PNO - Các điểm đến du lịch ở Việt Nam hiện nay cũng đã bắt đầu quan tâm đến tiện ích dành cho người khuyết-tật hay các công cụ hỗ trợ người yếu thế, đây là tín-hiệu đáng mừng cho lối ứng-xử và tư duy làm du lịch văn minh
Nụ cười “Xin chào” thường trực trên môi, lối đi riêng dành cho người khuyết tật, đội quân “đu dây nhặt rác” thường trực xuống núi mỗi tuần dọn vệ sinh…chuyện tưởng chỉ có ở “xứ người ta” nay đã trở thành “chuyện thường ngày” tại không ít khu du lịch của Việt Nam.
Chuyện ở “xứ nhà người ta”
Làm việc cho các tổ chức NGO, chị Khánh Hà dành thời gian rảnh sau khi kết thúc các dự án để đi du ngoạn tìm hiểu nền văn hóa các nước. “Mình rất ấn tượng với lối ứng xử văn minh tại các địa danh du lịch nổi tiếng trên thế giới, chẳng hạn bao giờ họ cũng dành lối đi riêng và lắp đặt các thiết bị thông minh để người khuyết tật có thể thoải mái, tự do đi lại mà không cần đến sự hỗ trợ của bất kỳ ai. Hồi đầu năm đến thăm một số công viên hải dương học tại Nhật Bản, ấn tượng hết sức khi bên cạnh cổng chính có một lối đi cho người khuyết tật. Nhân viên không phải đứng canh ở những cổng này vì chẳng hề có bất cứ người bình thường nào tự tiên chui qua đó để trốn tiền vé”, chị Hà chia sẻ.
Vốn có nhiều duyên nợ với lĩnh vực du lịch do thường xuyên phải làm “tourguide” hướng dẫn các đoàn khách quốc tế đến thăm Việt Nam hay dẫn các đoàn trong nước đi thăm thú trời Tây, chị Khánh Hà rất để tâm so sánh chất lượng dịch vụ trong và ngoài nước từ những chuyện lớn như giá cả, nơi ăn uống, điểm vui chơi… cho đến từng chi tiết nhỏ như lề lối xếp hàng ngăn nắp, trật tự, rồi các tiện ích hoàn hảo dành cho người khuyết tật.
Ví như ở London, mỗi xe bus hai tầng đều trang bị đường dẫn dành riêng cho xe lăn. Mỗi khi xe bus dừng đỗ, lái xe chỉ bấm nút cho cửa tự động mở và đường dẫn tự động thả xuống cho người khuyết tật lên xuống. Hay tại vườn chim Jurong nổi tiếng của Singapore, dù đón tiếp vài chục ngàn lượt khách mỗi ngày nhưng ban quản lý công viên vẫn bố trí những lối dừng đỗ xe riêng biệt, khu vực xe lăn dành riêng cho người khuyết tật. Đội ngũ nhân viên luôn túc trực mọi lối ra vào và lập tức xuất hiện để hỗ trợ người khuyết tật, người già và trẻ nhỏ. Tại mọi điểm du lịch của quốc đảo đều có lối đi riêng cho xe lăn, những bảng chỉ dẫn, nút bấm thang máy đều có chữ nổi, có tín hiệu âm thanh cho người khiếm thị và có tín hiệu đèn cho người khiếm thính... Ngay hãng tìm kiếm goolge mới đây cũng đã thêm vào lối đi cho người khuyết tật trên ứng dụng Google Maps và động thái này đã nhận được sự ủng hộ của công chúng.
“Các điểm đến du lịch ở Việt Nam hiện nay cũng đã bắt đầu quan tâm đến tiện ích dành cho người khuyết tật hay các công cụ hỗ trợ người yếu thế, đây là tín hiệu đáng mừng cho lối ứng xử và tư duy làm du lịch văn minh, nhân văn cần được nhân rộng. Một điểm đến hấp dẫn không chỉ bởi cảnh đẹp, dịch vụ hay mà còn trong văn hóa ứng xử ngày càng đẹp lên”, anh Nguyễn Quốc Linh, hướng dẫn viên du lịch của công ty lữ hành Sao Việt chia sẻ.
Nụ cười “Xin chào” và lối đi riêng cho người khuyết tật
Ngay tại điểm đến hai năm liên tiếp vinh danh “Khu du lịch hàng đầu Việt Nam” Sun World Ba Na Hills, ở bất kỳ chỗ nào bạn cũng tìm ra lối đi dành riêng cho người khuyết tật. Đội ngũ nhân viên mẫn cán, chuyên nghiệp luôn túc trực mọi nơi sẵn sàng hỗ trợ bất cứ người khuyết tật nào cần tới sự giúp đỡ. Có cả một quy trình đón khách khuyết tật được khu du lịch xây dựng. Xe lăn được đặt trong tất cả các nhà ga, để người khuyết tật có thể dễ dàng tới được nơi mình muốn.
“Xây lối đi riêng cho công viên ở thành phố là chuyện rất dễ dàng. Còn với địa hình Bà Nà núi cao, vực sâu, để thiết kế những băng chuyền dài, những lối đi lên, xuống với độ dốc lớn để kết nối dưới chân và sàn nhà ga hay các điểm đến thì lại là chuyện không đơn giản, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm”, đại diện ban quản lý khu du lịch chia sẻ. Vậy nên dù đón tiếp tới 2 triệu lượt khách/năm, thì mọi du khách lên tới Sun World Ba Na Hills đều được phục vụ, hỗ trợ tận tâm và chu đáo, với khẩu hiệu “Xin chào” và nụ cười thường trực trên môi.
Những ứng xử tinh tế tại một khu du lịch kiểu mẫu đã góp phần lan tỏa hình ảnh và thương hiệu điểm đến cho thành phố biển xinh đẹp. Cũng tại Đà Nẵng vào mùa hè năm ngoái, Sở Văn hóa thể thao và du lịch đã chính thức khai trương hai lối đi riêng xuống biển dành cho người khuyết tật, bố trí tại công viên biển Đông và khu vực ngã ba Võ Nguyên Giáp – Hoàng Kế Viêm.
Không riêng Bà Nà Hills, nhiều điểm đến du lịch hiện nay đã nói không với chặt chém, làm ăn chụp giật, ăn xổi và tư duy làm du lịch kiểu mùa vụ. Chính quyền địa phương và ban quản lý các khu du lịch đã chú tâm xây dựng hình ảnh xanh – sạch đẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan, niêm yết giá công khai, không mang theo đồ ăn hay xả rác bừa bãi.
Có thể thấy rõ điều này tại Khu du lịch Sun World Fansipan Legend (Lào Cai). Định kỳ mỗi tuần, đội kỹ thuật sẽ đu dây quay đỉnh Fansipan để thu gom rác thải. Đội ngũ y tế và an ninh túc trực ở mọi nơi trên ga đến, để sẵn sàng cõng hoặc trợ giúp người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật lên với Nóc nhà Đông Dương. Sự tận tâm và chuyên nghiệp ấy từ những người làm du lịch đã lan tỏa tự nhiên đến ứng xử của du khách. Hình ảnh “người Việt xấu xí” tại các điểm công cộng đã dần được thay bằng những hành vi văn minh như giữ gìn trật tự tại các điểm tham quan, không chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng, không mang đồ ăn hay vứt rác bừa bãi không đúng quy định.
Du lịch Việt đang khởi sắc mỗi ngày không chỉ bằng sự đầu tư chuyên nghiệp, bài bản, bằng những công trình ghi danh Việt Nam lên bản đồ thế giới mà sâu xa hơn, là từ tư duy làm du lịch văn minh, chuyên nghiệp, từ cái tâm của những người muốn góp sức cho hình ảnh đẹp của điểm đến Việt Nam.
Đây là những thành phố trên thế giới có những nhà hàng đạt sao Michelin và điểm ăn uống “ẩn mình” được người địa phương yêu thích, theo trang Travel + Leisure.