Người Việt ở Ubon

13/08/2017 - 07:00

PNO - Đêm mưa tháng Bảy, Ubon như chìm trong nhạc nước. Những cơn mưa đêm bao giờ cũng day dứt nỗi buồn vọng cố hương.

Tháng Bảy, Ubon Ratchathani (gọi tắt là Ubon), một tỉnh lớn thuộc miền đông bắc Thái Lan có lễ hội nến (Candle festival) truyền thống mang đẳng cấp quốc tế. Đó cũng là dịp du khách đổ xô về đây để biết thêm một loại hình sinh hoạt văn hóa tâm linh, vừa để thưởng ngoạn những thắng cảnh đẹp như Vườn quốc gia Pha Taem, quần thể đá Sam Phan Bok hay ngắm nhìn dòng Maenam Song Si hai màu xanh - nâu.

Nguoi Viet o Ubon
 

Tôi đến Ubon từ cửa khẩu Chongmek ở biên giới Lào - Thái trên chiếc Dmax, 4 cầu. Ubon là điểm đến thú vị cho người Việt tìm về, nơi có hơn 5.000 đồng hương đang sinh sống tại khu Little Việt Nam (nông trường Srinarông) với một hệ thống các cửa hàng kinh doanh ăn uống mang hương vị quê nhà: phở, cơm, giò lụa… chạy dài hai 
bên đường. 

Gặp đồng hương nơi xứ người bao giờ cũng dâng trào cảm xúc. Những người Việt ở Ubon đều khá giả. Bà Lê Thị Mão, sinh năm 1947, người gốc Ý Yên, Nam Định, một trong những người giàu có nhất nhì khu vực đã không giấu niềm vui khi đón chúng tôi tại nhà. Trên tường, bà treo bức ảnh chụp một chiếc đại giò được hoàn thành trong 7 ngày 7 đêm và chuyển đi bằng chiếc xe tải 18 bánh là món quà sinh nhật mà cộng đồng người Việt ở Ubon tặng cho nhà vua  Thái Lan. Bà nói: "Đó là món quà thay lời cảm ơn chính quyền Thái Lan đã cấp hẳn cho người Việt khu Little Việt Nam này”. 

Bà Mão dẫn khách ra phía sau nhà, nơi sản xuất những chiếc giò chả đặc sản của Việt Nam. Bên chiếc tủ cấp đông to đùng chứa đầy giò chả chờ xuất đi khắp Thái Lan là những chiếc thau inox chứa thịt, mỡ, những chồng lá chuối xếp cao… Từ 3 giờ sáng, bà đã thức dậy để chỉ huy nhóm thợ làm với năng suất 1.000 cây/ngày (loại 0,5kg/cây) mang lại thu nhập cho hàng trăm lao động Việt, góp phần đẩy thương hiệu “Giò bà Mão ở Ubon” và của 50 cơ sở giò chả trong khu vực có mặt khắp Thái Lan. 

Ông Minh, cựu chủ tịch Hội người Việt ở Ubon cho biết: Ngoài 50 hộ liên kết giữ gìn nghề giò lụa truyền thống, ở đây còn có hệ thống 9 quán phở Việt đậm hương Hà Nội của gia đình bà cụ Lê Thị  Hản; là chuỗi trạm bảo trì ôtô đời mới của gia đình ông Lê Văn Hinh, là công ty xây dựng cầu đường SP lớn nhất vùng đông bắc Thái của vợ chồng bà Trần Thị Minh Nhuận. Bà Nhuận tâm sự: "Chúng tôi luôn hướng về Tổ quốc. Lễ tết hay cưới hỏi, giỗ chạp... bà con cũng quây tụ lại để cùng hàn huyên, lắng nghe tiếng mẹ đẻ ở quê nhà. Điều đó đã như một tiền lệ mà mỗi Việt kiều nơi đây cố gìn giữ cho thế hệ con cháu".

Quán ăn của bà Lê Thị Hản, tuy không đủ lớn nhưng cuộc gặp mặt giữa bà con Việt kiều và nhóm khách Việt mới qua cũng không vì thế mà bớt vui. Ngay khi tiếng hát song ca của hai cụ ông Nguyễn Quý và Lê Quang đến từ TP.HCM, cất lên, bà Hản cũng bước ra sàn để “te” một điệu múa lăm vông truyền thống của người… Lào! Đêm mưa tháng Bảy, Ubon như chìm trong nhạc nước. Ngồi trong quán bà Hản nhìn xuyên lớp kính là ánh đèn đường lấp lánh, tôi như nghe thoảng mùi hoa ngâu ở xứ mình bay sang. Những cơn mưa đêm bao giờ cũng day dứt nỗi buồn vọng cố hương…

Người ta thường đến Ubon để thưởng ngoạn danh thắng từ bảo tàng quốc gia, công viên thành phố hay những pho tượng Phật sáp được chạm khắc tinh xảo và cũng có thể họ hiếu kỳ muốn nhấm nháp các món ăn vặt đặc trưng của người Thái Isaan như: gai yang (gà nướng xiên), laap pet (vịt trộn ớt và tiêu) hay món som tam (đu đủ xanh trộn)… “Nhưng nếu là người Việt Nam, thì sức quyến rũ thành phố hoa sen (*) này còn là tiếng gọi cộng đồng người Việt xa quê”, bà Nhuận nói. 

(*) Biểu tượng của thành phố Ubon là hoa sen

Nguyễn Thiện 

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI