Người vợ kiệt liệt của Mai Hắc Đế

08/10/2015 - 07:38

PNO - Góp phần vào sự nghiệp lẫy lừng của Mai Hắc Đế không thể không nhắc đến một người vợ của ông, đó là đệ nhị cung phi Phạm Thị Uyển.

Thượng đế ban con phù giúp nước

Theo thần tích và dã sử, đệ nhị cung phi của Mai Hắc Đế là Phạm Thị Uyển, quê ở trang Thọ Xương, quận Nam Xương (nay thuộc Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội), cha là Phạm Huyên còn gọi là Phạm Khuyên, hiệu Minh Dực, mẹ là Phùng Thị Thảo, hiệu Diệu Hoa và là chị gái của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, người xứ Đường Lâm (nay thuộc TX. Sơn Tây, Hà Nội).

Gia đình ông Phạm Huyên giàu có, sống nhân đức, ưa làm việc thiện, nhưng chỉ hiềm một nỗi mãi chưa có con. Hai vợ chồng ngày đêm lễ bái cầu xin trời Phật rủ lòng thương ban cho mụn con. Truyền rằng, một đêm, họ cùng nằm mộng thấy một vị thần mặc giáp sắt, đội mũ đồng, lưng đeo đai sắt, chân đi giày sắt, tay cầm long bài, quỳ trước sân mà nói rằng:

- Lòng thành của vợ chồng người đã thấu đến thiên đình, ta vâng lệnh báo cho biết, Ngọc Hoàng Thượng đế có sắc xuống cõi Nam, ban cho một gái, hai trai để giúp dân, giúp nước.

Nói xong vị thần biến mất. Tỉnh dậy hai vợ chồng đều ngạc nhiên, vui mừng. Từ đấy bà Phùng mang thai, một năm sau thì trở dạ sinh ba: một gái hai trai. Người con gái cả được đặt tên là Phạm Thị Uyển, hai người con trai tên là Phạm Huy và Phạm Miễn. Khi họ lớn lên, con gái mắt phượng, mày ngài, nổi tiếng xinh đẹp, nết na, có tài võ nghệ; con trai khôi ngôi, tuấn tú, giỏi cung kiếm.

Nguoi vo kiet liet cua Mai Hac De
Nữ tướng diệt giặc (Tranh minh họa)

 Duyên chồng vợ trong cuộc đao binh

Căm giận ách đô hộ của giặc Đường, năm Giáp Dần (713), Mai Thúc Loan người làng Mai Phụ, xứ Thiên Lộc, thuộc Hoan Châu (nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi ngoại xâm, giành lại nền độc lập, xưng hiệu Mai Hắc Đế. Sách Việt giám thông khảo tổng luận thời Hậu Lê ca ngợi: “Mai Hắc Đế nổi lên từ châu Hoan, căm giận ngược chính của Sở Khách, cất quân để đánh, phía Nam giữ đất Hải Lĩnh, phía Bắc chống lại nhà Đường, có thể gọi là bậc vua hào kiệt”.

Trong số các anh hùng, nghĩa sĩ ứng nghĩa, có ông ngoại của chị em Phạm Thị Uyển là Phùng Hạp Khanh hào trưởng đất Đường Lâm. Khi Mai Thúc Loan ra đánh phủ đô hộ của giặc, ông cùng nhiều hào kiệt xứ Bắc đem thuộc hạ tiếp ứng, hạ thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay).

Qúy trọng người anh hùng đã cứu đất nước thoát khỏi ách nô lệ, Phùng Hạp Khanh đã đem cháu gái gả cho Mai Thúc Loan. Lúc đó Phạm Thị Uyển vừa tròn 18 tuổi.

Tuy nhiên có thuyết nói, Phạm Thị Uyển trở thành vợ Mai Thúc Loan vài năm trước khi khởi nghĩa bùng nổ. Ngoài việc vận động các lực lượng xướng nghĩa, Mai Thúc Loan còn cho con trai, con gái làm dâu, làm rể những nhân vật có thế lực… Việc ông cầu hôn, xin hỏi cưới Phạm Thị Uyển vừa là mến tài, mến sắc của bà; đồng thời cũng là một cách để tăng cường mối liên kết với hào trưởng, thủ lĩnh các địa phương, vùng miền.

Về nhà chồng, Phạm Thị Uyển cùng với vợ cả của Mai Thúc Loan là Đinh Ngọc Tô chung vai gánh vác, lo toan chia sẻ niềm vui, nỗi lo với ông. Vốn là người có chí khí, văn võ song toàn, am hiểu binh thư, sách lược đánh trận, bà thường bàn luận giúp việc cơ mật cho chồng.

Nguoi vo kiet liet cua Mai Hac De
Tượng nữ tướng Phạm Thị Uyển (Hình minh họa)

Lẫm liệt hi sinh vì xã tắc

Sau thắng lợi, vương triều Mai thành lập và tồn tại đến năm Nhâm Tuất (722) thì nhà Đường sai Dương Tư Húc đem hơn 30 vạn quân kéo sang xâm lược. Qua nhiều trận đánh, vì yếu thế, Mai Hắc Đế định rút hết quân về Hoan Châu, riêng đệ nhị cung phi Phạm Thị Uyển làm vậy thì giặc sẽ thừa thế truy kích, tạo sự bất lợi cho ta, vì thế bà tình nguyện ở lại chặn giặc.

Là người giỏi thủy chiến, Phạm Thị Uyển đem binh thuyền bày trận trên sông Tô Lịch, khi đó còn là một nhánh lớn của sông Hồng và án ngữ phía tây thành Tống Bình. Trong trận quyết chiến ác liệt ở đây, dù chiến đấu dũng cảm nhưng do chênh lệch lực lượng nên quân ta tan vỡ. Thế cùng lực kiệt nhưng quyết không để rơi vào tay giặc, Phạm Thị Uyển cùng số ít binh tướng còn lại đã nhảy xuống sông tự vẫn, hôm đó là ngày rằm tháng 7 năm Nhâm Tuất (722).

Thi hài bà theo dòng nước trôi đến trang Nhân Mục, tục gọi là Kẻ Đáy (nay là thuộc phường Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) thì được nhân dân vớt lên chôn cất ở Gò Cát (còn gọi là Hàm Rồng) là bãi đất cao nhô ra trên bờ sông Tô. Sau này nhân dân lập đền thờ phụng tôn gọi là Ả Đại Nương, đến thời Hậu Lê, triều đình ban sắc phong bà là Khiêm Sung đại vương.

Người đời sau lập đền thờ phụng, tôn ba chị em bà Phạm Thị Uyển làm Thành hoàng để ghi nhớ ơn đức những người anh hùng trong cuộc đấu tranh chống ngoại bang xâm lược thời Bắc thuộc.

 Lê Thái Dũng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI