Vẫn như trước đây, đội quân đánh giày đa số là thanh thiếu niên, khu vực hoạt động thường xuyên là các quận trung tâm Sài Gòn. Vẻ ngoài của một tay đánh giày vẫn không có gì thay đổi: chân dép lê, quần áo lôi thôi, tay xách cái hộp gỗ (hoặc hộp nhựa) đựng bàn chải, giẻ rách, xi...
Có vẻ như nghề đánh giày ngày nay là độc quyền của cánh thanh niên mới đến từ các tỉnh phía Bắc, ít thấy dân miền khác có gan cạnh tranh - khác với thuở xưa, người đánh giày chủ yếu là trẻ em, vài người già và rất hiếm thanh niên. Kỹ thuật đánh giày, sau bao năm, vẫn chẳng có gì mới nếu không muốn nói là làm ẩu hơn xưa.
|
Ngoài việc đánh giày, Beo (tên thật là Nguyễn Bá Cường) còn nhận sửa giày dép miễn phí cho những người bán vé số, xích lô, người khiếm thị |
Làm cách nào để biết một tay đánh giày có trân trọng đôi giày đắt tiền, mới cáu hoặc đôi giày “ăn nói” của bạn? Mọi tay đánh giày đều dẻo miệng về lương tâm nghề nghiệp nhưng chỉ có thượng đế mới biết thấu cái ma thuật làm cho bạn và đôi giày phải đau khổ.
Câu chuyện thường bắt đầu bằng lời mời: “Đánh giày nhé sếp, giày dơ thế thì hỏng, đánh giày giúp em kiếm ổ bánh mì...”. Nếu đồng ý, sau khi cởi giày, bạn sẽ được nhận đôi dép mang tạm. Nếu sau đó bạn nhận lại đôi giày bóng loáng và trả tiền, xem như bạn gặp may. Còn không, bạn sẽ phải tốn thêm tiền để nhận lại đôi giày.
Dân đánh giày đường phố, tất nhiên, không phải ai cũng cà chớn. Nhìn sâu hơn vào nghề đánh giày, ta sẽ biết đây là nghề kiếm cơm buổi đầu đi giang hồ rồi sau đó tìm cơ hội lập nghiệp của các lưu dân trẻ. Đã có nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, chính khách từng tự hào thú nhận mình có thời học sinh, sinh viên đã sắm đồ nghề, lê la chợ ngày, phố đêm hành nghề đánh giày mưu sinh mà nuôi chí lớn. |
Hãy nghe một ông khách trong khi ngồi chờ bạn ở một quán cà phê khu Đệ Nhất khách sạn kể: “Tôi mải lo nói chuyện điện thoại. Thoáng một cái, thằng đánh giày lột ngay cái đế giày của tôi. Móng tay chúng như dao ấy (thật ra không phải móng tay mà là dao, dấu trong thùng đồ nghề). Thằng ấy banh đế giày ra trước mắt tôi, bảo rằng giày bác tệ thế này. Bố khỉ, đôi giày mấy triệu bạc của tôi coi như vứt, đã thế còn phải chi thêm tiền để nó dán keo. Giận điên người, nhưng không có giày thì đi làm sao”.
Trong hộp đồ nghề của các tay đánh giày thời nay luôn có một loại bùa - tuýp keo dán hiệu con voi để dán sau khi ra chiêu cạy đế, tách mỏ, rạch chỉ... Chỉ vài giọt keo, đôi giày tiền triệu của bạn sẽ tạm lành thương tích mà đưa bạn về tới nhà. Tất nhiên, tùy mặt khách mà vài giọt keo sẽ được tính giá mấy trăm ngàn hay vài chục ngàn.
Một anh sinh viên nhờ đánh giày để đi hẹn hò với bạn gái đã khóc ròng khi đôi giày bị “chơi chiêu”. Anh kể: “Chẳng lẽ đánh nhau, nên cháu nói cho hắn luôn đôi giày. Hắn biết giày bèo nên nhất định đòi lấy tiền keo. Cháu nói cháu đâu có đồng ý để anh dán keo. Hắn nói không cần mày đồng ý tao cứ dán, mày không đưa tiền thì mấy giọt keo của tao thành máu của mày tức thì đấy. Thế là cháu phải đưa anh ta năm chục ngàn”.
Nghề đánh giày là một nghề nghiêm chỉnh và nói không ngoa, quanh cái nghề đánh giày còn hé lộ văn hóa đánh giày. Anh T., người thường đánh giày ở các quán cà phê lề đường quận 3, nói: “Đang học lớp 12, em nhảy tàu vào Nam. Cả năm nay em sống nhờ nghề này. Em coi phim, thấy ở nước ngoài, trên phố có chỗ cho người làm nghề. Khách cứ gác chân đọc báo, chẳng những có văn hóa mà cả người đánh giày như chúng em cũng nhận được đồng tiền tử tế”.
Dù sao, với người Sài Gòn, cảm giác được mang đôi giày bóng loáng vẫn hơn những điều không vừa ý với người đánh giày. Và họ vẫn thấy thú vị khi cất tiếng kêu: “Ê, đánh giày!”.
Trần Tiến Dũng