Người vùng lũ “cứu trợ” nhau

21/10/2020 - 08:07

PNO - Đã 12 ngày mưa không ngớt trên bầu trời miền Trung, khắp nơi ngập lụt, nhiều người phải chịu cảnh cô lập trong suốt nhiều ngày. Nhưng ít ai biết, ngay giữa tâm lũ, sự sống vẫn đang được thắp lên bởi chính những nương tựa dìu đỡ từ những người cùng chung cảnh ngộ.

Chị Thanh Lê (phường 1, thành phố Đông Hà) đã tạm gác công việc kinh doanh online của mình để mở bếp nấu cơm từ thiện tiếp ứng cho bà con. Nhà chị cách vùng lũ khoảng hai cây số. Mỗi ngày chị nấu mấy trăm suất cơm, tìm các đoàn hỗ trợ để đưa về những nơi ngập nặng.

Người dân trong vùng lũ ở thôn Phú Kinh duy trì sự sống bằng nguồn lương thực, nước sinh hoạt từ các đoàn cứu trợ của chính quyền và Mạnh Thường Quân
Người dân trong vùng lũ ở thôn Phú Kinh (Hải Phong, Quảng Trị) duy trì sự sống bằng nguồn lương thực, nước sinh hoạt từ các đoàn cứu trợ của chính quyền và Mạnh Thường Quân

Chị chia sẻ: “Nhìn mọi người chịu cảnh lụt mới thấy mình còn may mắn. Mấy hôm nay mình không còn tâm trạng gì để bán hàng nữa. Thấy hoàn cảnh thương tâm không kìm lòng được, mình quyết định phải làm một việc gì đó giúp đỡ bà con”. Ngoài việc nấu cơm từ thiện, chị Lê còn kêu gọi bạn bè hỗ trợ mua chăn ủng hộ cho xã Tà Long, huyện Đakrông - nơi chịu thiệt hại nặng nề do lũ. Mỗi đơn hàng bán được, chị Lê trích ra 20.000 đồng để mua áo ấm tặng cho trẻ miền núi. 

Chị Hồng Nhung (giáo viên tiểu học ở thành phố Đông Hà) tuy không đi dạy nhưng đều ra khỏi nhà từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Chị miệt mài đến hỗ trợ các bếp nấu cơm cho người dân vùng lũ. Trường chị ở nơi cao nên không bị ảnh hưởng nhiều, trong khi các trường vùng ven bị ngập nặng. Ngay khi nước rút, toàn bộ giáo viên đã phân công về hỗ trợ dọn dẹp cho trường đồng nghiệp. Bếp ăn bán trú cũng được mở, các cô phụ nấu cơm rồi vận động quyên góp đồ dùng áo quần chuyển ngay đến vùng ngập lụt kịp thời.

Chị tâm sự: “Lội nước nhiều nên chân bị ngứa, phải sắm một đôi ủng để đi. Nhìn quê hương chìm trong biển nước mà thấy xót xa, chỉ mong đóng góp được một phần sức lực giúp đỡ cho mọi người”. 

Nhiều hội nhóm từ thiện cũng được thành lập, tự quyên góp rồi nấu cơm thực hiện chương trình Bát cơm mùa lũ cứu đói cho bà con. Chị Táo (thành viên bếp cơm Thiện Quảng, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ trên trang cá nhân: “Mỗi ngày có 100 anh chị em phục vụ nấu cơm, 10 xe phục vụ vận chuyển, 8 nồi cơm chạy hết công suất để đưa được 2.000 suất cơm đến với bà con vùng lũ”. Được biết, việc phụ giúp nấu cơm hoàn toàn tự nguyện, người nào có thời gian thì đến trực tiếp giúp đỡ. Nhiều chị em đã tạm gác công việc nhà để tham gia phụ sơ chế, nấu cơm, chia cơm để phát đi.

Không chỉ chia sẻ miếng ăn, người trong vùng lũ còn giúp đỡ nhau về chỗ ở. Ngôi nhà nhỏ của anh Văn Cường (thị xã Quảng Trị) bình thường chỉ có vợ chồng anh sống cùng cha mẹ, nhưng mấy ngày nay đã trở thành chỗ tá túc của bốn hộ gia đình khác. Anh cho biết, nhà anh cũng nằm trong vùng ngập lụt, nhưng ở chỗ cao nước không vào tới, nên các gia đình bị ngập sang ở nhờ.

Khoảng sân nhà anh la liệt lồng gà, vịt, heo… cùng vật dụng sinh hoạt. Anh phải dùng bạt che mưa để tránh ướt đồ của mọi người. Anh chia sẻ: “Tuy chật chội nhưng không bị ngập đã là may mắn, chỉ mong nước rút nhanh để mọi người ổn định cuộc sống”. Cứ mỗi lần nước rút, anh Cường lại tất tả trợ giúp hàng xóm dọn bùn. Anh cũng kêu gọi bạn bè phương xa ủng hộ sách vở, áo quần cho học sinh vùng lụt với mong muốn sau lũ, các em lại tiếp tục được đến trường. 

Tinh thần tương thân tương ái được phát huy cao độ, chưa bao giờ thấy mọi người đoàn kết như lúc này. Trên các trang fanpage địa phương miền Trung những ngày này, không ít những dòng chia sẻ thật ấm lòng như: “Nhà em có chạy máy nổ, bà con ai sạc điện thoại, đèn pin thì ghé sạc”, “Bà con vùng lũ có xe bị ngập nước không đi được, alo em sửa miễn phí”, “Ai có thóc bị ướt, đem đến em sấy giúp”, “Gia đình em ở chỗ cao, còn phòng trống, ai cần chỗ tránh lụt thì đến ở”.

Giữa muôn vàn khó khăn do lũ chồng lũ, những việc làm tuy nhỏ nhưng ấm áp nghĩa tình của người dân miền Trung - dù chính bản thân họ cũng đang đối mặt với lũ lụt - đã được lan tỏa trong cộng đồng, với lòng tin rằng tình người sẽ giúp con người vượt qua mọi tai ương. 

Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI