PNO - Nhiều người truyền tai nhau “hàng Thái Lan xài tốt lắm” và đua nhau săn hàng Thái. Nhưng thực tế, nhiều món hàng Thái đang “hot” lại có xuất xứ từ Trung Quốc.
Sản phẩm đang được chị em rủ nhau lùng mua là bình giữ nhiệt Thái Lan do giữ được nhiệt trong nhiều giờ. Đá lạnh đựng trong bình không bị tan nhanh nên giữ được hương vị thức uống; đặc biệt, hơi lạnh không bị thấm ra ngoài làm ướt bình như những loại bình khác. Thêm nữa, bình được thiết kế đẹp mắt với đủ màu sắc, hình ảnh, giá rẻ, có tặng kèm ống hút inox, cây cọ rửa, túi đựng có quai xách...
Đáng nói, cũng loại bình y chang nhau nhưng mỗi nơi bán mỗi giá: nơi bán 200.000 đồng/bình, nơi bán chỉ 80.000 đồng/bình. Điểm chung của chúng là không có thông tin nhãn mác, xuất xứ. Hầu hết các nơi đều quảng cáo là hàng Thái chính gốc nhưng không có gì chứng minh. Chúng tôi thắc mắc thì nhân viên của một cửa hàng chuyên bán hàng Thái Lan trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp, TP.HCM giải thích: “Mấy nơi nói hàng Thái cho dễ bán chứ thực chất là hàng nhập từ Trung Quốc hết, nhìn mẫu mã đa dạng, màu sắc sặc sỡ là nhận ra ngay”.
Ngoài sản phẩm trên, chị em văn phòng, nội trợ ưa chuộng các loại hàng Thái như: nồi ủ, rổ xoay làm ráo rau, nước giặt xả 2 trong 1, giày dép… Nhiều người cho biết, các loại này dùng khá tốt, giá hợp túi tiền, như nồi ủ 600.000 đồng/cái, rẻ hơn phân nửa giá so với các thương hiệu nồi ủ khác; rổ xoay rau 150.000 đồng/cái trong khi hàng Nhật 300.000-350.000 đồng/cái, tìm mua hàng Việt Nam loại này thì không có. Hút hàng nhất là nước giặt kèm nước xả (130.000 đồng/sản phẩm), nước rửa chén không mùi (35.000 đồng/sản phẩm).
Hàng Thái tràn ngập siêu thị, cửa hàng tiện lợi và không thiếu món gì tại các cửa hàng chuyên hàng Thái xách tay
Tại cửa hàng Thái Lan trên đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM bày bán hàng trăm chủng loại sản phẩm từ giày dép, quần áo, hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm đến thực phẩm, các loại bánh kẹo. Nhân viên giới thiệu loại nước rửa chén nguyên can 5 lít, giá 200.000 đồng, nhãn in toàn chữ Thái. Các sản phẩm rong biển, bim bim, bánh kẹo cũng không có nhãn phụ tiếng Việt, không rõ thành phần, chất lượng, đơn vị nhập khẩu, phân phối và tìm hoài không thấy ngày sản xuất, hạn sử dụng.
"Có hai nguồn hàng, một nhập trực tiếp và một nhập qua nhà phân phối. Hàng nhập qua nhà phân phối mới có nhãn phụ tiếng Việt, còn hàng nhập trực tiếp phần lớn là hàng nội địa Thái, nhiều người tin dùng trước giờ, nên chị cứ yên tâm”, người bán giải thích.
Tuy nhiên, không phải cứ hàng Thái là tốt, nhất là khi nguồn gốc không rõ ràng, không có thông tin thành phần, chất lượng cụ thể. Thực tế, lực lượng hải quan, quản lý thị trường từng thu giữ nhiều lô hàng Thái trôi nổi nhập lậu, phần lớn là đường kính, bánh kẹo, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm.
Hàng Thái “xơi tái” hàng Việt
Đáng lo ngại là dù nhiều sản phẩm Thái Lan không rõ nguồn gốc và không có đầy đủ thông tin nhãn mác theo quy định, nhưng nhiều người vẫn tin dùng. Thậm chí, tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hàng Thái được ưu tiên trưng bày rất bắt mắt, nhất là ở các chuỗi siêu thị sau khi đã được chuyển giao cho người Thái làm chủ.
Nếu mua sắm tại siêu thị Mega Market lúc này, người tiêu dùng sẽ thấy rõ độ phủ của hàng Thái, từ mì gói, nước mắm, đồ hộp, nước xốt đến bánh kẹo, bia, nước giải khát, đồ gia dụng. Nơi đây liên tục khuyến mãi giảm giá để thu hút người mua. Hơn nữa, các sản phẩm mang nhãn riêng của đơn vị này cũng phần lớn là hàng Thái Lan, như rau củ đóng gói, bún phở khô, nước mắm…
Đến hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K, chúng tôi ngạc nhiên khi nhiều khách hàng “nhí” liên tục kéo mẹ đến quầy bánh kẹo, snack, mực khô Thái Lan và đọc vanh vách tên từng sản phẩm, giá cả. Hỏi nhân viên bán hàng mới biết, đó là những loại hàng bán chạy, được nhiều bé thích vì hương vị lạ, ngon. Thế nên, hệ thống này dành nhiều vị trí để trưng bày hàng Thái.
Nhiều ý kiến lo ngại hàng Thái sẽ dần “xơi tái” hàng Việt khi ngày càng phủ rộng và đánh trúng thị hiếu khách hàng.
Chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng nhận định, nếu hàng Việt ngày càng vắng dần ở kênh bán hàng hiện đại, nhường chỗ cho hàng Thái chiếm lĩnh thì doanh nghiệp Việt không chỉ bị mất doanh thu đáng kể mà còn khó giữ được giá trị thương hiệu. Hàng vào được kênh bán hàng hiện đại sẽ có được giá trị cao hơn so với việc chỉ bán ở kênh truyền thống. Đặc biệt, khi mua hàng ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi có thương hiệu, người tiêu dùng sẽ tin tưởng, yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm.
Chưa kể, kênh bán lẻ nội địa còn liên quan đến sản xuất và xuất khẩu, tạo thành mắt xích không thể tách rời. Nếu yếu khâu bán lẻ thì sản xuất khó mạnh và càng không đủ lực để xuất khẩu. Vì vậy, cho dù hàng Thái có thế mạnh riêng thì hàng Việt cũng không thể thua kém, doanh nghiệp phải đầu tư nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để người tiêu dùng có nhiều chọn lựa, tin dùng. Đặc biệt, phải tận dụng lợi thế sân nhà, hiểu đúng tâm lý người tiêu dùng Việt và cung ứng sản phẩm họ cần.
Ông Ngô Đình Dũng, chuyên gia thị trường, thuộc Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, đối với thực phẩm, sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu mới của người tiêu dùng: có khẩu vị nhẹ (ít đường, ít hương vị, lượng khẩu phần ít hơn, chia nhỏ bữa ăn); chế biến ngày càng thuận tự nhiên hơn, theo quy trình khép kín, truy xuất được nguồn gốc.
Xu hướng sản phẩm làm từ thiên nhiên, hữu cơ, hỗ trợ điều trị bệnh ngày càng phát triển. Để cạnh tranh với hàng Thái, doanh nghiệp Việt cần tăng giá trị sản phẩm thay vì chú trọng sản phẩm gốc để giảm chi phí vận chuyển và bán hàng tốt hơn, đồng thời nên học cách doanh nghiệp Thái đang làm là ngày càng tiện dụng (có thể để trong lò vi sóng), cải tiến bao bì sản phẩm, giúp mang lại nhiều cảm xúc hơn để hấp dẫn người mua.
Cú bứt tốc ngoạn mục vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường của VinFast đã truyền cảm hứng để ngày càng nhiều khách hàng tin tưởng, chuyển đổi sang xe điện...
Đón Black Friday, 800 điểm bán trên toàn quốc của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket… thực hiện giảm giá từ 50% trở lên.