư ngào ngạt hương/ Nét bút đa tình lả lơi”.
Dám nói rằng, trước đó nữa, cách tỏ tình phổ biến “trên đồng cạn, dưới đồng sâu”, trên sông nước mênh mang: “Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi/ Kẻo khúc sông này bờ bụi tối tăm” thì ngụ ý, ngụ tình phổ biến vẫn qua câu hò đối đáp. Điều này cho thấy, người Việt rất giỏi gieo vần, hát hò lẫn sử dụng cách nói xa gần, bóng bẩy. Bao nhiêu lứa đôi đã nên duyên chồng vợ từ những cuộc “giao lưu văn nghệ” như thế.
Ảnh minh họa
Điều thú vị nhất ở đây là cách ăn nói dí dỏm, hài hước mà thâm trầm, ý vị. Ngày nọ, anh chàng muốn làm quen, bèn cất tiếng: “Chào đào, chào lựu, chào lê/ Ai xa tôi chào trước, ai kề chào sau” hoặc “Bước tới đây cầm chày giã gạo/ Tôi xin chào lê chào lựu, chào kẻ cựu người tân/ Trước tiên tôi xin chào anh chị nông dân/ Kẻ xa xôi tôi chào trước, người gần tôi chào sau”. Cách “mở bài” này đủ xem là thanh lịch, cho cuộc hò đối đáp bắt đầu.
Có lúc các o muốn đùa, tinh nghịch thách đố: “Thiếp đưa chàng một nắm bắp rang/ Chàng kiếm nơi mô tỉa được, thiếp với chàng trao duyên”. Không chỉ đố, đó còn là cách thăm dò người thanh kẻ tục. Gặp kẻ tục tằn, thô lậu ắt lanh lảnh: “Em chết ba năm rồi sống dậy đi lấy chồng/ Bắp rang anh tỉa mọc tràn đồng cho em coi”. Nhưng tất nhiên, đối như thế thì khó mà lấy lòng o thôn nữ. Có người tinh nghịch: “Ở mô mà nắng không khô/ Mà mưa không ướt, đúc vô mọc liền”. Ở mô là ở đâu? Đúc là gieo. Cũng có dị bản: “Bên em có miếng đất hoang/ Ba năm không có nước/ Hạn sáu tháng không khô/ Em sẵn lòng trao cho anh trỉa, trỉa vô mọc liền”. Câu hò vừa dứt, lập tức có tiếng cười vang. Tại sao cười? Ai hiểu sao thì hiểu. Đã hiểu thì cười thôi. Nhờ đó, họ dễ dàng làm quen với nhau hơn.
Cô nàng thăm dò chuyện vợ con của chàng, bèn hỏi bâng quơ: “Vợ anh chết đã ba năm/ Đêm đông lạnh rứa, anh nằm với ai”. Chàng cũng đáp bâng quơ: “Em hỏi chi chuyện ấy mà mất công/ Nóng thì anh nằm ngủ thẳng, lạnh thì nằm ngủ cong, khó gì”. Rõ là có trả lời, nhưng vẫn né được câu hỏi ngặt. Hò đối đáp, tưởng dễ, nhưng tâm địa thế nào e khó giấu. Với câu dò hỏi ấy, nhiều tay đã “mất điểm” khi dám cay cú hỏi: “Tiếng đồn em lấy chồng già/ Đêm nằm em thấy ớt, cà ra răng?”. Nghe thật lỗ mãng! Cô nàng thẳng thừng: “Tre già còn dẻo hơn măng/ Ớt, cà già có hột, chớ hơn thằng ớt tơ”. Đã đến nước ấy, chạy là thượng sách, nhưng vẫn có người cố níu: “Chờ em cho mãn kiếp chờ/ Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông”. Quả nhiên, câu hò trả lời chỉ có thể là: “Rau muống trổ bông lên bờ nó trổ/ Ai biểu anh chờ, anh kể công lao?”.
Ảnh minh họa
Thế đấy, đừng tưởng hò đối đáp chỉ cho vui - như cách để quên đi lao động nhọc nhằn, đêm khuya canh dài. Tùy tâm tính, có thể là tiếng rao ngọt ngào, thành thực: “Đêm thanh gió mát, nghe đó hát cũng thỏa tâm tình/ Gặp anh đây là bán lộ trình/ Bớ quân tử ơi! Hỏi thăm quân tử gia đình ở đâu?”. Câu trả lời cũng thanh lịch không kém: “Nước biếc long lanh, người bạn lành thiệt là khó kiếm/ Anh dạo chơi cũng hiếm, chưa lựa được chỗ nào/ Em ơi! Mãng lo buôn bán ra vào Cần Thơ”.
Nếu thấy “kết model”, họ có thể tiến xa hơn: “Đó có nghĩ tình đây thì rượu say đừng uống/ Chớ muốn bài cào/ Chớ đắm mấy chị đào, chớ mê vào á phiện/ Khuyên anh bốn chuyện, anh khá ghi lòng/ Anh ơi! Ráng lo buôn bán, em sợ phòng dặn anh”. Chàng trai cũng dặn dò: “Bậu có thương qua, khăn bà ba đừng đội/ Phường hát bội đừng mê/ Bài cạc-tê đừng mắc, tứ sắc đừng ham/ Cứ chuyên nghề nghiệp mà bậu làm/ Bớ em bậu ơi! Dẫu thất cơ lỡ vận, anh cùng làm với em”.
Một khi đã yêu nhau, ai lại không ước mơ, ngóng đợi ngày được sống chung nhà, ăn chung mâm, ngủ chung giường. Muốn thế, phải tổ chức cưới nhau, chứ ai lại đơn giản vác va-li đến nhà người tình. Xưa cũng thế, nay cũng thế. Có điều, muốn cưới nhưng nghèo quá thì sao?
“Dẫu cho nhà dột cột xiêu/ Anh muốn cưới vợ sợ nhiều miệng ăn”. Cô gái nghèo dò hỏi: “Một trăm quan tiền còn nằm trong rọ/ Em hỏi anh rằng: “đi họ mấy mươi”?”. Chàng trai nghênh mặt: “Họ anh vừa gánh vừa khiêng/ Nội trong xóm giềng đi đã ba trăm” khiến cô gái hoảng hốt: “Anh về bớt họ anh ra/ Phận em đơn chiếc cửa nhà đơn côi”. Chàng trai thấy cần phải đòi hỏi “đến nơi đến chốn” cho bõ lúc bị nhà gái thách thức: “Em đòi vàng anh cũng đi vàng/ Mua gấm lót đàng cho họ anh đi”. Cô gái giận dỗi, thẳng thừng: “Anh về nói với họ anh/ Có đi thì cắp chiếu manh mà ngồi”. Mới là “khúc dạo đầu” nhưng đã nghe tiếng bấc tiếng chì.
Ảnh minh họa
Người ta còn mặc cả về ăn mặc, đi đứng, chẳng hạn: “Chàng cưới thiếp bạc nén, vàng thoi/ Chàng về lựa họ cho hẳn cho hòi/ Đàn ông đội nón Gò Găng quai tả/ Đàn bà nón thượng quai liền/ Con trai đi hậu vác tiền/ Mặc áo màu huyền, bịt khăn nhiễu lượt/ Võng chàng đi trước, võng thiếp theo sau/ Thiên hạ ngó vô: đám cưới nhà giàu/ Sui gia cũng xứng, kép đào cũng xinh”.
Nói thì nói thế. Nếu đã yêu nhau, đã muốn “như chim liền cánh như cây liền cành” thì họ ắt có cách giải quyết ổn thỏa. Mong cho họ đến lúc: “Đôi ta đứng đẹp một bên/ Đứng dưới chiếu nhứt lạy lên bàn thờ”.