Người vén bức màn bí mật của tạo hóa

26/02/2017 - 07:30

PNO - Cách đây 20 năm, khi cả nước đang kêu gọi hạn chế sinh đẻ để lo phát triển kinh tế, thì chị lặng lẽ tìm bài toán hóc búa là làm sao giúp chị em vô sinh có được cơ hội làm mẹ.

Chị là bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương, Phó khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương (TP.HCM) – một trong những cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực điều trị vô sinh - hiếm muộn tại Việt Nam

Đã thực hiện hàng nghìn ca hiếm muộn

Trong cuộc trò chuyện kéo dài trên 2 giờ đồng hồ với vị bác sĩ được đồng nghiệp trong nghề đánh giá là rất giỏi này, thi thoảng tôi cố dò xét để tìm ra điều gì đó có thể khiến chị bớt hoàn hảo hơn. Nhưng tôi đã không thể.

Công việc của chị nghe tưởng chừng đơn giản là điều trị hiếm muộn, vô sinh. Nhưng đây là bài toán rất khó, rất lâu. Tỉ mỉ từ khâu chọn lọc trứng, tìm ra phôi đẹp và ươm lên thành tử cung người mẹ... nhưng không phải ca nào cũng thành công và bản thân chị nhiều lúc cũng không hiểu tại sao?

Nguoi ven buc man bi mat cua tao hoa
BS Nguyễn Thị Ngọc Sương - một trong những người tiên phong trong lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn tại TP.HCM

Rị mọ, kiên nhẫn, tỉ mỉ là những “mỹ từ” mà chị dành cho công việc của mình. Kết quả của công việc không đến ngay lập tức mà kéo dài không chỉ 1 năm, 2 năm mà có khi đến cả chục năm. Không ai biết trước được thời gian và kết cục ra sao.

Chị lao vào giải bài toán hóc búa giúp cho phụ nữ hiếm muộn có được mụn con cách đây hơn 20 năm, khoảng những năm 1995, 1996. Bác sĩ Ngọc Sương hồi nhớ: "Thời điểm đó, coi như là đi ngược lại với xu hướng chung là hạn chế sinh đẻ để lo phát triển kinh tế. Nhưng đứng ở góc độ nghề y thì đó là một việc làm đầy tính nhân văn, khi những chị em lấy chồng cả chục năm vẫn chưa có cơ hội làm mẹ. Đây là cách giải quyết giúp cho nhiều gia đình thoát khỏi khổ đau, vợ chồng không chia ly".

Nguoi ven buc man bi mat cua tao hoa
Trong căn nhà của bác sĩ Sương là hàng trăm bức ảnh những đứa trẻ ra đời dưới đôi bàn tay tài năng của chị

Một bí mật mà chị tiết lộ là trước đây, chị từng là một bác sĩ làm ở Phòng Kế hoạch hóa gia đình của Bệnh viện Hùng Vương; thế nhưng vì quá trăn trở với chuyện vô sinh bắt đầu "nở rộ" ở Việt Nam nên chị quyết tâm đi theo hướng điều trị vô sinh, hiếm muộn. 

Thời đó, đồng nghiệp ai cũng thắc mắc không hiểu vì sao chị lại chọn con đường như thế. Niềm đam mê với lĩnh vực này đã mang lại cho chị những cơ hội mà ít ai có được như có được cơ hội học tập và thực tập tại các bệnh viện sản nước Pháp vào các năm 1996, 1998.  

Nguoi ven buc man bi mat cua tao hoa
Bác sĩ Sương cùng các đồng nghiệp trong khoa Hiếm muộn

Những kiến thức, kỹ năng mà chị học được đến thời điểm này vẫn còn nguyên giá trị. Đó là những viên gạch vô cùng quý giá để hình thành nên một lĩnh vực đang cực kỳ phát triển tại Việt Nam.

Hiện nay, tỉ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm trên thế giới là 50%. Tỷ lệ thành công tại BV Hùng Vương cũng đạt đến hơn 40%. Với sự góp sức của chị, lĩnh vực điều trị vô sinh, hiếm muộn tại Việt Nam đang có những kết quả vô cùng ấn tượng với thế giới. Riêng TP.HCM được xem là nơi tốt nhất của cả nước trong điều trị hiếm muộn, vô sinh. Nhờ bàn tay của chị, đã có hàng nghìn ca hiếm muộn được thực hiện thành công. 

"Sự sống" bắt nguồn từ những hi vọng

Nếu không có sự kiên nhẫn đến vô cùng thì không thể làm được. Đó là tố chất của  một bác sĩ điều trị vô sinh, hiếm muộn và cũng là của những bệnh nhân đang điều trị. Nhưng đây cũng là điều khiến cho vị bác sĩ hơn hàng chục năm gắn bó với nghề cảm thấy không khỏi day dứt.

Nguoi ven buc man bi mat cua tao hoa
Thành công của chị đã mở ra "sự sống" cho nhiều gia đình

Chị kể rằng cách đây không lâu, một người phụ nữ khoảng 33 tuổi nhắn tin cho chị rằng: “Chị ơi, em đã có đủ 50 triệu đồng rồi. Bây giờ em làm thụ tinh trong ống nghiệm có được không chị”. Cách đây 3 năm người phụ nữ này đã từng điều trị hiếm muộn nhưng không đủ tiền đã đành bỏ cuộc.

Nhiều lắm những trường hợp như vậy đã khiến vị bác sĩ không khỏi nhói lòng. Có người điều trị từ lúc còn trẻ đến khi tuổi đã quá để có thể mang thai thì đành bỏ cuộc, có người thì không chịu nổi sự chờ đợi phải đành bỏ cuộc. Một phương án táo bạo cách đây khoảng 10 năm về giải pháp thụ tinh ống nghiệm giá rẻ của bác sĩ Ngọc Sương vì thế cũng đã ra đời để tiếp thêm niềm hi vọng cho những bà mẹ tương lai.

Nguoi ven buc man bi mat cua tao hoa
27/2 là dịp mà rất nhiều bậc cha mẹ dẫn con đến thăm bác sĩ Ngọc Sương. Đây là một em bé được bố mẹ ôm đến thăm bác sĩ Ngọc Sương vào ngày 24/2/2017.

Kiên nhẫn với một niềm tin về sự sống có thể được sinh ra trong lòng mình, một cặp vợ chồng đã có được tin vui khi hoàn cảnh có thể xem là hi hữu. Người chồng 36 tuổi chỉ có vỏn vẹn 5 con tinh trùng (số lượng bình thường phải tính bằng con số hàng triệu) kết hợp với người vợ 33 tuổi chỉ có 6 trứng đã tạo ra được 3 phôi.

Kì diệu thay, 3 phôi này đã hình thành sự sống trong lòng mẹ được 2 người con. Ngày vui của họ là ngày vui không gì tả xiết của vị nữ bác sĩ. Lúc đó chị chỉ biết nói: “Đây là trời cho chứ không phải là do bác sĩ giỏi đâu”.

Nguoi ven buc man bi mat cua tao hoa
BS Nguyễn Thị Ngọc Sương dành gần trọn cuộc đời mình trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn vô sinh

Nhiều lắm những niềm vui và tất nhiên cũng tương tự đó là cơ số những nỗi buồn. Người viết cũng không thể tưởng tượng được vị bác sĩ sản phụ khoa này sao có thể chịu đựng được ngần ấy những cảm xúc có mức độ vênh nhau đến kinh khủng như vậy.

Không biết bao nhiêu lần, chị khóc cùng bệnh nhân khi không thể thay mặt tạo hóa hình thành được sự sống. Cái tỷ lệ phần trăm dưới 50 ấy là một con số ám ảnh chị cho đến tận những năm tháng cận kề tuổi hưu. Bởi đó là con số phải vượt qua, phải vươn lên để mang lại nhiều hơn sự sống cho con người. Bao nhiêu nhọc nhằn của nghề y, chị vẫn vững chải đi qua, bởi ở "hậu phương" chị luôn có đến ba bờ vai để chống đỡ khi mệt mỏi, muốn ngã quỵ.

Nguoi ven buc man bi mat cua tao hoa
Bác sĩ Sương cùng chồng (áo trắng) và hai con đi "chu du" ở Pháp.

Tạo hóa luôn vĩ đại và huyền bí. Những người dám vén bức màn bí mật về tạo hóa, về sự sống xứng đáng là những người can đảm nhất, tuyệt vời nhất.

Sáng kiến giúp nhiều người nghèo được làm mẹ

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương ngoài tay nghề cao và tâm huyết với các bệnh nhân hiếm muộn vô sinh thì bà còn là người nổi tiếng với sáng kiến thụ tinh trong ống nghiệm chi phí thấp. Tổng chi phí cho một trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm chỉ khoảng 7 triệu đồng, chỉ bằng 1/5 so với mức chi phí bình thường. Tỷ lệ thành công cũng đạt được khoảng 20%. Sáng kiến này đã giúp cho nhiều người nghèo có cơ hội được thực hiện thiên chức làm cha làm mẹ.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, GĐ BV Hùng Vương đánh giá bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương là một bác sĩ tận tụy với bệnh nhân, có tài và đức độ, là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển lĩnh vực điều trị vô sinh, hiếm muộn tại TP.HCM. 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI