Người vay mừng
Trước khi có Thông tư 06/2023, người vay tiền mua nhà, mua xe không được phép vay ngân hàng khác để trả nợ cho ngân hàng này (hình thức đảo nợ). Do đó, khi người vay muốn đổi ngân hàng, tức là đến vay tiền ở ngân hàng có lãi suất thấp hơn, nhân viên tín dụng thường hướng dẫn khách đi vay tiền từ dịch vụ bên ngoài để trả dứt khoản nợ của ngân hàng cũ rồi làm thủ tục vay ở ngân hàng mới.
Anh Hoài Phương (quận 6, TPHCM) đang có 2 khoản vay ở ngân hàng V. với mục đích mua xe hơi chạy dịch vụ du lịch, trong đó có khoản vay 709 triệu đồng, được giải ngân năm 2019 với lãi suất chỉ 9%/năm. Đến năm thứ hai, lãi suất tăng lên 12%/năm và hiện nay là 15,8%/năm. Khoản vay còn lại trị giá 300 triệu đồng, được giải ngân năm 2022 với lãi suất là 10%/năm nhưng hiện nay đã tăng lên 14,6%/năm.
“Tôi rất đuối vì phải trả lãi suất quá cao. Một nhân viên tín dụng khuyên tôi nên chuyển khoản vay sang ngân hàng S. để hưởng lãi suất ưu đãi 9,9%/năm trong 30 tháng đầu. Tôi có thể mượn tiền người thân để tất toán khoản vay cũ tại ngân hàng V. rồi vay mới tại ngân hàng S., hoặc vay tiền bên ngoài với lãi suất 0,33%/ngày để tất toán khoản vay cũ. Do không thể mượn tiền từ người thân nên tôi đã vay tiền từ dịch vụ với hạn vay 5 ngày, phải trả lãi 10 triệu đồng” - anh Phương kể.
|
Hiện các ngân hàng đang chờ hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ người vay chuyển khoản nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác (ảnh chụp khách giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh quận 3, TPHCM) |
Năm 2018, chị Thùy Dung (quận Bình Tân, TPHCM) vay 700 triệu đồng tại ngân hàng P. với lãi suất chỉ 8,5%/năm. Nhân viên tín dụng cam kết lãi suất sau thời hạn ưu đãi chỉ dao động từ 9,5 - 10%/năm nhưng hiện tại, lãi suất đã vọt lên 11,2%/năm. Trong 2 năm 2020-2021, tổng tiền gốc và lãi cần thanh toán khoảng 6,5-6,7 triệu đồng/tháng, nay tăng lên gần 8 triệu đồng/tháng. Nhiều lần, chị định chuyển khoản vay sang ngân hàng khác để hưởng lãi suất thấp hơn nhưng chị không yên tâm khi muốn nhờ dịch vụ “chui” bên ngoài.
Chị Dung rất mừng khi nghe tin từ ngày 1/9, người vay mua nhà, mua xe được vay tiền từ ngân hàng mới để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác: “Quy định này giúp tôi vay được tiền từ ngân hàng có lãi suất tốt hơn, không phải nhờ dịch vụ bên ngoài”.
Theo Thông tư 06/2023 do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 28/6, từ ngày 1/9, ngân hàng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống như mua nhà, mua ô tô. Theo quy định hiện hành, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay phục vụ sản xuất, kinh doanh tại ngân hàng khác.
Thúc đẩy các ngân hàng giảm lãi
Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, đại diện một số ngân hàng cho biết, họ vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước, có lẽ phải đợi đến sau ngày 1/9.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TPHCM - quy định mới này giúp người vay lựa chọn ngân hàng khác có lãi suất tốt hơn, tạo sự cạnh tranh giữa các ngân hàng. Hiện nay, phần lớn ngân hàng áp dụng lãi suất ưu đãi trong 6-12 tháng đầu, sau đó thả nổi theo thị trường với lãi suất rất cao. Có thực trạng ngân hàng gửi thông tin đàm phán lãi suất với biên độ chỉ 2,5%, trong hợp đồng vay không ghi rõ biên độ và lãi suất cụ thể sau ưu đãi, nhưng sau đó họ áp dụng biên độ 4 - 5%, gây thiệt thòi cho người vay.
Theo ông, hiện các ngân hàng lấy lãi suất huy động 12 tháng của ngân hàng cộng với biên độ 3,5 - 5% để tính lãi suất thả nổi, hoặc cam kết lãi suất thả nổi “không thấp hơn lãi suất sàn”, nhưng không ai biết lãi suất huy động thực tế, lãi suất sàn của ngân hàng là bao nhiêu (chẳng hạn ngân hàng có thể huy động với lãi suất chỉ 7%/năm nhưng công bố là 9%/năm, kéo theo lãi suất thả nổi rất cao). Thời gian qua, nhiều người vay phải chịu lãi suất thả nổi từ 15 - 16%/năm nhưng không thể nào tất toán khoản nợ này để vay mới tại ngân hàng khác.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân nhận xét: “Quy định mới này sẽ làm tăng tính cạnh tranh, khiến các ngân hàng không dám nâng lãi suất thả nổi quá cao, chênh lệch lãi suất quá lớn so với ngân hàng khác, góp phần giữ lãi suất dài hạn ở mức thấp. Có thể có tình trạng ngân hàng tăng phí phạt tất toán khoản vay trước hạn để giữ chân khách hàng. Tuy nhiên do các khoản vay mua nhà, mua xe đều dài hạn, lãi suất quá cao nên người vay sẽ sẵn sàng chấp nhận lãi phạt để được vay ở ngân hàng khác với lãi suất thấp hơn”.
Luật sư Nguyễn Hà Phong (Đoàn Luật sư TPHCM) thông tin thêm, một số cán bộ tín dụng nói với ông rằng, họ còn lấn cấn với quy định mới này. Chẳng hạn, khách đang vay ở ngân hàng A, muốn chuyển sang vay ở ngân hàng B thì phải tất toán khoản vay ở ngân hàng A hay ngân hàng B sẽ đứng ra bảo lãnh, trả tiền cho ngân hàng A? Điều kiện để chuyển được khoản vay là gì?
Lý giải thắc mắc trên, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TPHCM - cho biết, khách muốn vay ở ngân hàng B để trả nợ trước hạn cho ngân hàng A phải đáp ứng đủ điều kiện là khoản vay mới không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ, khoản vay chưa cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Nghĩa là nếu khách đáp ứng đủ điều kiện, được ngân hàng B thẩm định và đồng ý cho vay thì khách có thể vay từ ngân hàng B để trả nợ trước hạn cho ngân hàng A. Khi đó, ngân hàng B sẽ chuyển tiền cho ngân hàng A để tất toán khoản vay cho khách.
Ông Nguyễn Đức Lệnh nói, các ngân hàng có nhiệm vụ phải thực hiện nghiêm quy định, công khai, minh bạch về thủ tục, lãi suất, phí để doanh nghiệp và người dân nắm rõ, có sự lựa chọn ngân hàng một cách phù hợp và hiệu quả nhất: “Quy định này nhằm hạn chế việc các ngân hàng lợi dụng chính sách để cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến chất lượng tín dụng, đến sự tăng trưởng và phát triển ổn định, bền vững của ngành ngân hàng và thị trường tiền tệ. Với quy định mới này, các tổ chức tín dụng phải không ngừng đổi mới, nâng chất lượng dịch vụ, cải tiến thủ tục, hồ sơ giao dịch, có mặt bằng lãi suất và phí phù hợp để thu hút khách hàng”.
Thanh Hoa