Người vươn lên từ “hai bàn tay trắng, bốn bàn tay không”

29/06/2020 - 12:00

PNO - Để vươn lên từ “hai bàn tay trắng, bốn bàn tay không”, bà Sín Ngọc Loan đã phải trải qua những tháng năm dài khốn khó. Với bà, dù trong hoàn cảnh nào, bà vẫn kiên trì làm việc và làm bằng cả trái tim nhiệt thành để gầy dựng sự nghiệp không chỉ cho mình mà còn giúp người.

Tuổi trẻ nhọc nhằn

Ở Q.Thủ Đức, tôi từng nghe các chị kể về bà Sín Ngọc Loan, một phụ nữ tha hương trên mảnh đất Sài Gòn, đã cùng chồng dựng nên cơ nghiệp. Và gần đây, trong một hội nghị tôi đã gặp bà. Bà cười bảo, 15 năm trước, lơ ngơ không biết đường sá, không có bộ đồ nào coi được, cuộc sống cũng chỉ loanh quanh từ nhà ra chợ… Nhưng bây giờ thì bà đã đi nhiều, mỗi năm ít nhất một, hai chuyến về Củ Chi, Cần Giờ, xuống Bến Tre, Đồng Tháp, Long An… làm từ thiện cùng câu lạc bộ Phụ nữ nhân ái P.Tam Bình, Q.Thủ Đức. 

Bà Loan là chị đầu trong gia đình có sáu chị em. Vì cha mẹ nhảy tàu buôn bán nên chị em bà mỗi người sinh mỗi nơi, từ Đà Nẵng đến Sài Gòn. Năm bà Loan 11 tuổi thì cha qua đời vì tai nạn giao thông, mẹ bà gom góp số tiền dành dụm mua mảnh đất cất nhà rồi trụ lại TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) để nuôi sáu đứa con. Dù thiếu thốn trăm bề nhưng mẹ bà tuyên bố: “Không đứa nào được bỏ học, chí ít cũng phải học hết tú tài”. Nghe lời mẹ, bà Loan một buổi đi học, một buổi phụ mẹ bán cà phê, khoai lang và chăm sóc các em. Đến năm lớp Bảy, bà mon men học nghề may, rồi xin phụ cắt chỉ, đóng khuy kiếm tiền. Hết tú tài 1, bà Loan bỏ lại ước mơ phấn trắng để vào làm xí nghiệp. “Tôi có ước mơ trở thành cô giáo, nhưng hồi đó nhà túng lắm, các em thì mê đến trường, nên tôi phải dừng việc học lại dù rất buồn. Vào xí nghiệp, tôi cắm đầu làm việc. Về nhà thì tranh thủ nhận may thêm. Mười mấy năm như vậy” - bà Loan nhớ lại. 

Bà Loan (trái) giới thiệu sản phẩm với đại diện Hội LHPN P.Tam Bình, Q.Thủ Đức
Bà Loan (trái) giới thiệu sản phẩm với đại diện Hội LHPN P.Tam Bình, Q.Thủ Đức

Năm 1990, bà Loan lập gia đình. Chồng là ông Nguyễn Văn Long làm nghề cắt tóc, cũng mồ côi cha từ nhỏ. Gia đình hai bên mỗi người góp một ít tặng vợ chồng bà chiếc xe máy. Một thời gian sau vợ chồng bà bán chiếc xe để có tiền mua 200m2 đất tại Thủ Đức cất tạm mái nhà tranh. Vợ may đồ, chồng cắt tóc kiếm sống hằng ngày. Đến năm 1992 bà sinh con trai. Do con đau bệnh triền miên, mỗi năm nằm viện đến 6-7 tháng, nên vợ chồng làm lụng được bao nhiêu đều gom góp để nuôi con trong bệnh viện. 

Rồi bà Loan nhận dạy may cho chị em có nhu cầu, chia sẻ mối hàng, giúp nhau cơm rau trong thời buổi chật vật. Đến nay, một số chị vẫn đang bám trụ với nghề. 

Hai bàn tay trắng làm nên sự nghiệp 

Dọc theo đường số 1, khu phố 1, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, nhiều người dân vẫn xem vợ chồng bà Loan từ “hai bàn tay trắng, bốn bàn tay không” làm nên sự nghiệp như một gương sáng. Nhưng để có căn nhà khang trang như bây giờ, bà Loan đã nếm trải bao cay đắng trần ai. 

48 tuổi, mắt bà bị xuất huyết dưới kết mạc, bệnh tái phát nhiều lần gây đau nhức, giảm thị lực. 49 tuổi, bà phải phẫu thuật u xơ tử cung, sức khỏe suy giảm, cộng với bệnh đau cột sống nặng nên bà đành bỏ nghề may. Đang lúc bối rối, không biết cuộc sống sẽ ra sao thì cô học viên cũ Hoàng Thị Chinh rủ bà đầu tư sản xuất móc quần áo. Bà gật đầu. Năm 2007, được Hội Phụ nữ phường hỗ trợ 5 triệu đồng, bà thế chấp căn nhà để vay ngân hàng thêm 30 triệu đồng hùn vốn làm ăn. Rồi bà mua chiếc xe máy cũ để đi chào hàng tại các chợ Nguyễn Tri Phương, Vườn Chuối, Hòa Hưng, Bàn Cờ…

Nhưng đi đến đâu bà cũng nhận được những cái lắc đầu, xua tay. Phương án cuối cùng: bà đánh liều để lại chồng móc áo và nói rằng: “Chị thương tình cho em để đó. Chị bán được mấy cái em đều mừng”. Không chịu thất bại, bà tìm đến những người bán dạo trên các chuyến xe đò liên tỉnh để chào hàng. Về nhà, bà lại đạp xe đi bán dạo trong các khu dân cư tại Q.Thủ Đức và Q.9. 

Sự kiên trì của bà cũng tới lúc thu về quả ngọt bằng các đơn hàng đầu tiên từ chợ Nguyễn Tri Phương. Rồi sau đó là Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Hà Tĩnh… cũng liên hệ đặt hàng. Bà mừng đến khóc. Giai đoạn 2012-2015, mỗi tháng bà bán được tới 400.000 chiếc móc. Kinh doanh dần ổn định, vợ chồng chị Chinh tách ra làm riêng. Chồng bà Loan bỏ nghề cắt tóc để về sản xuất móc quần áo. Họ thuê thêm nhân công, ưu tiên nhận những chị em có gia cảnh khó khăn. Đầu năm nay, chị Nguyễn Thị Hòa - một người làm công và được vợ chồng bà Loan tạo điều kiện giúp đỡ - đã về quê Tiền Giang mua đất cất nhà. Nhà làm xong, bà Loan còn gửi tặng bếp ga, tủ lạnh. 

Chị Nguyễn Thị Mai, ở P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, có hoàn cảnh khó khăn, con trai bị suy thận, đã được bà Loan dành cho một chân bó móc, đồng thời chỉ cho nghề may và tặng máy may để làm thêm tại nhà. Chị Mai xúc động: “Lúc tôi lao đao nhất, vợ chồng cô Loan đã đưa tay ra giúp, không chỉ việc làm mà còn cả sự chăm sóc ân cần từ chén cháo, viên thuốc cho con trai tôi. Tôi học được ở cô tính kiên trì, nhẫn nại và cả thái độ lạc quan, yêu đời”. 
Bà Sín Ngọc Loan hiện là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 1, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức. 

 
 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI