Người Việt mình sao kỳ quá!

13/09/2018 - 06:07

PNO - Qua những tranh cãi liên quan đến sách “Tiếng Việt lớp 1- Chương trình Công nghệ giáo dục” và tác giả là Giáo sư Hồ Ngọc Đại tôi thấy nhiều người Việt chúng ta sao kỳ quá. Dường như họ đang mâu thuẫn với chính mình.

Nói thật là tôi phát hoảng với những tranh luận liên quan đến sách “Tiếng Việt lớp 1- Chương trình Công nghệ giáo dục” trong những ngày qua. Tôi thấy thương cho bộ sách và tác giả là Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Sự việc cho thấy trong nhiều người Việt chúng ta đang mâu thuẫn với chính mình.

Nguoi Viet minh sao ky qua!
GS Hồ Ngọc Đại và sách Công nghệ giáo dục.

Chẳng phải là từ lâu chúng ta đã và đang đả phá sự “độc quyền” và đòi hỏi phải có nhiều bộ sách giáo khoa để phụ huynh học sinh, thầy cô giáo và nhà trường có thể lựa chọn được những bộ/ quyển hay nhất! Nhưng chuyện ấy vẫn còn xa vời khi việc biên soạn bộ sách giáo khoa mới sắp ra đời cũng vẫn dưới sự độc quyền của Bộ GD-ĐT và Nhà xuất bản Giáo dục.

Do vậy, bộ sách mang tên Công nghệ giáo dục do một nhóm tác giả biên soạn (đứng đầu là Giáo sư Hồ Ngọc Đại) thật có ý nghĩa khi nó được xem là bộ sách giáo khoa thứ hai bên cạnh bộ sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT. Đây sẽ là tiền đề để xoá bỏ độc quyền, mở đường cho nhiều bộ sách giáo khoa ra đời trong tương lai.

Nguoi Viet minh sao ky qua!
Quyển sách Công nghệ giáo dục đang bị dư luận "ném đá"

Ấy vậy mà chính chúng ta lại không tiếc “gạch đá” để “ném” vào cái mầm hy vọng ấy. Phải chăng, do sống trong cơ chế “độc quyền sách giáo khoa” quá lâu nên khi bộ sách mới xuất hiện chúng ta liền phản ứng kiểu: “Trời đã sinh Chu, sao còn sinh Lượng”!

Cả một bộ sách từ lớp 1 đến lớp 12 với bao nhiêu kiến thức, môn học, bài học, tương ứng với nó là nhiều phương thức dạy học. Vậy mà chúng ta chỉ coi mỗi cái clip nhìn hình đọc chữ - bài học đầu tiên của quyển Tiếng Việt lớp 1- rồi đem chế giễu cả bộ sách. Tiến sĩ Đàm Quang Minh (Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ) nói rằng, nhiều người đã hiểu nhầm về phương pháp đánh vần của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Theo ông Minh, việc lấy một góc, một trang sách hay một clip để đưa lên chế giễu không phản ánh đầy đủ phương pháp luận giáo dục.

Nguoi Viet minh sao ky qua!
Những ô vuông, tròn, tam giác trong sách đang bị dư luận công kích.

Điều cốt lõi của một bộ sách giáo khoa chính là cái tính triết lý của nó. Thế nhưng, chúng ta chẳng tìm hiểu xem triết lý của bộ sách là gì, có phù hợp không, mà chỉ chăm chăm vào chuyện “vuông, tròn, tam giác” để chửi bới, xúc phạm nhau.

Như ở trên đã nói, sách Công nghệ giáo dục có thể xem như là bộ sách giáo khoa thứ hai bên cạnh bộ sách giáo khoa chính thống. Nghị quyết 88 của Quốc hội nói rằng sẽ có một chương trình nhiều sách giáo khoa. Hành trình đi đến “nhiều bộ sách giáo khoa” tuy khó, nhưng sẽ phải đến. Tất nhiên mỗi bộ sách sẽ có cách chọn lọc nội dung bài học, sắp xếp kiến thức, phương pháp giảng dạy… ít nhiều khác nhau và khác với sách giáo khoa truyền thống. Chẳng lẽ đến lúc ấy chúng ta lại tiếp tục “ném đá” nhau!

Nguoi Viet minh sao ky qua!
Một lớp học theo chương trình Công nghệ giáo dục

Về chuyên môn của bộ sách, các thầy cô giáo, cựu học sinh của chương trình Công nghệ giáo dục và các nhà chuyên môn đã nói nhiều. Khó có một phương pháp nào là ưu điểm tuyệt đối, nhưng điều chắc chắn là chúng không loại trừ nhau, mà có thể bổ sung qua lại cho nhau.

Còn với chúng ta, dù chưa có nhiều bộ sách giáo khoa nhưng có thêm một bộ sách khác để so sánh (với sách hiện có) và có thể lựa chọn nếu thích, thì cũng vẫn tốt hơn là chỉ biết có một bộ. Việc học của học sinh vẫn đạt mục đích mà lại được học hành nhẹ nhàng, vui vẻ, thích đi học, phụ huynh không phải nhọc công dạy thêm… thì tại sao ta lại khước từ?

                      Dũng Chương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI