Khởi đầu từ hai bang phía đông là New South Wales và Victoria rồi lan sang Nam Úc và Tây Úc.Vụ cháy thiêu rụi hàng triệu hecta rừng, hàng tỉ thú hoang, nhiều loài cây quí tuyệt chủng. Hàng trăm ngàn dân cư mất nhà phải chạy giạt ra bờ biển để được di tản bằng tàu hải quân... Cả nước Úc hoảng loạn, ngay các thành phố lớn như Sydney và Melbourne cũng ngộp thở vì khói bụi làm không khí ô nhiễm trầm trọng. Những tuần lễ vừa qua mặt hàng bán chạy nhất là khẩu trang y tế! Trong tình hình chung như vậy chắc không ai có thể thanh thản ăn chơi tết nhất được rồi, cho dù nạn cháy chưa ảnh hưởng trực tiếp đến mình.
|
Quyên tiền ủng hộ nạn nhân cháy rừng tại một buổi hội chợ Tết của người Việt ở Melbourne - Ảnh: Chùa Quang Minh |
Nhưng với người Việt thì mối bạn tâm không chỉ có vậy. Công ăn việc làm khó khăn hơn rất nhiều do chính phủ Úc xiết chặt quản lý nền "kinh tế tiền mặt" vốn là thế mạnh của một bộ phận người Việt trong nhiều năm qua. Cụ thể một số ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nhất là công nhân trang trại (farm), dọn rửa vệ sinh (cleaning) công nhân xây dựng, sửa chữa (handy-man), dịch vụ bảo vệ (security)... vốn là những nghề hợp đồng thời vụ nhận thù lao tiền mặt. Nền kinh tế tiền mặt này tạo ra một số khó khăn về mặt quản lý xã hội như nơi ẩn náu an toàn cho những người cư trú bất hợp pháp, nơi trốn thuế cho những người vẫn nhận trợ cấp xã hội (Centre Link) nhưng mặt khác vẫn đi làm chui nhận tiền mặt. Bây giờ mọi chuyện khác đi nhiều lắm: thông qua giới chủ doanh nghiệp và các nhà thầu lao động, chỉ những người có khai thuế mới được nhận đi làm trong xí nghiệp, trang trại, công trường… và lương sẽ chi trả hoàn toàn qua tài khoản ngân hàng sau khi đã trừ thuế, tất nhiên!
Tóm lại cả về mặt môi trường sinh thái và kinh tế xã hội, không biết xứ sở này có còn là thiên đường hạ giới, nơi đáng sống nhất dưới con mắt một số khá đông người Việt nữa không?
|
Hoa mai giả bày bán ở chợ Footscray |
Bên cạnh hai mối lo âu đó, có một chút an ủi là Tết nguyên đán năm nay Mùng 1 tết rơi đúng vào ngày thứ bảy (25/1/2020). Nghĩa là dân ta được ăn tết thoải mái hơn so với mọi năm.Thường là tết âm lịch rơi vào ngày làm việc, công nhân và học sinh vẫn đi làm, đi học bình thường. Do vậy việc mua sắm, cúng quảy, ăn uống cũng cập rập cho có lệ mà thôi.
|
Dưa hấu - món không thể thiếu trong ngày tết |
Năm nay thì khác, không khí chuẩn bị nhộn nhịp, náo nức hơn những năm trước nhiều. Các siêu thị, cửa hàng, dịch vụ đen đặc người đi mua sắm. Món ăn đặc trưng ba miền cũng phong phú đầy đủ như các chợ trong nước, thậm chí hoa và trái cây có lẽ còn đa dạng và hấp dẫn hơn vì nơi đây hội tụ hoa, trái từ rất nhiều nguồn: trái cây từ Queensland, Tasmania… từ Việt Nam,Thái Lan, Trung Đông... nhập qua. Một số hoa đặc trưng tết của ta như cúc vạn thọ, mai vàng... cũng thấy bày bán rất bắt mắt, gợi nhớ thương về những cái tết ở quê nhà, nhưng dĩ nhiên giá không rẻ ! (khoảng 35AUD/chậu cúc vạn thọ, tương đương 550 ngàn đồng).
|
Hoa vạn thọ có giá khá đắt |
Khoảng một tháng trước tết, các cộng đồng người Việt ở đây đã tổ chức các hội chợ tết vào các ngày Chủ nhật. Ở Victoria có nhiều trung tâm đông người Việt sinh sống, các trung tâm này nằm rải rác xung quanh thành phố Melbourne trong bán kính từ 10 đến 30km, nên người ta tổ chức xoay vòng. Năm nay hội chợ tết sớm nhất tổ chức ở St Albans vào ngày Chủ nhật 5/1, tiếp đó là Footscray 12/1, lần lượt tới Springvale, Richmond, Noble Park... Nội dung chính diễn ra trong một ngày hội chợ cũng tương tự các hội chợ ở Việt Nam gồm có: các trò chơi dân gian có thưởng, các gian hàng ăn uống, quà vặt, giải khát, và hấp dẫn nhất là chương trình văn nghệ chủ yếu ca, múa được quảng cáo rầm rộ về sự có mặt của các nghệ sĩ đến từ Việt Nam và từ Mỹ. Người ta kéo nhau đi vui chơi đông đảo nhất là trẻ em, thanh niên và phụ nữ xuất thân từ nông thôn và tỉnh nhỏ ở quê nhà, vốn quen thuộc với loại hình hội chợ tết kiểu này.
|
Người gốc Việt đi lễ chùa vào ngày tết |
Một nét đặc sắc về tâm linh của người Việt trong những ngày tết là đi lễ chùa. Melbourne nổi tiếng có rất nhiều chùa, và nhiều chùa lớn, uy nghi và hoành tráng. Ở miền Tây, nổi tiếng có chùa Quang Minh, chùa Hoằng Pháp, chùa Phật Quang... Đêm giao thừa và suốt ngày Mùng 1 người đi lễ chùa đông nghìn nghịt. Trong một số cộng đồng người ta tổ chức những đoàn hành hương đi viếng 10 cảnh chùa trên khắp tiểu bang. Có người giải thích rằng người đi chùa đông đảo dịp tết để được đốt nhang cho thỏa thích, vì ở nhà riêng người ta hạn chế tối đa việc này. Nhưng nói như vậy có phần khinh xuất vì đã không đánh giá đúng niềm tín ngưỡng sâu xa của người dân Việt vốn đã thành truyền thống từ hàng ngàn năm.
Nhất Phương