Người Việt lùng mua gạo ngoại

09/10/2020 - 11:51

PNO - Nhiều người lùng mua các loại gạo nhập khẩu dù chúng có giá cao gấp 3-5 lần so với gạo trong nước.

Chuộng gạo nhập khẩu 

Gia đình chị Nguyễn Thị Bích Ngọc - ở P.6, Q.3, TPHCM - dùng khoảng 12-13kg gạo/tháng. Từ nhiều năm nay, chị Ngọc chọn mua gạo lúa mùa của Campuchia do người quen từ tỉnh An Giang chuyển lên. Do chị Ngọc là khách quen nên được chủ hàng lấy giá ưu đãi, khoảng 28.000-30.000 đồng/kg, mức này cao gấp khoảng hai lần so với một số loại gạo thông thường trong nước.

Nhiều loại gạo đặc sản trong nước có chất lượng cao nhưng số lượng bất ổn do thiếu chiến lược phát triển bài bản
Nhiều loại gạo đặc sản trong nước có chất lượng cao nhưng số lượng bất ổn do thiếu chiến lược phát triển bài bản

Người nhà tôi cũng trồng lúa ở quê nhưng tôi thích gạo Campuchia vì cơm thơm, ngon. Hơn nữa, tôi nghe nói bên đó, nông dân chỉ trồng giống lúa 6 tháng/vụ và một năm chỉ có một vụ mùa, không bón phân, xịt thuốc hóa học” - chị Ngọc nói. 

Tại cửa hàng gạo Campuchia trên đường Ba Tháng Hai, Q.10, TPHCM, các loại gạo nhập đều có giá đắt. Gạo Phka Romdoul thông thường giá 35.000 đồng/kg, nhưng cũng loại gạo này, nếu có chứng nhận hữu cơ, giá lên đến 65.000-70.000 đồng/kg. 

 Chị Chu Hồng - ở Q.5, TPHCM - chọn mua gạo nhập khẩu từ Nhật Bản vì theo chị, cả gia đình đều thích. Gạo Nhật cho cơm dẻo, thơm, để qua đêm không bị chảy nhớt, bốc mùi như một số loại gạo thông thường khác.

Ngoài các đại lý, cửa hàng, sạp chợ, tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở TPHCM, các loại gạo nhập cũng ngày một nhiều hơn. Tại siêu thị AEON Bình Tân, gạo nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc ngang ngửa về số lượng các loại gạo trong nước nhưng giá bán cao hơn hẳn. Gạo Niigata Koshihikari nhập từ Nhật có giá 117.000-125.000 đồng/kg, gạo Nhật không vo Iwate Hitomebore có giá 105.000-115.000 đồng/kg. Các loại gạo Thái Lan như Thai Hom Mali hay Pathumthani Na Siam có giá 40.000-50.000 đồng/kg. 

Theo Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia, trong tám tháng đầu năm nay, nước này xuất khẩu sang Việt Nam khoảng 12.800 tấn gạo. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn lúa từ Campuchia để xay xát, chế biến và phân phối ra thị trường nội địa. Dự kiến, năm nay Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam khoảng 2 triệu tấn gạo. 

Chất lượng gạo Việt còn bất ổn

Ông Hàn Lâm Mỹ - chủ đại lý gạo Mỹ Quân (Q.Tân Bình, TPHCM) - cho biết, nhu cầu dùng các loại gạo nhập khẩu ngày càng tăng. Nếu như trước đây, chỉ một số nhà hàng nước ngoài nhập gạo về chế biến thì nay, có nhiều doanh nghiệp nhập gạo để phân phối ra thị trường. Điều này là do các món ăn như sushi, cơm cuộn, các món xôi theo kiểu Thái, Hàn dần phổ biến trong giới trẻ và nhân viên văn phòng. Tuy nhiên, người Việt chuộng gạo ngoại còn vì những lý do khác.

Rất nhiều loại gạo nhập khẩu được bán tại siêu thị AEON Bình Tân, TP.HCM
Rất nhiều loại gạo nhập khẩu được bán tại siêu thị AEON Bình Tân, TPHCM

Trong đề tài nghiên cứu Cấu trúc thị trường tiêu thụ và hệ thống phân phối gạo nội địa, tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm Anh (Khoa Kinh tế, Trường đại học Nha Trang) chỉ ra rằng, có 67,4% người sử dụng gạo trong nước do tập quán, thói quen từ xưa. 32,6% số người được hỏi chọn gạo nhập vì cho rằng chất lượng đảm bảo hơn, gạo thuần, ít bị pha lẫn, không bị xịt thuốc. Đáng chú ý, người tiêu dùng trong nước ngày nay không xem trọng giá cả mà quan tâm gạo ngon hay không. Ngay tại tỉnh Kiên Giang - địa phương có sản lượng lúa gạo đứng hàng đầu cả nước - vẫn có gần 83% số người được hỏi cho biết mình chọn các loại gạo nhập khẩu. 

Trên thực tế, không ít trường hợp mua cùng một tên gạo trong nước nhưng lần đầu thơm ngon, lần sau không còn thơm ngon nữa, hoặc cũng loại gạo đó nhưng hương vị ở mỗi cửa hàng, đại lý lại khác nhau.

Anh Nguyễn Văn Hậu - chủ một cửa hàng kinh doanh gạo sạch ở P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TPHCM - kể, khi gạo ST25 đoạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới, nhiều khách hàng tìm mua sản phẩm này để dùng thử khiến loại gạo này trở nên khan hiếm. Nhưng, không lâu sau, ST25 được bày bán tràn lan, trong đó, nhiều điểm không bán đúng loại gạo do kỹ sư Hồ Quang Cua tạo ra mà thu mua lúa ST25 đã qua lai tạo rồi tự xay xát, đóng gói, bán ra thị trường. 

“Gạo Việt ngon nhưng khó mua được hàng đúng chuẩn. Một số cửa hàng kinh doanh gạo thường trộn nhiều loại với nhau nên chất lượng gạo không ổn định, mùi thơm, độ dẻo thay đổi theo từng lô hàng” - anh Hậu chia sẻ. 

Bà Trịnh Kim Tuyến - đại diện giao dịch sản phẩm gạo đặc sản ST của kỹ sư Hồ Quang Cua - cũng cho biết, từ khi giống gạo ST25 được xướng danh gạo ngon nhất thế giới, rất nhiều người đặt mua. Tuy nhiên, ông Cua là người làm kỹ thuật, chỉ tập trung phát triển giống lúa, còn doanh nghiệp phân phối gạo cũng chỉ ở quy mô gia đình, mỗi ngày cũng chỉ cung cấp ra thị trường hơn chục tấn gạo ST25. Do đó, nhiều khách hàng hỏi mua số lượng lớn, bà Tuyến phải từ chối.

Do kỹ sư Hồ Quang Cua không muốn “độc quyền” giống lúa này nên đã chia sẻ cho bà con, bán lúa giống cho nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã. Từ đó, giống lúa này có thể đã bị lai, hoặc gạo có thể bị trộn sau khi xay xát. 

Phi Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI