Người Việt chi gần 60 tỷ đồng mua rau quả Trung Quốc, Thái Lan mỗi ngày

18/06/2018 - 10:00

PNO - Trong 5 tháng đầu năm 2018, cả nước chi hơn nửa tỷ USD nhập khẩu rau quả, trong đó hơn một nửa sản phẩm nhập từ Trung Quốc và Thái Lan.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, kim ngạch nhập khẩu rau quả cả nước từ đầu năm đến nay đạt trên 600 triệu USD, trong đó rau quả nhập từ Thái Lan, Trung Quốc chiếm 64%, đạt hơn 384 triệu USD, tương đương 13.600 tỷ đồng.

Tính ra, bình quân mỗi ngày, người Việt chi hơn 58 tỷ đồng mua rau quả từ hai nước này. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng rau quả của Thái Lan đạt 274 triệu USD, tập trung chủ yếu là các loại trái cây như bòn bon, măng cụt, sầu riêng, nhãn…

Giá trị nhập khẩu các loại rau quả từ Trung Quốc cũng lên đến 110 triệu USD, tăng 31 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. 

Nguoi Viet chi gan 60 ty dong mua rau qua Trung Quoc, Thai Lan moi ngay
Khó truy xuất nguồn gốc các loại trái cây nhập khẩu.

Theo một số doanh nghiệp nhập khẩu rau quả, nếu như hàng từ Thái Lan chỉ tập trung vào một số loại trái cây và được nhập chính ngạch thì hàng Trung Quốc đa dạng hơn, phần lớn nhập về theo đường tiểu ngạch, nhập lậu, bao gồm cả rau, củ và quả, như cải thảo, bắp cải, cà rốt, su hào, súp lơ, khoai tây, mận, táo, lê, dưa vàng, lựu, nho… nên giá trị nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc thực tế có thể lớn hơn rất nhiều so với thống kê. 

Nếu như rau quả nhập khẩu từ Thái Lan tiêu thụ phổ biến tại các siêu thị, cửa hàng, chợ đầu mối thì rau quả nhập từ Trung Quốc chủ yếu qua các đầu mối và hầu hết được “tẩy rửa” nguồn gốc trước khi đến tay người tiêu dùng nên rất khó nhận biết xuất xứ.  Với lợi thế giá rẻ, mẫu mã bắt mắt, trái cây Trung Quốc vẫn tiêu thụ rất tốt tại thị trường Việt Nam.

Trong 5 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu rau quả đạt 1,664 tỷ USD, tăng 19,3%. Ngành hàng này vẫn trong nhóm xuất siêu, nhưng những năm gần đây, tốc độ nhập khẩu ngày càng tăng. 

Anh Trịnh - chủ một cửa hàng ở chợ Chánh Hưng (Q.8, TP.HCM) chuyên bán các loại cam, xoài từ các tỉnh miền Tây - cho biết, trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc khi về đến các chợ đầu mối thường được bán theo thùng ngay trên các xe container khi bước vào phiên (khoảng 21g tối hôm trước đến 3g sáng hôm sau).

Nhưng người bán trái cây thường giấu đi bao bì, nhãn mác vì nếu để người mua thấy, chắc chắn sẽ khó bán hơn. Ngoài những loại trái đặc trưng gần như chỉ có hàng Trung Quốc như xoài mút, đào, các loại như cam, táo, lê, nho… từ Trung Quốc phần nhiều được gọi bằng xuất xứ từ nước khác, như cam Nam Phi, nho Úc, táo Mỹ, lựu Ai Cập. 

Mới đây, phía Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp nước này khi nhập khẩu trái cây từ Việt Nam phải liệt kê tên và nguồn gốc, cơ sở đóng gói, đồng thời cung cấp hình ảnh đóng gói chứa thông tin chất lượng sản phẩm mới được làm thủ tục để xin giấy phép kiểm dịch tại cơ quan kiểm dịch tỉnh Quảng Tây.

Nhiều đầu mối xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc cho rằng, thị trường này đã bắt đầu siết chặt các biện pháp truy xuất nguồn gốc để kiểm soát an toàn thực phẩm. Thế nhưng, việc kiểm soát nguồn gốc trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam hiện vẫn bỏ ngỏ.

Tiến sĩ Võ Mai - Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam - cho rằng,  rau quả của Việt Nam xuất đi bất cứ nước nào cũng phải kê khai nguồn gốc như một quy định tối thiểu để kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Thế nhưng, nhiều sản phẩm nhập về, đặc biệt là rau quả từ Trung Quốc, lại không có bất cứ quy định nào để kiểm soát nguồn gốc. Đó là điều bất hợp lý. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI