Người Việt sẵn sàng chi 2 tỷ đồng mua chiếc đèn sản xuất thủ công từ Ý

29/06/2018 - 06:40

PNO - Ngành nội thất tại Việt Nam được xem là "miếng bánh béo bở" đối với nhiều nhà đầu tư ngoại, khi tư duy "ăn chắc mặc bền" của người dân đang dần thay đổi.

Thị trường nội thất – ngon nhưng khó "nuốt"

Theo khảo sát vừa công bố của công ty Concetti – Công ty chuyên nghiên cứu và tư vấn chuyển giao công nghệ hàng đầu về thị trường nội thất của Việt Nam, trong năm 2017, đối với các sản phẩm nội thất trong nhà thì hầu hết được nhập khẩu từ Trung Quốc (chiếm khoảng 65 triệu USD), theo sau là Malaysia và Ý.

Đối với nội thất bên ngoài, Trung Quốc vẫn dẫn đầu với khoảng 217 nghìn USD, Ý đứng vị trí thứ 2 với 65 nghìn USD. Tương tự các sản phẩm chiếu sáng hầu hết cũng được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore.

Nguoi Viet san sang chi 2 ty dong mua chiec den san xuat thu cong tu Y
Nội thất Ý được đánh giá sang trọng và tinh tế. Ảnh: Visionnaire

Con số này đang cho thấy một thực tế, nội thất nhập khẩu đang dần lấn sân sản phẩm trong nước. Trong đó, ngoài các mặt hàng từ Trung Quốc, khách hàng vẫn hướng đến những sản phẩm có giá trị cao và chấp nhận chi ra một khoản tiền đắt đỏ để tiếp cận với những sản phẩm có thẩm mỹ mới mẻ.

Xét riêng về Ý, một trong những quốc gia đang có ý định "tấn công" mạnh mẽ thị trường nội thất tại Việt Nam, cũng nhận định đây là thị trường tiềm năng và là đích nhắm thời gian tới. Bằng chứng là có hàng loạt thương hiệu nội thất lâu năm đã “lấn sân” và đang dần chiếm lĩnh thị trường “hạng sang” như: Moroso, B&B Italya, Kattell, Cappellini,…

Điều này cho thấy, thị hiếu người Việt đang có sự chuyển dịch lớn, trong đó, các sản phẩm nội thất châu Âu, cổ điển, mang màu sắc vintage từ chất liệu đến thiết kế… được lòng phần đông khách hàng.

Ông Phạm Tú - đại diện Hiệp hội Kiến trúc sư TP.HCM cho hay, qua tìm hiểu thị hiếu ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung thì phong cách cổ điển và hiện đại của Ý chiếm một tỷ trọng cao trong thị hiếu chung.

Trong báo cáo thị trường Thương vụ Ý tại Việt Nam (ITA) trình bày trong Hội nghị xúc tiến Thương mại của Ý tại Việt Nam cho thấy, trong vòng 3 năm qua nhập khẩu đồ nội thất tại Việt Nam tăng trưởng trung bình khoảng 33%.

Trong các quốc gia xuất khẩu đồ nội thất vào thị trường Việt Nam, Ý đứng nhất trong nhóm các nước châu Âu và thứ 3 toàn cầu, chiếm 7% thị trường.

Cũng theo vị đại diện Hiệp hội kiến trúc sư TP.HCM, nhiều hạng mục công trình mà ông biết tại Việt Nam dùng những sản phẩm cao cấp của Ý, có những sản phẩm trang trí lên đến giá trị hàng tỷ đồng, đó cũng là “món ngon” béo bở mà các doanh nghiệp Ý không thể làm ngơ.

“Chúng tôi từng lắp đặt cho nhà đầu tư tại Việt Nam một chiếc đèn xuất xứ từ Ý. Điều đáng nói, họ sẵn sàng chấp nhận chi gần 2 tỷ đồng cho một chiếc đèn được sản xuất thủ công. Điều này chứng tỏ rằng người Việt có gu thẩm mỹ cao và có cảm tình với các thiết kế thủ công của Ý”, vị này cho biết.

Bà Valeria Sotera - đại diện Hiệp hội đồ gỗ, gỗ xốp, nội thất và sản xuất đồ nội thất Ý (FLA) chia sẻ tại Hội nghị xúc tiến Thương mại của Ý tại Việt Nam cũng nói thêm, việc doanh nghiệp của Ý đưa sản phẩm vào Việt Nam đang là một trong những mục tiêu và nhu cầu thực tế của thị trường.

Tuy nhiên, theo khảo sát, chỉ 1 – 2% khách hàng chịu chấp nhận bỏ tiền cho các thiết kế nội thất đắt tiền của Ý, sau khi nhập khẩu vào Việt Nam. Thay vào đó, chủ yếu là mua các mặt hàng nội thất từ Trung Quốc, Hồng Kông…

“Mục đích của hiệp hội Ý là tìm hiểu thị trường, tìm hiểu xem nhu cầu thị trường có thực sự lớn, tiềm năng hay không để họ đầu tư về sự hiện diện thương mại. Từ đó, chúng tôi tìm nhà đại lý phân phối hàng hóa, đáp ứng nhu cầu cho người có nhu cầu, tầm 1 – 2% sẽ mua sản phẩm này”, bà Valeria Sotera - đại diện FLA nói.

Cũng theo đại diện của hội Kiến trúc sư TP.HCM, ông không phủ nhận những giá trị nghệ thuật, độ tinh xảo của hàng nội thất nhập khẩu. Tuy nhiên, giá thành vẫn còn là một hạn chế lớn đối với hàng nội thất nhập khẩu đến tay phần đông người tiêu dùng Việt. Điều này cũng là lý do mà các thiết kế nội thất nhập từ Trung Quốc được chuộng và chiếm tỷ suất cao trong tổng giá trị nhập khẩu nội thất mỗi năm.

“Đây không phải là cơ hội dành riêng cho những thương hiệu lớn của Ý, mà tôi nghĩ rất nhiều doanh nhân, nhà kinh tế Ý cũng đang tận dụng khai thác nhu cầu lớn tại TP.HCM và Hà Nội - trong bối cảnh mà chúng ta thấy Châu Á, đặc biệt là Việt Nam đang có xu hướng mua rất nhiều các sản phẩm nội thất cao cấp”, ông Nguyễn Chánh Phương - đại diện Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM khẳng định.

Đau đầu vì hàng nhái từ Trung Quốc

Trong báo cáo mới nhất của công ty Concetti, cả nước chỉ nhập khẩu đồ nội thất dưới 70 triệu đô la Mỹ/năm, trong đó hàng Trung Quốc chiếm số lượng lớn. Điều này cho thấy, nhu cầu về nội thất của khách hàng Việt đang có sự chuyển dịch và các sản phẩm quốc tế vẫn có nhiều chỗ đứng.

Và không chỉ cạnh tranh về thị trường xuất khấu, Trung Quốc cũng là một trong những nước đang đối đầu trực tiếp với các doanh nghiệp Việt để tiêu thụ sản phẩm nội thất trong nước.

Nguoi Viet san sang chi 2 ty dong mua chiec den san xuat thu cong tu Y
Nhiều thiết kế của Việt Nam đang hướng theo phong cách Ý.

Ưu điểm lớn nhất của các sản phẩm ngoại nhập đó là mặt hàng đa dạng, phong phú, chất liệu mới lạ… Đặc biệt, một số thương hiệu quốc tế vẫn chấp nhận “may đo” theo sở thích của khách hàng. Điều này khiến thị trường nhập khẩu nội thất tại Việt Nam ngày càng trở nên sôi động, có tính cạnh tranh tốt.

Thế nhưng bên cạnh đó, sản phẩm nội thất của Trung Quốc “ăn điểm” ở giá thành và mẫu mã thì lại vấp phải nhiều vấn đề về chất lượng. Trong số các sản phẩm nội thất trên thị trường, hàng nội thất của Trung Quốc được nhiều người lựa chọn do giá rẻ, bất chấp vẫn biết chất lượng sản phẩm không cao, tuổi thọ của nhiều sản phẩm chỉ 2 - 3 năm. Trong khi đó, các mặt hàng cao cấp từ châu Âu có giá thành cao ngất ngưởng… lại đối mặt với nhiều vấn nạn làm giả, làm nhái từ Trung Quốc.

Bà Valeria Sotera cũng thừa nhận, vấn đề đau đầu mà các doanh nghiệp từ Ý phải đối mặt đó là vấn nạn làm giả, nhái các sản phẩm mà điển hình là hàng kém chất lượng xuất xứ từ Thượng Hải, Trung Quốc. Hiện tại, phía Ý đang làm việc khá gắt gao với các công ty của Trung Quốc để xác nhận quyền sở hữu trí tuệ. Thế nhưng, vẫn còn một số khó khăn trong quá trình thỏa thuận và giải quyết.

“Chuyện làm nhái, giả các sản phẩm của Ý hiện tại là rất nhiều, không thể phủ nhận. Tuy nhiên, điều này không ngăn được doanh nghiệp Ý vẫn đến và bán các mặt hàng của họ tại thị trường đó, đơn giản vì lượng khách hàng tiềm năng quá lớn. Cho nên họ vẫn tham gia và phát triển thị trường không ngừng.

Và cách mà chúng tôi bảo vệ sản phẩm trí tuệ đó là tốc độ phát triển mẫu mới rất nhanh. Và mẫu cũ bị đạo nhái thì cũng không sao cả. Đó là chiến lược dù không tối ưu nhưng là cách đơn giản nhất để khiến cho các công ty khác muốn làm nhái cũng mất một thời gian chật vật”, đại diện FLA khẳng định.

Nguoi Viet san sang chi 2 ty dong mua chiec den san xuat thu cong tu Y
Các doanh nghiệp Ý tìm hiểu thị trường Việt Nam, đánh giá cơ hội hợp tác sắp tới.

Ngoài ra, để phân biệt hàng giả và hàng thật thì phía Ý tổ chức chuyến gặp gỡ khách hàng, chia sẻ cho khách hàng cách phân biệt sản phẩm; đồng thời tổ chức thăm nơi xưởng sản xuất, đường tiêu thụ… cho các nhà phân phối để họ chia sẻ lại với khách hàng.

Bà Valeria Sotera - đại diện FLA cũng nói thêm: “Chúng tôi đã có khảo sát tìm hiểu thị trường Việt Nam. Rất bất ngờ là có rất nhiều doanh nghiệp ở cả Hà Nội và TP.HCM đã đưa các thương hiệu toàn cầu của Ý vào Việt Nam từ lâu lắm rồi và họ rất thành công. Thế nhưng, khi nói về nội thất của Ý thì không chỉ có những doanh nghiệp hàng đầu, cao cấp… mà còn có những thương hiệu trung bình và nhỏ - có thiết kế và chất lượng uy tín lâu đời. Đó cũng là lý do chúng tôi nhận định Việt Nam là khách hàng tiềm năng.

Tất nhiên trong thị trường kinh doanh thì luôn có lợi thế của kẻ đi đầu. Những doanh nghiệp thâm nhập thị trường từ ban đầu thì luôn có lợi thế về nhận diện. Sắp tới chúng tôi có cơ hội đa dạng thị trường, với những tên tuổi lớn và những công ty nhỏ hơn”.

Dù nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam nhưng phía các doanh nghiệp Ý vẫn chưa có ý định sẽ định đầu tư vào các doanh nghiệp, các công ty chế biến đồ gỗ Việt Nam để hợp tác sản xuất:

“Mặc dù tôi vẫn thừa nhận rằng, vẫn có một số ít các công ty họ chấp nhận di dời công ty sảng xuất sang nước khác, giảm giá thành sản phẩm để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng dễ hơn.

Thế nhưng, đặc trưng các sản phẩm thủ công của Ý chủ yếu đến từ các công ty gia đình, công ty cỡ nhỏ. Đặc thù sản xuất liên kết rất chặt chẽ với các công nghệ hỗ trợ. Cho nên họ không có chiến lược đưa gia công đến các nước. Với tư cách hiệp hội Ý thì tôi không trả lời được, nhưng nhắc lại là vẫn có một số ít công ty chấp nhận đưa dây chuyền về Việt Nam, nhưng chỉ là số ít”, bà Valeria Sotera – đại diện FLA chia sẻ.

Thái Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI