Người khổng lồ Mỹ không bước vào cuộc chiến bằng các mệnh lệnh hành chính mà theo luật, khoản chi có thể lên đến 50 tỷ USD từ quỹ liên bang sẽ được sử dụng cho các hoạt động chống dịch. Tình trạng khẩn cấp quốc gia cho phép chính phủ liên bang cung cấp mọi viện trợ cho các bang, thành phố, bệnh viện; thậm chí cả các công ty và cá nhân để phòng chống dịch; cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp cho mọi công dân.
|
Khu bán giấy vệ sinh trong siêu thị Costco đã không còn một cuộn |
Tình trạng này cũng cho phép tạm bỏ qua một số quy định khắt khe của các chương trình bảo hiểm y tế; cho phép cung cấp dịch vụ y tế từ xa, xóa bỏ một số quy định cấp phép để bác sĩ có thể hành nghề ở các bang khác; xóa bỏ giới hạn về khả năng tiếp nhận bệnh nhân của các bệnh viện, xóa bỏ thời gian quy định thông thường về việc cấp phép cho nghiên cứu sản xuất vắc-xin và dụng cụ xét nghiệm…
Chính phủ cũng đạt được thỏa thuận với các công ty bảo hiểm về việc xét nghiệm và chữa trị miễn phí cho toàn bộ những người nhiễm và nghi nhiễm vi-rút. FDA đã nhanh chóng phê chuẩn bộ test của hãng Roche, cho kết quả nhanh gấp 10 lần bộ test do FDA phát triển để xét nghiệm vi-rút Corona. Mỗi tháng, Roche có thể sản xuất hàng triệu bộ test này. Các công ty bán lẻ như Walmart, Walgreens, Target… cam kết hỗ trợ địa điểm xét nghiệm tại các bãi đậu xe của họ, giúp mọi người ở mọi nơi có thể tiếp cận nhanh và dễ dàng nhất với việc xét nghiệm.
|
Người Mỹ đổ xô đi mua nước uống |
Kết quả các nỗ lực của chính phủ có thể nhìn thấy tức thì. Tuần lễ trước khi tình trạng khẩn cấp được tuyên bố, sự hoang mang của người dân đã khiến sàn chứng khoán Mỹ đỏ lòm. Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump, tất cả bật xanh lên ngay. Nhưng…
Đã là người thì chẳng ai không sợ dịch bệnh. Chính phủ chống dịch… cứ chống, người dân lo âu cứ… lo. Mặc những khuyến cáo, tình trạng gom vét hàng hóa trong siêu thị diễn ra khắp nước Mỹ, đặc biệt là các khu vực đông dân châu Á. Đây là cơn dịch lây lan còn “chóng mặt” hơn cả “con” Corona, tác động dây chuyền từ dân châu Á sang các sắc dân khác ở Mỹ.
Riêng tại chốn tương đối thanh bình như San Diego County, CA, nơi người viết bài đang sống, cũng rối lên suốt 2 tuần qua. Các cửa hàng đã bắt đầu bán hạn chế một số mặt hàng, cụ thể nhất là giấy vệ sinh và nước đóng chai, mỗi người chỉ được mua tối đa 2 lốc. “Cứ điểm” đầu tiên “thất thủ” là hệ thống Cotsco, ông lớn số một nước Mỹ về việc bán lẻ hàng hóa tiêu dùng theo giá sỉ. Mua hàng của Cotsco bao giờ hóa đơn cũng nhẹ hơn vài phần trăm so với các nơi khác, nên đây là nơi đầu tiên rơi vào tầm ngắm của những anh “lo xa, lo sớm”.
|
Thông báo nghỉ học mà tác giả nhận được qua email |
Dân châu Á nói chung và người Việt ở Mỹ nói riêng chủ yếu gom gạo, nếp, mì gói, giấy vệ sinh, đồ khô… Khi các kệ hàng này ở Cotsco sạch sẽ, “chiến cuộc” lan sang chuỗi cửa hàng Walmart, Food 4 Less; thậm chí đến chuỗi cửa hàng 99 cent cũng không thoát, vì đó là nơi những người chậm chân còn có thể tìm thấy được một ít giấy vệ sinh. Chính người viết bài, nhờ mò vào cửa hàng 99 cent mà “hốt hụi chót” được ít cuộn giấy phục vụ nhu cầu “khó nói” của đứa cháu ngoại mới vài tháng tuổi.
Dân Mỹ chính hiệu rơi vào thế phải “lên đồng” theo cộng đồng gốc Á vì chưa bao giờ họ gặp cảnh đến… cuộn giấy vệ sinh cũng không mua được. Người Mỹ mua gom theo… kiểu Mỹ, ưu tiên số một chỉ là giấy vệ sinh và nước đóng chai. Nhiều người loay hoay mấy tiếng đồng hồ chen lấn xếp hàng, khi ra về mặt mũi hớn hở như bắt được vàng, mà chỉ thấy trên xe đẩy vỏn vẹn mấy cuộn giấy vệ sinh! Cũng đúng thôi. Không cố mua thì không có để xài. Còn thực phẩm thì cứ ăm ắp trên các kệ, chẳng ai quan tâm. Hình như dân Mỹ không sợ đói!
Hai mặt hàng khác, đương nhiên cũng “sạch sẽ” trong mùa dịch là khẩu trang và nước rửa tay. Miễn bàn! Vậy mà ngộ. Ở San Diego này, ra đường chẳng thấy ai đeo khẩu trang cả.
Nghe ngóng từ những người chen vai mua hàng, hóa ra chuyện ai cũng lo, cũng cho là lạ không hề là chuyện con vi-rút trùng tên với một nhãn hiệu bia, mà lại là chuyện mười mấy năm qua, dân San Diego chưa từng thấy: kẹt xe, kẹt người ở các cửa hàng. Vào parking của cửa hàng nào cũng phải chạy loanh quanh vô số vòng vẫn không tìm ra chỗ đậu xe, phải “rình” có người vừa lùi xe ra khỏi chỗ đậu là lủi vào ngay, không nhanh là “thằng” khác tranh mất chỗ.
Ngày thường, hàng trăm cái xe đẩy nằm chờ khách thành hàng dài trước cửa cửa hàng; giờ muốn có xe đẩy để vào mua hàng phải “canh me” ngay cửa, đợi có người mua sắm xong, đẩy xe hàng ra là bám theo… mục tiêu, đến tận bãi đậu xe lên tiếng “xí phần”, đợi “người cũ” chuyển hàng vào thùng xe xong là chớp ngay cái xe đẩy. Chỉ nội cái “vòng gửi xe” thôi nay đã tốn cả đống thời gian.
Không chỉ các cửa hàng bị mua gom trực tiếp, các trang bán hàng online của Amazon, Cotsco, Walmart… cũng bị vét sạch. Giờ thì đố ai tìm được giấy vệ sinh (cả khô lẫn ướt, cả thứ dành cho người lớn lẫn em bé) còn bán online. Hôm 13/3, mới 30 phút trước con gái tôi còn thấy khăn giấy ướt dành cho baby trên trang bán hàng của Walmart, dù giấy vệ sinh tất nhiên đã “vườn không nhà trống”, phân vân chưa biết có nên mua thêm không, 30 phút sau quyết định mua, vào đặt hàng thì đã… “không còn gì nữa rồi”, đành ôm cục tức vì chậm tay.
Nỗi âu lo mang tên “giấy vệ sinh” thậm chí lan tỏa vào tận những group nhỏ trên Facebook. Trong một group mang tính địa phương của những người “hàng xóm” mà tôi đang tham gia, có người đã đau khổ kêu gọi các “neighbor” ai có dư giấy vệ sinh thì chia lại một ít vì không còn để xài, mua không nơi nào còn bán. Chuyện nhỏ hóa “đại sự”, tất cả chỉ vì thiên hạ “lo bò trắng răng”. Các nhà máy giấy vẫn hoạt động bình thường, cầu tăng đột biến thì tạm hụt nguồn cung; vài bữa lại bán đầy, chẳng ai thèm mua. Thứ đó mà ai đã gom một đống thì xài đến… tết Congo.
Chuyện trường học khỏi phải nói. Các trường phổ thông và đại học từ vài tuần trước đã lai rai cho học sinh nghỉ. Giờ tất cả học sinh đều nhờ “cô Vy” mà được ở nhà ngủ thoải mái. Trường cộng đồng tôi đang lọ mọ học Anh văn cũng vừa cho đám học sinh… già tạm nghỉ 3 tuần chờ thông báo mới. Tội nghiệp cô giáo, cẩn thận điện thoại cho từng học viên, nhắc nhở chuyện tự học ở nhà, chuyện đăng nhập vào tài khoản cá nhân để học online, đừng quên check mail cô giáo gửi để nhận bài và chờ có thông tin… đi học lại. Đã lên chức ông ngoại mà được nghỉ học tôi vẫn sướng như con nít.
Chính quyền khuyến cáo người dân không đến những nơi đông người trừ trường hợp cần thiết và buộc các khu vui chơi phải tạm ngưng hoạt động. Nhà hàng cũng chỉ phục vụ 50% khách để đảm bảo khoảng cách an toàn…
Tuy nhiên, nhìn đi nhìn lại, có cảm giác như dân Mỹ ngoài chuyện bị tác động buộc phải mua hàng dự trữ, có vẻ họ chẳng e ngại mấy với vi-rút Corona. Lo chống dịch là chuyện của… chính phủ! Chuyện của dân đơn giản chỉ là làm theo khuyến cáo từ chính quyền. Còn việc cách ly? Đơn giản thôi. Cứ tự cách ly ở nhà. Ai bị yêu cầu cách ly là tự cách ly nghiêm túc ở nhà, chẳng cần giám sát. Mà dù anh có muốn đi làm, nơi làm việc của anh cũng cấm cửa.
Suy cho cùng, để chiến thắng dịch bệnh, song song với những nỗ lực thật sự của chính quyền, ý thức tự giác của từng người dân là cực kỳ quan trọng. Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ nước Mỹ là thiên đường nhưng với những gì tôi biết, xóm nhà tôi dù cũng dự trữ theo phong trào, chẳng ai lo lắng thái quá. Bởi nếu có cái gọi là ngày tận thế như một vài blogger đang tán nhảm thì có chạy trời cũng không khỏi nắng.
Cứ yên tâm mà sống vậy!
Ngô Vũ (từ San Diego County, Mỹ)