PNO - Khi thời hạn kết thúc giãn cách xã hội ở TPHCM đang đến gần (dự kiến ngày 30/9), nhiều người lao động về quê tránh dịch chưa biết sẽ quay lại TPHCM bằng cách nào.
Giữa tháng 5/2021, chị L.Q.K.H. cùng chồng chia nhau mỗi người chở một đứa con chạy xe máy từ P.5, Q.8, TPHCM về quê chồng ở H.Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh để vừa ăn đám giỗ, vừa tránh dịch COVID-19. Nhưng sau đó, dịch lan khắp TPHCM kéo theo những đợt giãn cách xã hội khiến gia đình chị H. bị kẹt ở Trà Vinh.
Trong đợt dịch lần thứ tư, nhiều người lao động không trụ nổi ở TPHCM nên phải về quê tránh dịch - ẢNH: THUẬN HÓA
Ở quê, dị ứng với nước khiến da chị H. nổi bóng nước, rất khó chịu. Thai nhi trong bụng chị lúc đi ba tháng, giờ đã bảy tháng. Việc học online bằng điện thoại của hai con chật vật vì sóng 3G ở quê chập chờn. Trong khi đó, căn nhà vợ chồng chị thuê bán tạp hóa ở Q.8 để lâu không có người, bị chuột cắn xé, chị H. phải nhờ hàng xóm phá cửa vào dọn dẹp giùm. Ngày ngày ở quê chồng, chị nóng ruột mong TPHCM hết giãn cách để vào mở lại sạp bán hàng, con cái được học online cho thuận tiện. Chị H. bàn với chồng sau ngày 30/9 sẽ cùng chạy xe máy chở hai con trở lại TPHCM, hy vọng chiếc bụng bầu của chị sẽ giúp cả nhà qua được các chốt kiểm dịch. Ngoài ra, chị không biết cách nào khác để về lại TPHCM.
Cuối tháng 6/2021, chị D.T.T.L. - 32 tuổi, tạm trú hơn 10 năm ở P. Bình Thọ, TP.Thủ Đức, TPHCM, làm nghề chăm sóc da tại một spa vào ban ngày và phụ bán quán ăn vào ban đêm - cùng em gái và cô ruột trả phòng, gửi đồ cho chủ trọ giữ giùm rồi chạy xe máy về quê. Do về từ vùng dịch, ba người phải cách ly tập trung 14 ngày mới về được nhà cha mẹ ruột. Ngày nào chị cũng trông ngóng tin tức dịch bệnh ở TPHCM, mong ngày hết giãn cách xã hội để trở lại mưu sinh bởi lâu nay, tiền công của chị là thu nhập chính của cả gia đình. Em gái chị vào TPHCM học đại học được một học kỳ, không có tiền đóng học phí, phải nghỉ học đi làm, phụ chị tiền gửi về cho cha mẹ nuôi đứa em trai đang học lớp Bốn. “Em nghe nói sau ngày 30/9, người dân muốn đi lại, phải có thẻ xanh, nhưng đến giờ này, cả nhà em sáu người đều chưa được tiêm mũi vắc xin nào” - chị L. âu lo.
Nhiều người lao động rời TPHCM về quê tránh dịch, sau nhiều tháng không có công ăn việc làm, muốn quay lại TPHCM nhưng không biết làm sao để được quay lại. Anh Trần Văn Bá - từng làm bốc vác cho một số công ty chế biến thực phẩm ở Q.Bình Tân, TPHCM - cho biết, ở quê (Quảng Ngãi) ba tháng qua, anh đã xài hết tiền dành dụm. Giờ muốn vô Sài Gòn làm lại, chủ cũ cũng gọi điện nói cần người, nhưng anh không biết sẽ vô Sài Gòn bằng cách nào.
Doanh nghiệp khó tuyển được người
Khi TPHCM nới dần các biện pháp giãn cách xã hội để chuẩn bị trở lại trạng thái “bình thường mới”, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) cần tuyển dụng lao động để tái sản xuất nhưng tiên lượng việc này sẽ rất khó khăn.
Anh Trần Thanh Phong - Giám đốc một công ty kinh doanh thực phẩm có kho đông lạnh đặt tại Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân - cho biết, công ty của anh và nhiều công ty khác cùng lĩnh vực đều đang rất cần người lao động, nhất là lao động phổ thông, nhưng chưa biết có tuyển dụng được không:
“Sắp tới, khi TPHCM chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, lượng hàng cần cung ứng cho thị trường chắc chắn sẽ tăng lên. Công ty tôi đang cần 100 lao động phổ thông để bốc vác, phân loại thực phẩm. Chúng tôi đã thông báo tuyển dụng trên website của công ty, trên các nhóm Zalo của DN và nhờ bạn bè chia sẻ trên Facebook nhưng chưa tìm được người dù lương cho lao động phổ thông khá cao, 9-10 triệu đồng/tháng, ngang bằng với lao động có trình độ trung cấp nghề hoặc đại học”.
Trong số người về quê tránh dịch, nhiều trường hợp vẫn muốn quay lại TPHCM tìm kiếm việc làm (trong ảnh: Một số công ty may mặc ở miền Trung có nhu cầu tuyển dụng người lao động về quê có tay nghề sẵn nhưng số lao động này lại không nhiều) - Ảnh: Thuận Hóa
Trong báo cáo vừa gửi Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Sở LĐTBXH TPHCM cho biết, TPHCM có hơn 280.000 DN và hơn 460.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể với hơn 4,7 triệu người lao động. Thời gian qua, việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 đã khiến hàng triệu người bị ngừng việc, cắt giảm việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động; hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Tính đến ngày 12/9, đã có 20.996 DN đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với hơn 400.000 người lao động. Các DN đang đề nghị bảo hiểm xã hội xác nhận để vay vốn trả lương cho 22.909 người lao động.
Cũng theo Sở LĐTBXH TPHCM, trong tuần đầu của tháng 9/2021, thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM trực thuộc sở, có 325 DN đăng ký tuyển dụng hơn 1.300 người, trong đó gần 60% có trình độ sơ, trung cấp kỹ thuật; có trên 2.000 người lao động đăng ký tìm việc, trong đó 67,8% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Khi tổ chức sản xuất theo hình thức “ba tại chỗ”, các DN có đông lao động gặp khó khăn về bố trí nơi ăn, nghỉ cho người lao động, còn người lao động lại không thoải mái khi phải ăn ở tại chỗ trong thời gian dài. Ngoài việc phát sinh chi phí, giảm mạnh doanh thu, DN còn thất thoát nguồn lao động do nhiều người về quê tránh dịch.
Để hỗ trợ DN và người lao động, sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM rà soát nhu cầu theo từng lĩnh vực, ngành nghề để kết nối cung cầu việc làm, trong đó quan tâm người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến để người sử dụng lao động và người lao động gặp gỡ, trao đổi và thỏa thuận các điều kiện làm việc. Sở LĐTBXH TPHCM tư vấn, để tuyển được nguồn lao động phù hợp, các DN cần cải cách quy trình sản xuất, hình thức hoạt động, có kế hoạch và chính sách sử dụng nhân lực cụ thể.
Không được tự phát trở lại TPHCM khi chưa có quy định
Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM về việc áp dụng “thẻ xanh COVID”. Theo đó, sở này đã họp với một số sở nhằm thống nhất quan điểm tham mưu với UBND TPHCM về việc triển khai thí điểm áp dụng “thẻ xanh COVID” trong giai đoạn phục hồi kinh tế ở TPHCM.
“Thẻ xanh COVID” được xem là một hình thức công nhận cho người đã có miễn dịch với virus SARS-CoV-2. Người có “thẻ xanh COVID” ít có nguy cơ mắc bệnh hoặc giảm nguy cơ chuyển nặng. Tuy nhiên, người có “thẻ xanh COVID” vẫn có thể lây nhiễm virus cho người khác. Điều kiện để có “thẻ xanh COVID” là: đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin (đối với vắc xin phải tiêm hai mũi) và trải qua ít nhất hai tuần sau tiêm; đã mắc COVID-19 và có giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly.
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM - cho biết, hiện UBND TPHCM chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với những người muốn quay trở lại TPHCM. Tuy nhiên, Công an TPHCM cũng đang có hướng tham mưu cho lãnh đạo để giải quyết nhu cầu này của người dân. Khi chưa có quy định cụ thể, người dân tự phát trở lại thành phố có thể sẽ gặp nhiều vướng mắc vì khi lưu thông liên tỉnh, cần có sự tham gia giải quyết của nhiều đơn vị ở nhiều tỉnh, thành phố và cần có sự nhất quán từ các địa phương, các sở, ngành.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.
Cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân thông xe giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới giao thông khu vực.