Yêu thì chịu, ôm thì… chạy
Là người sợ hãi chuyện “giường chiếu”, nhưng chưa một lần T. đủ dũng khí thổ lộ cho bạn trai biết. Những lần bạn trai đòi hỏi, T. đều lảng tránh, viện cớ khi nào chính thức thành vợ thành chồng thì động phòng, gấp gì mà “ăn cơm trước kẻng”.
Có lần T. định buông xuôi để chiều bạn trai, nhưng hễ đối phương âu yếm đến đoạn cao trào thì T. vùng chạy. Giữa năm 2020, T. đã mượn lý do dịch Covid-19 để chủ động hoãn cưới. Ngày cưới lại được định sau đó vài tháng. Lần này thì không còn lý do chính đáng để hoãn, T. xuôi theo mọi sự xếp đặt để gia đình hai bên được vui. T. tiếc đã không kịp hiểu về bản thân và tìm cách bước qua mọi rào cản, thẳng thắn nói cho bạn trai biết mình là người vô tính, rồi mọi chuyện tính sau.
Còn ai cũng như cô dâu bất đắc dĩ Thủy T. đơn độc trong bi kịch của mình? Bi kịch hoàn toàn không phải do cô là người vô tính, cũng không phải do cô là người vô tính mà lại bước vào cuộc hôn nhân; bi kịch chính ở sự đơn độc, không có sự tỏ bày và thấu hiểu với những người thân thương nhất.
Cuối tháng 10/2020, một buổi gặp gỡ giao lưu với chủ đề “Mở lòng” được cộng đồng phổ vô tính tại Việt Nam (trang Asexual in Vietnam) tổ chức tại TP.HCM thu hút khoảng 20 người vô tính cùng người quan tâm đến từ TP.HCM và các tỉnh miền Nam.
Đây là một trong những buổi đầu tiên người vô tính tìm đến nhau, chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Tuy có nhiều định nghĩa khác nhau về người vô tính, nhưng khái niệm được chấp nhận nhiều nhất: vô tính (tiếng Anh: asexual hay nonsexuality) là xu hướng tình dục, chỉ nhóm người thấy không hoặc ít hấp dẫn về tình dục (có thể có hoặc không về tình yêu).
Những bạn vô tính sẽ không thể quan hệ tình dục, bởi vì cơ thể và trí não từ chối việc ấy. Đó là nỗi sợ hãi hoặc ghê tởm mỗi khi nghĩ đến ái ân. Tệ hơn sẽ rất đau khi quan hệ, đến mức không thể nào tiếp tục. Có những bạn vì nhiều lý do đã chấp nhận trải nghiệm quan hệ tình dục, nhưng rồi vẫn ghét “chuyện ấy”. Người vô tính dù có thử động phòng, thì thử xong, họ vẫn là người vô tính.
|
Người vô tính không thể quan hệ tình dục, bởi vì cơ thể và trí não từ chối việc ấy - Ảnh minh họa |
Hồng Đ. (nữ, ở Q.7, TP.HCM) từng trải qua mối tình ba năm với bạn trai, rất được bạn trai quan tâm, chiều chuộng. Nhưng khi mối quan hệ sâu hơn, và bạn trai đòi hỏi những cuộc hẹn thân mật, thì Đ. lại thấy căng thẳng và chán chường. Cộng với một ít bất đồng về quan điểm sống, tình cảm hai người ngày càng phai nhạt, Đ. cương quyết chia tay dù bạn trai ra sức níu kéo.
Lý do chia tay, theo Đ. là không có hứng thú và không thích kết hôn, nhưng anh bạn gạt phăng. Anh ta chắc mẩm Đ. đã có người yêu mới nên ruồng bỏ mình, và không ngại gây ra một số phiền toái để thỏa lòng căm hận.
Tình cũ sau một năm chia tay cũng tạm lắng, đến khi Đ. có tình yêu mới, lần này là với một bạn đồng giới nữ và có trải nghiệm ái ân, nhưng cảm xúc này cũng nhạt nhòa, “có hay không có cũng được”. Đ. từng nghĩ mình là người song tính, nhưng khi tiếp cận nhiều thông tin và đến với buổi giao lưu này, Đ. bắt đầu tự vấn: “Mình là người vô tính song ái thì đúng hơn?”.
Càng hiện diện càng xua tan định kiến
Nếu dựa vào hấp dẫn tình dục để phân chia thì suy cho cùng chỉ có hai dạng cơ bản: người vô tính và người hữu tính (bao gồm người dị tính với số lượng áp đảo và người đồng tính, song tính, chuyển giới…). So với các dạng thiểu số tính dục khác, hiện nay, ở Việt Nam, sự hiện diện của người vô tính trong xã hội còn lặng lẽ, mờ nhạt. Theo các tài liệu thế giới, người vô tính chỉ chiếm khoảng 1% dân số. Tỷ lệ ít không có nghĩa là người vô tính không tồn tại và không cần được hiểu. “Nên chấp nhận vô tính giống như chúng ta chấp nhận một đứa bé sơ sinh” là câu nói nổi tiếng của nhà xã hội học Edward Laumann (Mỹ).
Nhiều người vô tính mong muốn nâng cao nhận thức xã hội về cộng đồng mình, nhưng lại ngại công khai, ngại đối mặt với những phản ứng của người khác, nhất là gia đình. Họ sẽ cho là bạn còn quá trẻ, chưa gặp đúng người đủ “ái lực”, nếu thử một lần thế nào cũng rạo rực, thèm muốn và bùng cháy nhu cầu gần gũi xác thịt vì tình yêu - tình dục luôn đi đôi. Họ sẽ đánh đồng vô tính với “yếu sinh lý”, đi điều trị sẽ khỏi, hay vô tính chỉ là giai đoạn nhất thời. Họ sẽ nghĩ bạn khát khao kết giao với ai đó mà không được đáp lại, nên mượn chiêu bài “vô tính” để… gỡ chút thể diện.
Đối với việc nên hay không nên come-out (công khai xu hướng tính dục của mình), có rất nhiều ý kiến trái chiều của chính những bạn cùng cộng đồng. Những giọt nước mắt đã rơi vì ám ảnh không nguôi về “tai nạn” sau come-out. Có người thông cảm, thấu hiểu, có người lại giễu cợt, xúc phạm, kể cả quấy rối, xâm hại.
Yến L. (nữ, 32 tuổi, ở Q.5, TP.HCM) bực dọc khi các đồng nghiệp đem chuyện “ế dài” của mình ra để xỉa xói, thậm chí còn cười cợt những chú mèo L. nuôi để sớm hôm bầu bạn. L. đã tuyên bố mình không thích va chạm thể xác, không muốn có chồng. Thế là bất ngờ bị sếp nam liên tục gửi hình ảnh khiêu dâm và kể cả tấn công tình dục với giọng điệu “để anh mồi lửa, mai mốt em sẽ nghiện tình dục thôi mà!”.
Sức ép gia đình đối với người vô tính là nặng nề nhất, đưa đến những đám cưới “cưỡng bức”. Ngay cả sống với bạn đời thật dạ yêu thương, bạn cũng không thể che giấu mình là người vô tính. Nói ra để được nửa kia thấu hiểu và điều chỉnh cho khớp nhau, để không ai phải gắng gượng, chịu đựng trong cuộc sống chung.
Tình yêu khi đó là chiếc ly thủy tinh trong suốt, tinh khôi, chủ yếu là giao thoa giữa hai tâm hồn. Sự ích kỷ, dồn ép, cưỡng cầu, không sớm thì muộn cũng làm chiếc ly kia tan vỡ. Về phía người vô tính, mặc cảm không mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho người mình yêu cũng là điều không dễ vượt qua. Vì thế, chọn được người đồng hành phù hợp sẽ giữ cho mối quan hệ ổn thỏa và lâu dài.
Hoạt động tích cực vì quyền của cộng đồng người thiểu số tính dục, Kim T. cho rằng ngay chính ở câu hỏi “bạn có come-out chưa?” cũng ít nhiều hàm chứa sự phân biệt đối với người thiểu số tính dục, vì câu hỏi này chẳng ai đặt ra với người dị tính. Cũng như các xu hướng tính dục khác làm nên thế giới muôn sắc màu, vô tính vốn có sẵn, chỉ là khi nào bạn biết đến nó thôi.
Hiểu về bản thân đã không dễ, khi hiểu rồi, việc công khai càng khó. Và việc hạn chế công khai xu hướng tính dục thiểu số nói chung, vô tính nói riêng, khiến thông tin chuẩn xác không có, và nếu có cũng không đến được mọi người.
Chiêm nghiệm bản thân, Kim T. nhận thấy việc công khai này rất tốt cho mình, mang lại sự thoải mái, tự tin trong cuộc sống, và cũng đóng góp rất nhiều cho việc nâng cao nhận thức trong xã hội. Định kiến nào cũng bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết. Bạn dám hiện hữu và chia sẻ những kiến thức của mình, sẽ là chỗ dựa cho các bạn cùng cộng đồng; ít ra các bạn ấy không cảm thấy lạc lõng, cô độc giữa cuộc đời này.
Tô Diệu Hiền