Người Việt hãy biết giật mình: Phát bệnh tâm thần vì du học

12/04/2016 - 17:28

PNO - Người Việt hãy bỏ ngay tâm lý, cứ ra nước ngoài là sướng, cơ hội đổi đời trong tầm tay... Tất cả đều là ngộ nhận.

Phát bệnh tâm thần vì xuất ngoại

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM, Tiến sĩ, Chuyên gia y tế dự phòng Trần Tuấn cho biết: "Xu hướng xuất ngoại ngày càng tăng ở Việt Nam, nhiều người nghĩ rằng, ra nước ngoài là một cơ hội tốt để đổi đời nhưng thực chất tình hình lại không phải như vậy. Bởi trong thực tế, những người xuất ngoại đang phải đối mặt với một vấn đề lớn đó là tình trạng khủng hoảng tâm lý."

Theo Tiến sĩ Tuấn, càng ngày, phòng khám Cây thông xanh càng nhận thêm nhiều trường hợp bệnh nhân mắc các vấn đề về tâm lý do những áp lực từ việc ra nước ngoài.

Gần đây nhất, phòng khám của Tiến sĩ Trần Tuấn có tiếp nhận một bệnh nhân đang trong tình trạng bệnh lý khá nặng. Đó là trường hợp của anh Đ.N.D, đang học sau đại học ở Mỹ. Anh D đã sang Mỹ được gần 5 năm nhưng người nhà lại không hề biết, anh có những bất thường về tâm lý.

Nguoi Viet hay biet giat minh: Phat benh tam than vi du hoc
Tiến sĩ, Chuyên gia Y tế dự phòng Trần Tuấn.

Ở bên Mỹ một mình, do áp lực từ cuộc sống, công việc học tập cũng như sự cô đơn khi phải sống một mình ở nơi đất khách quê người, anh D, bắt đầu có những dấu hiệu trầm cảm. Nhưng anh lại giấu gia đình khiến tình trạng này kéo dài quá lâu. Kết quả là anh D rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý, phát bệnh.

Cảnh sát phát hiện ra anh D và đưa vào bệnh viện. Sau một thời gian trị liệu, anh D mới dần nhớ ra địa chỉ nhà mình và được cảnh sát gọi điện báo về cho gia đình biết. Gia đình anh D rất sốc khi biết chuyện của con trai và tìm đến Tiến sĩ Tuấn để xin hướng giải quyết.

Một trường hợp tương tự, tháng 3 năm ngoái, Tiến sĩ Tuấn có tiếp nhận trường hợp của bạn N.L.V. Gia đình V vốn rất có điều kiện nên sau khi V học xong cấp 3, bố mẹ lập tức cho V sang Mỹ học tại một trường điện ảnh có tiếng với mong muốn con sẽ trở thành một diễn viên nổi tiếng.

Nhưng bố mẹ V thì chỉ biết chuyển tiền sang cho V ăn học mà không biết con đang từng ngày phải vật lộn với những khó khăn, áp lực ở một đất nước xa lạ. Thường xuyên gặp những áp lực về mặt tâm lý, V trở nên trầm cảm, sau đó phát bệnh tâm thần.

Khi gia đình biết chuyện thì mới hối hả sang đón con về nước để điều trị. Họ tỏ ra rất thất vọng khi đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc cho con gái ăn học nhưng chẳng thu lại được kết quả gì mà còn phải lo trị bệnh tâm thần cho con gái.

Em L.Đ.L được bố đưa sang nước ngoài khi chuẩn bị vào cấp 3 cũng gặp tình trạng tương tự. Với mong muốn, L được học trong một môi trường tiếng Anh tốt, có nhiều cơ hội phát triển hơn, hai bố con thuê nhà ở cùng nhau, hàng ngày bố đi làm còn L đi học. Nhưng bố lại hay có dự án ở trong nước nên thường xuyên phải về và để lại L một mình.

Do chưa quen với môi trường ngoài nước, vốn ngôn ngữ còn hạn hẹp, L lại hay bị các bạn khác trêu trọc nên nảy sinh những buồn phiền, uất ức trong lòng. Hơn thế, L lại thường phải chịu cảnh cô đơn khi ở một mình, không có ai tâm sự nên đã bị trầm cảm.

Những lần sang thăm con gái gần nhất, bố L thường phát hiện L có tâm lý sợ đén trường, rất ít nói, hay bỏ ăn và thường ngồi khóc một mình. Thấy những biểu hiện bất thường của con gái, bố của L đã liên hệ đến phòng khám Cây thông xanh để nhận sự tư vấn và có cách điều trị tâm lý cho con gái.

Theo Tiến sĩ Tuấn thì đây là những trường hợp rất điển hình cho nhóm du học sinh dưới 18 tuổi. Do tuổi còn non trẻ nên lứa tuổi này rất dễ va phải những vấn đề về tâm lý khi xa gia đình sang đất nước khác du học. Tiến sĩ Tuấn cho biết, thậm chí có nhiều du học sinh khi không chịu được những áp lực, tổn thương tâm lý đã tìm đến cách giải thoát bằng cái chết.

Một nhóm đối tượng khác cũng rất dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý khi ra nước ngoài đó là những người xuất khẩu lao động. Tiến sĩ Tuấn cho biết: "Tôi đã từng gặp rất nhiều người đi xuất khẩu lao động nhưng lại không hề biết ngoại ngữ.

Khi sang đến nơi, họ phải lo toan cho nơi ăn, chốn ở, rồi nghĩ cách kiếm thật nhiều tiền để gửi về cho gia đình. Trong khi đó, họ gặp phải vô số rào cản, nào về ngôn ngữ, văn hóa, thực phẩm, rồi là những khó khăn trong công việc."

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI