Người viết lịch sử bằng tài năng và đức độ

13/10/2013 - 07:59

PNO - PNCN - Tôi nhận được tin Đại tướng mất lúc 23g ngày 4/10. Dẫu đã chuẩn bị tâm lý, dẫu biết sự ra đi của Người là điều không thể tránh khỏi, nhưng tôi vẫn có cảm giác bàng hoàng, hụt hẫng, không tin đó là sự thật.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nguoi viet lich su bang tai nang va duc do

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp

Tôi vào facebook, nước mắt chảy tràn khi viết dòng chia sẻ cùng bạn bè và học sinh: “Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP đã về cõi vĩnh hằng! Cụ đã không thể chờ đến kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên. Biết rằng đó là quy luật nhưng sao cứ thấy thật buồn! Một nhân cách lớn đã ra đi. Cầu mong nơi xa xôi, Cụ luôn bình an.” Đêm ấy, tôi cùng những người bạn là giáo viên sử thức trắng.

Ngày thơ bé, lần đầu tiên học bài Một chiều hè lịch sử tôi đã nhớ mãi những câu thơ đó đến tận bây giờ:

…“Bố kể chuyện Điện Biên

Bộ đội mình chiến thắng

Lũ Tây bị bắt sống…

Ta giải đi từng đàn

Tướng Đờ Cát xin hàng

Bốt đồn đều san phẳng

Cờ Quyết Chiến Quyết Thắng

Tung bay trên nóc hầm

Chiều mùng bảy tháng năm

Một chiều hè lịch sử!”

Nguoi viet lich su bang tai nang va duc do

Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Có lẽ đó là lần đầu tôi biết đến Đại tướng và chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngày qua ngày, từ sách báo, tư liệu, phim ảnh, tự lúc nào không biết, tôi đã xem Người là thần tượng của mình, không chỉ khâm phục Người ở tài năng mà còn ở đức độ của một nhân cách lớn. Đâu dễ làm cho kẻ thù của mình phải kính phục, nhưng Đại tướng đã làm được điều đó. Trong cuốn Những vị tướng lừng danh, Ducan Townson khẳng định: “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutuzov, Jukov..., những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”.

Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ xuất bản năm 1993 còn đặc biệt nhắc tới nghề giáo cao quý của vị Đại tướng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”.

Nhắc đến Đại tướng và chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta không thể nào quên quyết định mang tính lịch sử đã đưa ông vào huyền thoại, khi chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Một quyết định không chỉ đúng đắn, sáng suốt mà còn rất nhân văn.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 1959 - dựa trên đề nghị của Người, Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Đoàn 559 - mở đường Trường Sơn tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Chính tuyến đường này đã tạo thế và lực cho công cuộc thống nhất nước nhà.

Nguoi viet lich su bang tai nang va duc do

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng đi thăm thương bệnh binh

Với tầm nhìn chiến lược, mùa xuân năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định lấy Nam Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược, điểm trúng yếu huyệt hệ thống phòng ngự của quân đội Sài Gòn tại Buôn Ma Thuột, mở đầu cho quá trình tan rã của chính quyền và quân đội Sài Gòn. Sau khi gấp rút giải phóng Huế - Đà Nẵng, chính Đại tướng đã đề xuất mở chiến dịch Hồ Chí Minh, cử Đại tướng Văn Tiến Dũng làm tư lệnh chỉ huy năm cánh quân, với sức mạnh của 20 sư đoàn đồng loạt tiến về giải phóng Sài Gòn. Mệnh lệnh nổi tiếng nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.

Từ lúc nào không biết, những trang sử hào hùng của dân tộc đã in sâu trong tâm trí tôi, trở thành một phần máu thịt. Có lẽ, đó là duyên nghiệp! Khi chuẩn bị vào năm cuối cấp, tôi đã phân vân thật nhiều khi lựa chọn: nối nghiệp cha làm bác sĩ hay theo đuổi đam mê của mình? Cuối cùng, lý lẽ của trái tim đã chiến thắng. Tôi chọn trở thành một giáo viên dạy sử, giống như Người.

Sau gần 20 năm gắn bó với nghề, tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận vì sự lựa chọn của mình. Nhiều học trò hỏi tôi: “Sao cô lại chọn nghề dạy sử mà không phải môn nào khác?”, tôi trả lời không do dự: “Mê Bác Giáp nên mới học sử và dạy sử”. Có thể vì thế, tôi đã truyền được một phần tình yêu lịch sử cho nhiều thế hệ học trò.

Nguoi viet lich su bang tai nang va duc do

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần trở lại Điện Biên Phủ, năm 1954

Trong cuộc sống, khi đối mặt với những khó khăn, thách thức, tôi luôn nhớ đến Đại tướng và những quyết định lịch sử của Người. Dũng cảm đương đầu với khó khăn, chấp nhận thử thách, bình tĩnh, quyết đoán, anh minh…, có quá nhiều thứ tôi đã học và sẽ tiếp tục học ở Người, suốt đời cũng chỉ mong học được một phần.

Dù Đại tướng đã về cõi khác, nhưng hình ảnh của Người sẽ mãi trường tồn trong lòng dân tộc Việt Nam. Lịch sử Việt Nam sẽ mãi ghi nhận Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, là Tướng của các vị tướng, là vị Tướng của nhân dân. Người đã viết nên những trang sử hào hùng cho dân tộc Việt Nam bằng tài năng và đức độ của mình. Vĩnh biệt một nhân cách lớn. 

ThS Nguyễn Kim Tường Vy - THPT Nguyễn Hiền - TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI