Người Việt ở Melbourne dựa vào nhau vượt qua đại dịch

06/04/2020 - 17:23

PNO - Chị Nguyễn Bảo Châu (Melbourne, Úc) đã ghi nhận nhiều câu chuyện xúc động về tình người để cùng vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Chị cho biết: "Nay đã là ngày thứ 7 chúng tôi gửi những túi thực phẩm đến trước cửa nhà các gia đình người Việt ở Melbourne này".

Câu chuyện 1: Bác 70 tuổi, bảo bác bị bệnh không đi ra ngoài được. Nghe nói được phát gạo miễn phí không biết bác có được không. Nếu bác không nằm trong diện được phát thì con mua gạo giúp bác được không. Bác thèm ăn gạo dẻo Việt Nam mà bác đi 5 cái shop rồi không chỗ nào có. Chân bác đau quá!

Hương vị quê nhà không thể nào đánh đổi. Tôi có hứa với bác sẽ cố gắng, nếu thấy gạo ấy thì mua giùm bác.

Rau củ tươi xanh đươc
Đây là món quà chan chứa tình cảm của người Việt tại Melbourne

Câu chuyện 2: “Hi cô Châu, con là du học sinh, hiện tại đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19, con thấy cô có cho gạo ạ, cô cho con xin đăng ký một bao được không? Nếu hiện tại hết rồi thì không sao ạ, con cảm ơn cô nhiều!”.

Xin gạo là một sự khó khăn đối với em ấy, lòng tự trọng không cho phép em nài nỉ.

Câu chuyện 3: “Con ơi nhà cô tới bốn người. Toàn bị mất việc hết”.

Tôi định mang cho cô hai bao gạo vì thấy nhà bốn người, nhưng cô kiên quyết lấy một bao, nếu hết cô sẽ xin thêm, để người khác còn có gạo. Thật cảm kích tấm lòng người khó khăn vẫn muốn nhường cho người khác khó hơn mình.

Câu chuyện 4: Em là mẹ đơn thân nuôi con nhỏ. Em xin hỗ trợ từ những ngày đầu. Lúc đó chưa có nhiều tiền từ mạnh thường quân nên tôi chỉ hỗ trợ được 5kg gạo và ít đồ. Sau khi có thêm gạo, tôi nhắn em ấy lấy thêm nhưng em từ chối, nói khi nào em hết em sẽ xin, để các mẹ khác còn có gạo.

Đó là những câu chuyện diễn ra mỗi ngày đối với tôi trong hơn một tuần qua. Trước khi Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết sẽ không hỗ trợ người nước ngoài tại Úc, nghĩa là những người không có quốc tịch Úc sẽ không nhận được được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chính phủ, rất nhiều người Việt ở Melbourne đã mất việc làm. Cũng trước thời điểm đó, chúng tôi đã biết mình sẽ phải tự bảo bọc lấy nhau.

Người Việt ở đây, nhiều người làm nail, phục vụ nhà hàng… các cơ sở dịch vụ này đều đóng cửa khi dịch bệnh bùng phát và Úc phong tỏa thành phố. Công việc về chăm sóc sắc đẹp của tôi cũng phải ngừng. Trong khi đó, ai cũng phải nuôi con, tiền ngân hàng vẫn phải trả… khó khăn thật sự chồng chất.

Tôi đã tự hỏi, họ sẽ ra sao? Tôi cũng không khá giả, nhưng ít nhất có thể cầm cự được hai tháng, nếu sau đó thành phố vẫn phong tỏa, chính tôi cũng không biết mình sẽ ra sao... Tuy nhiên, ít nhất tôi còn có thể cầm cự được hai tháng, còn nhiều người khác thì không thể. Gia đình họ cũng không ở gần để có thể giúp đỡ.

Chúng tôi chia nhau ra, người mua hàng, người đóng gói, người giao hàng… Đó là gạo, mì, dầu ăn, rau củ quả, sữa, tã em bé… những thứ thiết yếu nhất. Chúng tôi cũng kêu gọi các phụ nữ Việt, ai có thể may khẩu trang xin hãy bắt tay ngay, để tặng cho nhau và tặng cho lực lượng y tế địa phương.Tôi và vài người bạn bắt đầu lên danh sách những người mình biết, đồng thời kêu gọi, tìm kiếm các du học sinh, các bà mẹ Việt trên mạng xã hội.

“Bất kỳ ai cần giúp đỡ hoặc biết có người cần giúp đỡ, xin hãy liên lạc với chúng tôi”, chúng tôi đã bắt đầu như thế, trên fanpage Mẹ Việt ở Úc, với suy nghĩ sẽ cố gắng giúp họ có thể cầm cự được một tháng.

Sau khi lên danh sách, chúng tôi mang đồ đến địa chỉ họ cần, nhưng chỉ đặt trước nhà, tránh tiếp xúc.

Thật xúc động khi có rất nhiều người liên lạc với chúng tôi, đề nghị được chung tay, góp một chút kinh phí để cùng nhau vượt qua mùa dịch. Có người, từ chỗ thắc mắc khi thấy chúng tôi mua gạo với số lượng lớn, đã ủng hộ nhóm đến cả trăm ký gạo, có người góp cả tấn gạo, hàng trăm thùng mì gói…

Danh sách người Việt cần giúp đỡ ngày càng dày. Chúng tôi “tập kết” gạo tại một địa điểm cố định, để ai có thể thì đến lấy, còn ai không thể chúng tôi sẽ giao nhận nhà. Nhóm chúng tôi những ngày này, ai cũng như con thoi chạy đi chạy lại, nhưng không hề thấy mệt, chỉ thấy ấm lòng khi bên cạnh chúng tôi có rất nhiều người sẵn lòng chung tay, góp sức, góp quà…

Nguyễn Bảo Châu (từ Melbourne, Úc)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI