Người vợ trẻ tặng tim chồng cho người xa lạ

29/11/2018 - 18:50

PNO - Dù thực hiện nghĩa cử cao đẹp - hiến tặng tim chồng để cứu một mạng người đang bước dần đến cửa tử nhưng chị Nguyễn Thị Thu Hằng (26 tuổi, quê ở Thái Bình) luôn bị dèm pha "do thiếu tiền nên phải bán tim chồng".

Bất ngờ gặp gia đình người hiến tim sau nửa năm tìm kiếm

Ngày 29/11, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia kỷ niệm 5 năm thành lập. Cả hội trường như lắng lại khi anh Trần Tuấn (52 tuổi, ở tỉnh Thừa Thiên - Huế) vui mừng gặp lại gia đình ân nhân.

Nguoi vo tre tang tim chong cho nguoi xa la
Anh Tuấn sau ca ghép tim thành công

Anh Tuấn từng bị suy tim nhiều năm. Bác sĩ thông báo đến tháng 4/2018 là giai đoạn cuối cùng nếu không có người hiến tặng tim, anh khó giữ được tính mạng.

“16 tiếng sau khi ghép tim, tôi tỉnh dậy và thấy mình có thể đứng dậy chạy ngay về nhà. 28 ngày sau đó, tôi được ra viện và chưa bao giờ thấy sức khỏe ổn định như vậy”, anh Tuấn hồ hởi kể.

Ngày 16/5, anh được Bệnh viện Trung ương Huế thông báo lên bàn mổ khi có người xấu số vừa qua đời đồng ý hiến tặng tim.  

Thoát khỏi “cửa tử”, nhiều lần anh hỏi thăm bác sĩ và đăng trên mạng xã hội để tìm gia đình người tặng trái tim cho mình. Nhưng suốt nửa năm qua, cuộc tìm kiếm vẫn vô vọng. Chỉ đến sáng 29/11, các bác sĩ buộc phải tiết lộ và kết nối để anh gặp gỡ với gia đình người hiến tặng. 

Người hiến tặng tim chồng cho anh Tuấn là góa phụ trẻ tuổi - chị Nguyễn Thị Thu Hằng (sinh năm 1992, quê ở Thái Bình). Sau khi chồng là anh Nguyễn Ngọc Khiêm bị tai nạn và chết não, chị Hằng đã điện thoại cho mẹ chồng xin hiến tặng trái tim của chồng. Chị được mẹ chồng thấu hiểu và ủng hộ ngay.

Nguoi vo tre tang tim chong cho nguoi xa la
Anh Trần Tuấn và chị Thu Hằng

Thế nhưng sau khi tặng tim chồng cho người xa lạ, chị đối diện với những lời dị nghị, dèm pha của hàng xóm. Nhiều người đồn do chị nghèo quá nên phải bán tạng chồng lấy tiền. Dù vậy, chị vẫn chưa một lần hối hận vì quyết định của mình.

Chị luôn nói với các con: "Cho tim đi, bố vẫn sống nhưng chỉ là không ở cạnh bên. Khi các con lớn, tôi sẽ kể câu chuyện của chồng cho các con hiểu. Tôi tin rằng, các con sẽ hiểu và trân trọng những gì chúng tôi làm", chị Hằng chia sẻ.

Nghe gia đình ân nhân kể nỗi niềm phải chịu đựng, anh Tuấn rơi nước mắt: “Trái tim của anh Khiêm giờ đã nằm trong lồng ngực tôi. Tôi phải sống một nửa cho mình và một nửa cho gia đình anh”.

Con thoát chết ở tuổi 15

Cũng tại buổi tri ân những người hiến tạng này, mẹ con bà Ánh bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội mong muốn nói lời cảm ơn đến bác sĩ, gia đình người hiến tạng. 

Nguoi vo tre tang tim chong cho nguoi xa la
Mẹ con bà Ánh bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội

Hơn 5 tháng sau ngày phẫu thuật, em Phạm Văn Cơ (15 tuổi, Đà Nẵng) gây bất ngờ cho người đối diện với diện mạo đầy sức sống. Em hồ hởi khoe, mình đã lên được 10 kg, cảm giác ăn ngon, ngủ sâu khiến cơ thể luôn tràn trề năng lượng. 

"Năm Cơ 12 tuổi, anh trai của Cơ cũng phát hiện bị giãn cơ tim và không thể cứu được. Chồng tôi qua đời vì ung thư trước đó. Một nách nuôi các con khôn lớn, khi nghe Cơ lại mắc bệnh này, tôi thật sự suy sụp. Nỗi đau mất con ngày nào cũng hiện hữu ngay trước mắt. Tôi chỉ biết than trời, sao số mình lại khốn khổ tới như vậy”, bà Ánh kể lại trong tiếng nấc.

Nhìn cậu con trai đứng rạng rỡ kế bên, bà Huỳnh Thị Ánh rưng rưng nước mắt: “Hồi trước cháu xanh dữ lắm, không ăn uống được, lúc nào cũng trầm ngâm, hạn chế giao tiếp với mọi người. Có lần lên cơn đau, cháu chỉ gượng nói: “Có lẽ con sắp không được ở bên cạnh mẹ nữa”.

Phạm Văn Cơ là con út trong gia đình bà Ánh. Từ một đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh, năm 12 tuổi, Cơ bất ngờ mắc bệnh giãn cơ tim. Thông tin ấy, như tiếng sét ngang trời với người phụ nữ nghèo chịu đủ cơ cực. 

Thế nhưng, người phụ nữ ấy quyết tâm không từ bỏ. Cuộc sống vất vả, thu nhập từ nghề xay cá chỉ đủ nuôi thân mỗi ngày nhưng bà vẫn đi vay mượn khắp nơi để đưa con mình vào Sài Gòn, rồi về Bệnh viện Trung ương Huế chữa trị. 

Nguoi vo tre tang tim chong cho nguoi xa la
Ca ghép tim tại từ người cho chết não

Bà Ánh bảo, lúc ấy bản thân mình chẳng biết gì tới câu chuyện ghép tạng, nhưng khi gặp bác sĩ, bà vẫn luôn đặt câu hỏi: “Con tôi có thể thay tim để sống hay không?”. Câu hỏi từng gặp phải nhiều cái lắc đầu ấy, cuối cùng lại trở thành sự thực!

Một ngày tháng 6, bà Ánh nhận được điện thoại từ Bệnh viện Trung ương Huế, phía đầu dây bên kia thông báo, đã có người hiến tim phù hợp để ghép cho Cơ. Tay chân bà rụng rời, bủn rủn vì mừng vui, nhưng thoáng ngay sau đó, là nỗi sợ. 

Sợ là bởi số tiền cho ca phẫu thuật tim quá lớn. 300 triệu với một bà mẹ đơn thân, chắt chiu từng nghìn lẻ nhận xay cá mỗi ngày là một con số khổng lồ. Nhưng không để lỡ cơ hội duy nhất đến trong đời, bà vội vã có mặt tại Bệnh viện Trung ương Huế, đặt bút ký vào các giấy tờ phục vụ cho ca mổ. 

Nguoi vo tre tang tim chong cho nguoi xa la
Bà Ánh muốn cảm ơn gia đình hiến tặng bởi không chỉ cứu con bà mà cứu cả niềm tin của bà

“Lúc ấy, tôi đánh liều, thôi thì mình cứ ký trước đã. Nếu sống thì cả hai mẹ con cùng sống. Nếu chết, cả hai mẹ con cùng đi với nhau. Cơ hội cứu con dù chỉ 1% thì cũng phải mạo hiểm”, bà Ánh “đánh cược” cuộc đời của hai mẹ con mình như thế.

Đêm 13/6, trái tim của người hiến được chuyển vào Đà Nẵng bằng đường hàng không, rồi tiếp tục vận chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế. 4 giờ sáng 14/6, ca mổ thành công. 5 tiếng sau phẫu thuật, Cơ tỉnh lại nhưng gần như mất đi trí nhớ.

"Khi tỉnh dậy, Cơ chỉ nhớ được mẹ và chị gái chứ không còn nhớ chuyện gì khác. Hễ mẹ không có ở trong phòng là cháu khóc. Tôi kiên trì ở bên con, động viên và kể chuyện cho con. Được khoảng 1 tháng cháu bắt đầu hồi phục trí nhớ và khỏe mạnh cho tới bây giờ".

Theo bà Ánh, hiện tại, ước nguyện lớn nhất của mình là tìm được người hiến tim cho con trai. Bởi chính họ không chỉ tái sinh cuộc đời của Cơ mà còn cho bà nghị lực để sống tiếp những ngày tháng vất vả của mình.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI