edf40wrjww2tblPage:Content
NGƯỜI CHỒNG CHUNG THỦY
Chúng tôi đến thăm bà Ngô Thị Huệ (thường gọi bà Bảy Huệ) trong căn nhà vị cố Tổng bí thư sống lúc sinh thời trên đường Trần Quốc Toản. Sáng tháng sáu trời lất phất mưa, bà Bảy Huệ mặc bộ bà ba trắng, ngồi trên chiếc ghế bành xanh xám đọc quyển sách về cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Văn Linh vừa được Nhà xuất bản Trẻ tái bản.
Ở tuổi 97, bà Bảy Huệ (nguyên nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên) vẫn rất minh mẫn. Nghe hỏi chuyện tình yêu của ông bà, bà mỉm cười hồn hậu: “Tôi và anh Mười gặp nhau trong kháng chiến sau khi cả hai đều hai lần bị giặc bắt, tù đày, thương nhau và nhờ tổ chức se duyên. Cưới nhau khi hai bên đều đang làm nhiệm vụ cách mạng nên suốt đời sống cảnh “vợ chồng ngâu”. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi chẳng bao giờ hờn giận hay trách móc gì nhau, cứ mỗi lần thăm, gặp nhau đều cố gắng làm cho nhau tất cả”.
Bà kể về chồng bằng giọng miền Nam hồ hởi, ấm tình. Với bà, câu chuyện chỉ như mới hôm qua. Đó là hình ảnh ông Mười Cúc dặn dò vợ ráng ăn chút khoai tây nghiền hấp cùng trứng gà để có sữa nuôi con gái đầu lòng, chị Nguyễn Thị Hòa. Là những lá thư ông viết động viên vợ khi bà mang thai chị Nguyễn Thị Bình, con gái thứ hai trong lúc chồng đi xa biền biệt…
Bà xót xa: “Thương nhất là lần vợ chồng cùng được điều sang công tác ở nước bạn Campuchia. Tôi tới ngày sinh thằng út, cái thai lớn, con mạnh, mà mẹ mệt lả người sau chuyến công tác dài ngày tận Bến Tre. Đêm tôi trở dạ, nhìn thấy vợ đau dữ dội mà bác sĩ ở bệnh viện nước bạn không cho vô thăm, anh đã năn nỉ người chạy xe thồ Campuchia đưa tới tận nhà vị bác sĩ người Pháp cầu cứu. Trời tối, gia đình ông bác sĩ đang ngủ say, để gọi cửa, anh Mười phải trèo lên vai anh xe thồ gọi qua cửa sổ, nói bằng tiếng Pháp “Bác sĩ ơi hãy cứu vợ con tôi”. Ông bác sĩ thương tình gọi ngay về bệnh viện hỏi tình hình, rồi động viên rằng tôi bình an, sinh nở thì phải đau, anh mới yên lòng trở về nhà nghỉ ngơi…”.
Niềm vui có thêm đứa con trai chưa được bao lâu, chỉ 18 tháng sau, ông bà phải tiếp tục chia xa, chồng Nam - vợ Bắc 15 năm ròng rã. Bà Bảy Huệ nói rằng, ban ngày túi bụi việc công, đêm ngả lưng nằm nghĩ thương con, xót chồng nhưng không dám than, vì cả hai cùng làm việc nước.
Bà kể: “Lúc anh Mười còn ở nội thành Sài Gòn, nghe phong trào cách mạng miền Nam bị đàn áp, tôi đứng ngồi không yên. Khi anh ấy ở rừng sâu, tôi lại lo muỗi rừng, sốt rét... Sau ngày đất nước hòa bình, anh ra Hà Nội, bắt tay vào công cuộc đổi mới, công việc không thuận lợi như ý tưởng của chồng, tôi lại đau đáu tâm tư… Anh ấy nói “Cũng may là còn có vợ để kể nhau nghe những ấm ức, nỗi niềm!”.
Với bà, ông Mười Cúc không chỉ là chồng mà còn là bạn tâm giao, tri kỷ. Bà thương ông đến xót dạ, xót lòng bởi: “Chẳng ai có tuổi thơ khổ như anh ấy. Anh tên thật là Nguyễn Đức Cúc, quê gốc Hưng Yên, năm lên năm, người cha làm nghề dạy học qua đời, đến năm lên bảy, anh lại mồ côi mẹ. 16 tuổi, anh Mười bị địch bắt vì tham gia cách mạng rồi bị tuyên án khổ sai chung thân, đày đi Côn Đảo, chịu biết bao đòn roi tra tấn.
Sau ngày đất nước hòa bình, anh kinh qua nhiều cương vị công tác, cũng có khi được thừa nhận công lao, lúc có người lãng quên, thậm chí đối lập trong quan điểm nên tâm tư luôn trăn trở, đau đáu vì nước, vì dân. “Thời đổi mới” bây giờ mọi người nhắc nghe nhẹ nhàng, nhưng anh Mười đã đi qua thời đó với biết bao gian khó. Đã vậy, cháu Nguyễn Hùng Linh, đứa con trai út mà anh rất đỗi yêu thương và kỳ vọng lại sớm ra đi. Tôi cứ phải thương anh thiệt nhiều là vì vậy”.
Ông Mười Cúc bên các cháu
NGƯỜI BỐ BÌNH DỊ
Nhắc đến bố, kiến trúc sư Nguyễn Thị Bình, con gái thứ hai của cố Tổng bí thư, nhẹ nhàng: “Bố tôi bình dị lắm, ông cũng như bao người cha khác trên đời, nghiêm khắc, luôn có một khoảng cách với các con, nhưng lại vô cùng gần gũi và yêu thương…”.
Trong ký ức của chị Bình, bố là một người rất đỗi bình thường, giản dị. Tuy là con của người đứng đầu Đảng, lãnh đạo đất nước, nhưng cuộc sống phấn đấu, học tập của mấy chị em giống như nhiều người Việt thời bấy giờ, cũng chật vật, khó khăn…
Trong những năm tháng đất nước chiến tranh, xa các con, lần nào có đoàn cán bộ miền Nam ra Bắc họp, ông Mười Cúc lại tranh thủ gửi cho các con những món quà giản dị như gói chỉ màu, hộp móc đan... Thời kháng chiến, ở giữa rừng sâu, nhiều lúc bố Mười Cúc chẳng kịp lo quà gì cho ba đứa con yêu, nhưng bao giờ có đoàn ra ông cũng cố gửi theo những phong thư chứa chan niềm thương nhớ.
Lá thư năm 1966, ông Mười viết: “Các con đừng lo gì về bố cả. Chỉ cần lo học, lo giữ gìn sức khỏe thật tốt. Đồng thời các con lo sức khỏe cho mẹ. Hồi các con còn nhỏ, mẹ vì các con mà mệt nhọc nhiều, nhất là bố lại ở xa. Phải làm cho mẹ vui nhé. Linh viết cho bố, chữ viết rõ, nắn nót, cẩn thận, bố bằng lòng lắm”. Trong một lá thư khác, ông viết: “Bố nghe Hòa nấu ăn khá lắm phải không? Ừ, học nấu khá lên, rồi bao giờ ở gần nấu cho bố ăn. Mà phải nấu những món bố thích ăn kia, hỏi mẹ thì biết”…
Ông Mười Cúc luôn là vậy, giản dị, gần gũi, hòa mình với mọi người, đồng đội và cuộc sống xung quanh bằng tất cả yêu thương. Nhắc nhớ về cha, về ông ngoại, chị Bình, chị Hòa và các cháu Tô, Ti, Ly, không có “chuyện gì vĩ đại” để kể. Với vợ con, ông là một người chồng, người cha nghiêm khắc nhưng không xa cách. Đọng lại trong họ là những đoạn ký ức với hình ảnh ông Mười Cúc vừa mỉm cười khuấy sữa cho con trai, vừa ngắm mê mải con gái đang say ngủ; là hình ảnh sau giờ đi làm về, ông tất tả xắn quần, cùng con rể rửa chuồng heo, cùng con gái lo bầy chim cút rồi chơi bóng bàn, cờ tướng, cờ vua với cháu ngoại.
Xa vợ con, nhưng mỗi bước trưởng thành của con trai, con gái, ông đều cố gắng gửi lời động viên. Con gái lớn đậu đại học, con gái nhỏ được trao học bổng du học, con trai tốt nghiệp phổ thông... đều được ông “đánh dấu” bằng cách gửi thư, gửi quà động viên, nhắn nhủ và gửi gắm sự tin yêu. Chính vì vậy, dù bố chức trọng, quyền cao, các con ông bà Mười Cúc - Bảy Huệ đều sống giản dị và phấn đấu đi lên bằng chính đôi chân và năng lực của mình. Chị Bình nói: “Đó là tài sản lớn nhất mà bố đã trao lại cho chúng tôi!”.
***
Rời ngôi nhà ông Mười Cúc khi trời Sài Gòn vừa bừng nắng, câu chuyện cuộc đời bình dị của một con người vĩ đại cứ âm vang. Nhớ lời bà Bảy Huệ nhắc nhở nhẹ nhàng: “Dấn thân, hy sinh và cống hiến cho đất nước, nhưng phải luôn nhớ rằng bên mình, sau mình là cả một mái ấm gia đình với trăm mối thương yêu. Đó không phải lời ông Mười Cúc dạy lớp trẻ một cách giáo điều đâu con, mà là ông đã sống một cuộc đời như vậy".
NGHI ANH
Hội thảo khoa học về đồng chí Nguyễn Văn Linh Hôm nay, 22/6, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 - 1/7/2015), Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ VN TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam, với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và TP.HCM”. Hơn 100 tham luận gửi về cho Ban tổ chức đã khẳng định Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng. Bằng tài năng, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, ông đã góp phần tạo nên sự chuyển biến có ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng miền Nam, của cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến thắng lợi cuối cùng. Ông cũng là người lèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua một thời kỳ khó khăn dài của đất nước. QUỲNH MAI |