Người xưa cũng thích rời Sài Gòn..."đi phượt"

02/05/2022 - 18:07

PNO - "Còn cái sung sướng nào hơn cái sung sướng thoát khỏi một đô thành náo nhiệt để đi ra giữa cảnh trời nước, đồng ruộng, núi sông..." - nhà báo Khuông Việt.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến nói rằng, khi đọc bài du khảo Hai mươi lăm ngày đi tìm dấu người xưa của nhà báo Khuông Việt, in trong tập sách Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo (vừa được nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM phát hành) ông rất ấn tượng với đoạn viết về "cái lý thú" của văn nhân thi sĩ ngày xưa khi rời khỏi Sài Gòn.

Trong đoạn tả về cảm xúc được "rày đây mai đó", Khuông Việt viết: "Còn cái sung sướng nào hơn cái sung sướng thoát khỏi một đô thành náo nhiệt, nô nức ngựa xe, sực mùi dầu mỡ, (...). nhứt là thoát khỏi dầu cho trong một thời gian cái vô vị của cuộc sống hằng ngày mà mỗi việc làm đều có giờ khắc nhứt định trước như một cái máy tinh xảo. Thoát khỏi những cái "bình thường" ấy để đi ra giữa cảnh trời nước, đồng ruộng, núi sông êm lặng, âm u, tịch mịch...".

Tập sách do hai tác giả Võ Văn Thành và Trần Thành Trung sưu tầm, chú giải và giới thiệu
Tập sách do hai tác giả Võ Văn Thành và Trần Thành Trung sưu tầm, chú giải và giới thiệu

Đây cũng là bài viết từng được đăng trên Nam Kỳ tuần báo (1942-1945). Thời điểm ấy, Sài Gòn còn thưa thớt cư dân nhưng vẫn là cái "không khí đô thành" ngột ngạt lòng văn sĩ. Mùa hè, nhà báo Khuông Việt cùng 3 người bạn rời Sài Gòn đi Nam Kỳ lục tỉnh.

Khuông Việt (tên thật là Lý Vĩnh Khuông, là nhà báo Việt Nam đầu tiên được cấp thẻ nhà báo của Liên Hiệp Quốc) là một trong những cây bút chuyên viết du ký, khảo cứu trên Nam Kỳ tuần báo và các tờ: Tri Tân, Thanh Nghị, Đại Việt Tân báo. Hai mươi lăm ngày đi tìm dấu người xưa là hành trình ông tìm viếng mộ của các danh nhân, người có công khắp lục tỉnh. 

Tác giả Võ Văn Thành, giảng viên Trường đại học Văn Lang, người biên soạn tập sách Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo gọi vui về những chuyến đi của trí thức Sài thành ngày xưa là "đi phượt". Vì thuở ấy nào có các tour du lịch, văn nhân thi sĩ thích nơi nào là cứ lên xe đò, ô tô mà đi, mà tự khám phá. Thậm chí họ cũng trải nghiệm đúng kiểu "du lịch bụi", như ghi chép của nhà báo Khuông Việt: "Nắng, mưa, gió, bụi và sự ăn ngủ thất thường. Có hôm chúng tôi phải nhịn đói suốt ngày vì lỡ độ đường. Có bữa phải ăn chuối đỡ lòng hoặc nhờ "thím xẩm" của một tiệm chạp phô nấu cho nồi cơm, kho cho ơ cá". 

Đêm đến, họ có thể ngủ trong đình chùa, trường học; phương tiện di chuyển lúc xe lúc đò, phà, ghe rồi có khi phải cuốc bộ nhưng lòng vẫn vui phơi phới. Như chia sẻ của tác giả Thiếu Sơn về cái thú đi chơi: "Bình sanh tôi thích du lịch, vì mỗi lần đổi không khí, đổi hoàn cảnh, thì tôi cũng đổi luôn cái tâm trạng và như tiếp thêm được những nguồn sanh lực mới vào cái bản ngã của tôi" (trích bài Viếng Tây Đô).

Tuy nhiên, mỗi chuyến đi đều không đơn thuần chỉ là nhìn ngắm cảnh đẹp, nếu không phải là đi để viết du ký thì cũng là để viết biên khảo, khảo cứu. Những chuyến đi của tiền nhân cho người đọc sự hiểu biết về cảnh quan văn hóa lẫn di tích, di sản địa phương. Mỗi điểm đến đều được các tác giả quan sát, miêu tả rất chi tiết. Đặc biệt, các khu di tích, mộ, miếu thờ những danh nhân, thành hầu, người có công xưa được đặc biệt quan tâm. 

Quang cảnh cầu tàu chợ Trà Ôn đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu từ tác phẩm.
Quang cảnh cầu tàu chợ Trà Ôn đầu thế kỷ XX - Ảnh tư liệu từ tác phẩm

Tác giả Thái Hữu Thành đến Đồng Nai ghi chép về cuộc sống và văn hóa của người Thượng: về hình thể, trang sức, nhà cửa, sinh hoạt, phong tục - lễ nghi... Khuông Việt đi Nam Kỳ lục tỉnh viếng mộ cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, lăng mộ Thoại Ngọc Hầu, bi đình kỷ niệm nơi chôn nhau cắt rốn của Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký, mộ Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức...

"Có những bài viết rất thú vị về phong tục của các dân tộc người ở các vùng miền, tuy không đầy đủ nhưng cũng cho thấy được đặc điểm sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán, lối sống... của đồng bào ít người" - tác giả Võ Văn Thành nhận định. 

Các bài du ký trên Nam Kỳ tuần báo ngoài những ghi chép, miêu tả trải nghiệm, thông tin tư liệu, nhiều bài viết giàu cảm xúc, đầy tính văn chương. Trong thời gian hai năm phát hành với 85 số báo, Nam Kỳ tuần báo đã in nhiều bài du ký, du khảo của các tác giả là những cây bút nổi tiếng lúc bấy giờ: Khuông Việt, Hồ Biểu Chánh, Thiếu Sơn, Trường Sơn Chí, Lê Văn Ngôn, Ngọc Ước, Tây Đô Cát Sĩ...

Tập sách Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo tuyển chọn 25 bài viết của các văn nhân đi thăm Đồng Nai, Hà Tiên, Côn Đảo, Tây Nguyên, Nam Kỳ lục tỉnh...

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI