PNO - Những sự nghiệp “để đời” đôi khi lại khởi nguồn từ những điều giản dị trong đời sống hằng ngày. Có thể là một bà nội trợ đầu tắt mặt tối phát minh ra cây lau nhà hay một bà nội trợ khác nghĩ ra túi giấy có đáy hình vuông vừa đựng được nhiều, vừa giữ được đồ vật… Không ai trong những phụ nữ ấy, ở buổi đầu, có tham vọng trở thành triệu phú hay làm chủ một phát minh, điều hành một doanh nghiệp.
Tình yêu cuộc sống và con cái, mong muốn dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con đã thôi thúc họ, cổ vũ họ tìm ra những giải pháp để cải thiện cuộc sống. Vì yêu con, mẹ có thể dựng xây cả thế giới. Và từ tình yêu đó, họ - những bà mẹ - đã kiến tạo thế giới bằng đôi tay tỉ mỉ, trái tim yêu thương và khối óc hơn người, làm đẹp thêm cho cuộc sống này.
Chị Huyền giới thiệu sản phẩm Mia Fruit tại triển lãm Trái cây quốc tế
Tìm lối riêng cho trái cây nhập khẩu
Chín năm trước, khi thị trường trái cây còn nhập nhèm giữa trái cây Việt và hàng trôi nổi, người tiêu dùng chưa có nhiều sự lựa chọn, chị Nguyễn Ngọc Huyền trở thành một trong những người tiên phong mở lối trong việc nhập khẩu và phân phối trái cây. Câu chuyện bắt đầu khi chị Huyền mang thai đứa con đầu tiên, muốn bổ sung vitamin cho con nhưng không dám mua trái cây ngoài chợ. Chị chọn đặt hàng trực tiếp để mua sản phẩm dù giá khá đắt, rồi chia sẻ với bạn bè và được các bà mẹ khác nhờ đặt giúp. Mia Fruit ra đời.
Không giống với các thương hiệu khác cùng thời điểm, Mia Fruit chọn hình thức bán online, giao hàng tận nơi, cho khách đổi trả trái cây trong vòng 24 giờ, thanh toán bằng thẻ… - điều mà các sàn thương mại điện tử hiện nay đang áp dụng. Với số vốn ban đầu khoảng 100 triệu đồng đi mượn và chiếc tủ lạnh cũng mượn nốt, “tiếng lành đồn xa”, sau ba năm, Mia Fruit khẳng định được vị trí trong lòng người tiêu dùng từ khách hàng lẻ là các hộ gia đình, các bà mẹ cho đến người nổi tiếng và cả các doanh nghiệp.
Khi thị trường trái cây nhập khẩu bắt đầu xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh, thay vì chỉ nhập các loại trái cây quen thuộc như cam, táo, nho… chị Huyền bắt đầu thay đổi chiến lược. Chị tìm đến tận các vùng trồng tại nhiều quốc gia, tìm những loại trái đặc biệt, sản vật của riêng từng quốc gia để nhập về. Nho mẫu đơn Nhật Bản, sầu riêng Musang King, thanh long vàng Malaysia… đều là những sản phẩm do Mia Fruit giới thiệu đến khách hàng Việt Nam.
Chiến lược của chị là tập trung vào phân khúc cao cấp với những loại trái đặc sản có kích thước to nhất. Không chỉ bán lẻ, Mia Fruit còn tiếp cận các kênh phân phối sỉ, lẻ trên khắp cả nước. Chị Huyền còn khéo léo dùng hình ảnh người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) để tăng độ phủ cho thương hiệu, đồng thời xây dựng mô hình “quà tặng trái cây” cực kỳ thành công.
Nhờ chiến lược đúng đắn, trong suốt ba năm liền sau đó, doanh số của Mia Fruit tăng ở mức 300%. Năm 2018, chị Huyền quyết định đưa Mia Fruit tiến ra Hà Nội. Môi trường kinh doanh khác biệt, thương hiệu chưa đủ độ phủ, tại thị trường mới, Mia Fruit gần như giậm chân tại chỗ. Không ngồi yên “chờ chết”, năm 2019, chị Huyền quyết định tập trung ra thị trường phía Bắc. Là chủ nhưng chị vẫn đi giao hàng, thậm chí đến nhà khách gọt trái cây, chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của bản thân. Nhờ sự chân thành và tiếp cận khách hàng đúng cách, cái tên Mia Fruit dần được truyền tai đến nhiều khách hàng.
Chị Huyền rơm rớm: “Tôi hy sinh nhiều nhưng học được cũng nhiều”. Hiện tại, Mia Fruit có 120.000 khách hàng, trong đó khoảng 30% là khách hàng thân thiết, thường xuyên mua sử dụng mỗi ngày. Không chỉ có khách hàng là các cá nhân, doanh nghiệp đơn lẻ, các tập đoàn lớn như: Vingroup, Vietnam Airlines, Unilever, Samsung, SSI, Techcombank, BIDV… cũng chọn thương hiệu này. Chị không ngại chia sẻ: “Bí quyết của tôi là làm thương hiệu cá nhân, thương hiệu cho sản phẩm và thương hiệu cho công ty. Tất cả đều bắt nguồn từ yếu tố cốt lõi: chất lượng”.
Khác với vẻ ngoài nhỏ nhắn và nụ cười tươi rói, bừng sáng; với tính cách xông pha, thích thử thách và luôn chịu khó cải tiến trải nghiệm khách hàng, năm 2021, chị Huyền bắt đầu tạo dựng thương hiệu cho trái cây Việt Nam. Chị đã thành công trong việc đưa mận hậu ruby vào cửa hàng trái cây cao cấp sánh vai cùng các loại trái cây ngoại nhập như: cherry, kiwi, nho… Chị say sưa nói về từng loại trái cây. Mỗi câu chuyện viết nên cho từng loại quả, chị đều thuộc nằm lòng. Thế nhưng, ước mơ của chị không dừng lại ở đó.
Đặt tên cho trái cây Việt Phóng viên:Từ thời điểm nào chị quyết định tiếp cận trái cây Việt để đưa vào phân khúc cao cấp? Chị Nguyễn Ngọc Huyền: Vốn là đơn vị chuyên nhập khẩu trái cây nhưng từ năm 2019, Mia Fruit bắt đầu xuất khẩu trái cây Việt Nam cao cấp. Dù số lượng chỉ ở mức khiêm tốn, từ 500kg đến 1, 2 tấn và đi bằng đường hàng không nhưng tôi đã nhen nhóm giấc mơ tạo thương hiệu quốc gia từ trái cây. Chẳng hạn, nhắc đến sầu riêng, người tiêu dùng nghĩ ngay đến Musang King của Malaysia, nhắc đến nho sẽ nhớ ngay đến nho mẫu đơn của Nhật Bản. Trái cây Việt rất ngon và có những vùng trồng đặc trưng, tôi tự hỏi tại sao mình không tạo nên những thương hiệu như thế.
Năm 2020, khi dịch COVID-19 ập đến, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, để đa dạng nguồn hàng cho người tiêu dùng, tôi càng quyết tâm thực hiện chiến lược tiếp cận và tạo thương hiệu cho trái cây Việt Nam. Mận hậu ruby Sơn La, dâu rẻ quạt Mộc Châu, cam bóc Phủ Quỳ… lần lượt được người tiêu dùng biết đến.
* Chị đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường Việt Nam khi đến nay tâm lý người tiêu dùng vẫn chuộng trái cây ngoại nhập?
- Với kinh nghiệm gần mười năm gắn bó với trái cây cao cấp, tôi đánh giá tiềm năng của thị trường Việt Nam là vô cùng lớn. Tuy nhiên, khi đời sống ngày càng được nâng cao, người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận dòng trái cây cao cấp ngoại nhập thì nhu cầu của họ với sản phẩm trong nước càng khắt khe hơn. Do đó, người trồng phải quan tâm đến chất lượng, mẫu mã trái. Theo tôi, yếu tố cốt lõi quyết định chất lượng của trái cây nằm ở phương pháp canh tác của người trồng.
* Điều gì khiến chị chọn mậu hậu Sơn La để khởi động hành trình trái cây Việt cao cấp? - Chuyện bắt đầu khi tôi và các cộng sự thu thập dữ liệu cho dự án “Bản đồ trái cây Việt Nam”. Lúc đó, mận đang vào mùa. Trái mận hậu chưa bao giờ có tên trong danh sách các loại trái xuất khẩu chính ngạch. Trong suy nghĩ của nhiều nhà kinh doanh, đó chỉ là loại trái quê, không được giá cao nhưng tôi không nghĩ như vậy.
Khi gặp gỡ các hộ nông dân trồng mận tại Nà Ka, tôi cho họ xem clip trồng nho mẫu đơn của nhà vườn Nhật - nơi tôi từng có dịp đến thăm - và chia sẻ với họ bí quyết tôi học được. Để có được những trái nho to tròn cỡ quả trứng gà ta, vỏ bóng, vị thơm, người nông dân Nhật đã cắt đi 50% lượng trái trên cây, 50% còn lại họ tỉa thưa bớt 70% trái để chỉ chăm sóc 30%.
Mận hậu ruby của Mia Fruit được nhiều chính khách chọn làm quà ngoại giao
Các hộ trồng mận tại Nà Ka đã ứng dụng vào vườn của họ bằng cách tỉa tán, hạ cành để cây quang hợp tốt hơn, gia tăng hương vị cho quả mận, cũng như đảm bảo đạt kích cỡ to nhất. Họ còn đầu tư xây dựng nhà giàn bảo vệ mận sắp đến mùa thu hoạch khỏi mưa đá. Hộ nào không đủ vốn sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ. Kết quả, mận hậu Sơn La thoát khỏi mác hàng nhà quê và được người tiêu dùng đón nhận. Riêng mận hậu của Mia Fruit được định vị lại bằng cái tên “mận hậu ruby” và được nhiều chính khách chọn làm quà ngoại giao.
* Sau mận hậu ruby, còn loại trái cây nào đã được chị “đặt tên”?
- Có na hoàng hậu ít hạt, trái to, ngọt và thơm; có hồng Fuji trồng tại Việt Nam được đánh giá là 80% hương vị như hồng Nhật. Hồng Nhật hiện có giá khoảng 800.000 đồng/kg trong khi đó hồng Việt chỉ khoảng 150.000 đồng/kg mà chất lượng chẳng hề kém cạnh bao nhiêu.
Bản đồ trái cây * Dự án “Bản đồ trái cây Việt Nam” thành hình trong bối cảnh nào?
- Trước thời điểm dịch bùng phát, các đối tác có thể tiếp cận nông sản và trái cây Việt qua các hội chợ truyền thống hoặc nhờ tham tán thương mại… Thế nhưng, kể từ thời điểm dịch, mọi hoạt động giao thương gần như đình trệ. Bản đồ trái cây sẽ giải quyết bài toán đó, kết nối người mua với người bán. Từ một đường link, đối tác quốc tế chỉ cần click vào là đã có hình dung tổng quát về các loại trái cây đặc trưng của Việt Nam, mùa vụ trong 12 tháng tiếp theo như thế nào để lên kế hoạch đặt hàng.
* Thu thập dữ liệu cho dự án hẳn là thách thức không nhỏ…
- Suốt hơn một năm, tôi và các cộng sự đã đi khắp các tỉnh, thành Việt Nam để tìm hiểu các vùng trồng cũng như thu thập dữ liệu và lập bản đồ số hóa. Hiện mô hình này đang có dữ liệu của 24.000 hộ nông dân Việt Nam gồm các thông tin chi tiết như trồng cây gì, tiêu chí chất lượng ra sao, số điện thoại liên hệ… Tôi may mắn có được sự chung sức, hỗ trợ từ các hợp tác xã và chính quyền địa phương khắp cả nước.
Tại nhà vườn
Hiện bản đồ đã xong giai đoạn hai, đã giới thiệu đến Thủ tướng và các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng như đối tác thương mại quốc tế. Dự kiến tháng Chín hoặc Mười năm nay, Bản đồ trái cây sẽ hoàn chỉnh, đối tác quốc tế có thể đặt hàng trực tiếp.
* Việc chọn và quy hoạch vùng nguyên liệu cho từng loại trái cây thì không riêng Mia Fruit mà nhiều công ty nước ngoài tại Việt Nam, thậm chí các sàn thương mại điện tử cũng có chiến lược tiếp cận riêng. Chị làm thế nào để giữ được vị thế đã có?
- Tôi không xem đây là cạnh tranh bởi mỗi công ty đều có thế mạnh ở những lĩnh vực riêng. Mục tiêu của tôi là tận dụng tốt nhất nguồn lực của các bên để liên kết và bán được hàng nhiều nhất cho người nông dân, tránh tình trạng được mùa mất giá. Tôi có thể nắm trong tay vùng trồng nhưng không ôm khư khư vùng trồng đó đi bán mà sẽ kết nối các nguồn lực để bán hàng. Hiểu một cách nào đó, Bản đồ trái cây chính là sàn để người bán kết nối được với người cần mua là các đối tác trong và ngoài nước. Khi kết hợp với Mia Fruit, bà con được trang bị thêm kiến thức, cơ sở hạ tầng, các phương tiện đo lường chất lượng sản phẩm, thậm chí là sự phát triển từng ngày của trái cây.
Với thủ tướng Phạm Minh Chính tại triển lãm trái cây
* Khi Bản đồ trái cây hoàn chỉnh, bước đi tiếp theo của chị là gì?
- Cuối năm nay, tôi sẽ gọi đầu tư cho Bản đồ trái cây. Trong 2 - 3 năm tới, Mia Fruit đặt mục tiêu không chỉ là sân chơi kết nối giữa người bán và người mua mà còn cung cấp các dịch vụ từ kho bãi đến dịch vụ cộng thêm như tư vấn nhãn mác, làm bao bì, thương hiệu, tổ chức triển lãm… Nói chung là còn rất nhiều việc cần thực hiện. * Cảm ơn chị đã chia sẻ.
"Việt Nam chỉ là một thị trường trong số nhiều thị trường khác của Mia Fruit. Trước đây, khi khởi sự làm Mia Fruit, tôi chẳng có tham vọng gì, cũng chẳng nghĩ sẽ trở thành như thế nào, công ty phải đạt cột mốc này cột mốc kia. Mong ước của tôi chỉ đơn giản là có thêm lựa chọn trái cây sạch cho người tiêu dùng, công ty không bị thua lỗ để có thể ổn định đời sống cho nhân viên. Càng làm trong nghề, càng tiếp xúc, tôi càng thương người nông dân mình. Chuyện được mùa mất giá mình cứ nghe ra rả trên báo đài, phải giải cứu đến bao giờ? Thay vì ngồi chờ giải pháp, tôi nghĩ nếu tìm được cách, mình phải làm và làm đúng phương pháp mới hy vọng thay đổi được. Rồi từ mình, nhiều người khác cũng sẽ làm theo”.
Nhiều thương hiệu trong lĩnh vực từ hàng gia dụng, thời trang, tới mỹ phẩm… đang ghi nhận doanh số tăng vọt khi chuyển đổi bán hàng qua hình thức livestream.
Quyết định giảm lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến giá vàng thế giới giảm mạnh, giá vàng SJC trong nước giảm gần 1,2 triệu đồng/lượng.