Chuyện kể ngày xưa, có thằng bé con bình luận cực kỳ “thoáng” lúc mẹ mình ghen: “Con cò trắng bạch như vôi/ Ai muốn làm bé cha tôi thì về/ Mẹ tôi chẳng đánh chẳng chê/ Mài dao cho sắc, móc mề mà xem”. Thoạt nghe tưởng chẳng có gì, nhưng lại đầy sát khí.
Một số người ghen rất “cao cơ”, như chuyện hồi năm 1925, tác giả Hoàng Ngọc Phách in tiểu thuyết Tố Tâm. Nam thanh nữ tú tìm đọc say mê, mơ màng cùng nhân vật Đạm Thủy - Tố Tâm, chìm đắm theo một chuyện tình bi thương nhưng thơ mộng. Từ chỗ mê truyện đến mê luôn tác giả là khoảng cách rất gần. Nhiều nữ độc giả thường đến thăm nhà Hoàng Ngọc Phách. Trong đó, không ít cô thương thầm, dù biết chàng đã có vợ con.
Lạ là, bà Phan Thị An - vợ ông - vẫn “phớt tỉnh Ăng-lê”. Không phải bà không ghen, mà là ghen kiểu khác, hoàn toàn không giống nàng Hoạn Thư trong Truyện Kiều. Cô Hoàng Thị Thục - con gái thứ hai trong gia đình Hoàng Ngọc Phách - kể lại: “Mẹ tôi thường nói: “Muốn người đàn ông không chơi bời thì phải tổ chức gia đình cho êm thắm, vui vẻ. Gia đình phải là nguồn động viên, an ủi để họ thấy không thể thiếu trong đời sống của mình”.
Một trong những yếu tố làm nên sự “êm thắm, vui vẻ” của bà An là khéo léo nấu cho chồng con những món ăn ngon - nhất là những món ăn vùng quê Nghệ Tĩnh mà Hoàng Ngọc Phách rất thích như cà muối mắm, cá nhỡ nấu ngót, thịt gà rang măng, chả chìa... Khi các cô gái mê văn chương đến chơi nhà, bà niềm nở tiếp đón chân tình, dần dà các cô, dù xinh đẹp đến mấy, cũng thấy khó chen chân vào… trái tim của nhà văn đang nổi tiếng đành tự giác rút lui.
|
Ảnh minh họa |
Trường hợp của NSND Ba Vân thì khác. Thuở mới vào nghề, Ba Vân đi hát cho gánh Tái Lập Ban, Tân Hý Đồng rồi Nghĩa Hiệp Ban... Cuối năm 1927, Nghĩa Hiệp Ban lưu diễn ở Phan Thiết. Tại đây họ tập tuồng mới, rồi tiếp tục diễn dọc các tỉnh miền Trung, ra đến Hà Nội. Lúc bấy giờ, vừa mới 20 xuân, Ba Vân thương thầm một cô đào trong gánh. Vì tình yêu, ông đã ra sức giúp đỡ nàng. Tình cảm của họ ngày một gắn bó. Những người biết chuyện đều tán thành mối quan hệ này. Năm 1930, Nghĩa Hiệp Ban vào lại Sài Gòn, đời sống nghệ sĩ bắt đầu khó khăn, cô bạn gái của Ba Vân quay sang mê chàng kép ở gánh Trường Sanh - chuyên hát cải lương tuồng Tàu, đang ăn nên làm ra.
Hay tin, “quái kiệt” Ba Vân đau đớn, có lúc muốn “ăn thua đủ” với tình địch, nhưng rồi thôi. Ông chán ngán, bỏ bê nghệ thuật, nỗi đau cứ đeo đẳng mãi. Năm 1937, nhờ gặp nghệ sĩ Năm Châu, Ba Vân mới thật sự quay trở lại với ánh đèn sân khấu với tất cả sự hào hứng, tinh khôi như thuở… chưa bị tình phụ. Chỉ một câu nói và cái vỗ vai thân mật của Năm Châu đã đánh thức niềm tha thiết, say mê nghệ thuật trong Ba Vân: “Chú đóng vừa thật vừa đẹp. Rất trúng ý tôi”. Nỗi đau, sự hành xác từ cơn ghen âm ỉ vẫn có lối thoát đấy chứ.
Thi sĩ Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) cũng na ná. Sau khi thi rớt, bị nhà gái đột ngột “đá giò lái”, cậu ấm Hiếu như điên loạn. Thương tình, ông anh rể Nguyễn Thiện Kế mới đưa Hiếu về nghỉ tạm ở nhà tư sản Bạch Thái Bưởi và khuyên nên tìm đọc tân thư cho khuây khỏa. Từ đó, ông ôm ấp hoài bão lớn, một lý tưởng mới, gạt bỏ con đường cử nghiệp và nhất là… mối tình đầu tan vỡ.
|
Ảnh minh họa |
Thương nhất vẫn là trường hợp người tình của thánh y Hải Thượng Lãn Ông. Thời trẻ, cả hai đã nguyện thề gắn kết trăm năm, đã dạm hỏi, nhưng rồi sau đó, do ông mải mê học thuốc cứu đời, lo công danh sự nghiệp, nên duyên nợ bất thành. Buồn, ghen, bà đã chọn cách đi tu: “Sự đời đã tắt lửa lòng/ Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi?”. Khi đã già, gặp lại, bà chẳng một lời than trách, chỉ xin ông giúp cho một cỗ áo quan. Có lẽ bà nghĩ, lúc về chín suối, vẫn còn được ông chăm sóc, thế là mãn nguyện. Thời nay có lẽ chẳng còn mấy phụ nữ chọn cách ấy. Nhưng đó là điều mà sau này chính Hải Thượng Lãn Ông phải day dứt: “Kiếp này kết nghĩa anh em/ Kiếp sau xin được đẹp duyên vợ chồng”.
Thật khó trả lời câu hỏi liệu im lặng, chịu thiệt khi ghen có nên không. Nhưng ghen để khiến người tình tổn thương là điều chắc chẳng ai muốn. Vậy mà vẫn cứ xảy ra. Chuyện của danh nhân Phan Kính (1715- 1761) ở Hà Tĩnh rất đáng suy nghĩ. Sau khi đi thi Hương trở về, ông suýt ngất khi hay tin cô Nhiễu - người yêu của ông - bị song thân ép phải lấy người đàn ông trung niên giàu có ở vùng biển bên huyện Nghi Xuân. Ông trút cơn ghen qua bài Văn tế sống cô Nhiễu, dán trước nhà cô. Chua chát nhất là những câu như: “Nhớ o xưa: Dự bậc nữ trung, vốn người lịch sự. Lưng eo vú đảnh, ngọc chuốt vàng trau. Má phấn răng đen, miệng cười hoa nở”. Thế mà, phải làm vợ kẻ không ra gì.
Càng đọc những câu mỉa mai, cô Nhiễu càng tủi hổ, đầm đìa nước mắt. Ít lâu sau, cô Nhiễu theo chồng, rồi mọi người nghe tin cô đã quyên sinh. Nếu lúc ấy, Phan Kính hành xử như thi hào Puskin: “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”, chắc mọi việc đã khác.
Lê Minh Quốc