Gần 20 năm qua, chị Dương Thị Nguyệt (Bí thư chi bộ - Trưởng ban điều hành, Chi hội phó Chi hội phụ nữ khu phố 1, P.14, Q.11, TP.HCM), được người dân gọi một cách thân thương là người vá lành mảnh vỡ gia đình của khu phố.
|
Chị Dương Thị Nguyệt (thứ hai, trái sang) chung vui với một cặp mẹ chồng - nàng dâu của khu phố sau khi hóa giải xong một hiểu lầm nhỏ trong gia đình. |
“Thấy cô là bình yên đến rồi!”
Hơn 18g một ngày đầu tháng 10/2018, khi chuẩn bị điều hành cuộc họp tổ dân phố nhằm nhắc nhở người dân giữ vệ sinh môi trường, cùng phòng dịch bệnh tay chân miệng thì chị Dương Thị Nguyệt nhận được điện thoại của trưởng công an phường “triệu tập”.
Nghe điện thoại xong, chị vội bàn giao cuộc họp cho cảnh sát khu vực để chạy nhanh xuống tổ 12, vào ngôi nhà đang ầm ĩ tiếng la hét trong con hẻm nhỏ. Hai anh công an và mấy anh dân quân tự vệ nhìn thấy chị Nguyệt đã lập tức nhường bước. Lách qua nhóm người, chị Nguyệt bước vào nhà. Dù thấy chị, hai phụ nữ và một người đàn ông vẫn không ngừng cãi nhau, không ai nhường ai. Thoáng nghe qua, chị biết do con gái hỗn với cha mà người mẹ lại bênh con nên cả ba người cãi nhau lớn tiếng, còn dọa chém nhau.
Thấy cảnh xung đột không có chiều hướng giảm nhiệt, chị Nguyệt lên tiếng, đề nghị người con gái: “H., con lấy cho cô Nguyệt cái ghế ngồi, sẵn đó con nhắc ghế cho cha mẹ con luôn”. Thế là cô gái đang cãi cha hùng hổ và thủ thế, sẵn sàng bảo vệ mẹ, lủi đi tìm ghế mời cả ba người yên vị. Xong đâu đó, chị Nguyệt hỏi thăm: “H., bệnh sao rồi con? Hồ sơ bảo hiểm y tế của con chuyển xong chưa, được chi trả bao nhiêu phần trăm?”. Ba người trong nhà chưng hửng nhìn nhau. Vì thoạt đầu, ai cũng nghĩ chị Nguyệt vào “can” không cho họ đánh nhau, đâu ngờ chị lại hỏi thăm chuyện bảo hiểm y tế của H. Thế là chồng một câu, vợ một câu cùng kể khổ về đoạn trường thuốc thang cho H. Còn H. thì chạy đi lấy hồ sơ bệnh của mình mang đến cho chị Nguyệt xem.
Sau khi hướng dẫn cách xin chuyển đổi nơi đăng ký bảo hiểm y tế ban đầu, chị Nguyệt mới thong thả nói: “Đó, coi cha mẹ thương con chưa kìa, nói đến bệnh của con, cả nhà không ai buông bỏ được. Vậy mà có chút chuyện hiểu sai ý nhau, ba người đã gây gổ làm náo loạn cả khu phố. Thôi, chín bỏ làm mười. Cái khó, cái khổ cùng nhau chia được thì vài câu nói, xí xóa đi. H., con còn nhỏ, nên xin lỗi cha mẹ trước…”.
Cứ như vậy, buổi hòa giải cuộc cãi nhau ở ngôi nhà trong hẻm nhỏ tổ 12 đã thành công. Suốt quá trình đó, công an phường, dân quân đứng bên ngoài. Khi thấy chị Nguyệt bước ra, ai nấy thở phào. Một dân quân mỉm cười: “Thấy cô là con biết bình yên tới rồi!”.
Chị Nguyễn Thị Như Thảo - Chủ tịch UBND P.14, Q.11 - nói: “Nhiều năm qua người dân ở phường này đã coi chị ấy như điểm tựa tinh thần, là sứ giả hòa bình, hòa giải những mối bất hòa trong gia đình”.
Điểm tựa thương yêu
Căn nhà 30/4E đường 100 của chị Nguyệt nhiều năm qua là “địa chỉ tin cậy cộng đồng” trong lòng biết bao người dân ở khu phố. Chuyện mẹ Nguyệt bị gõ cửa kêu giật, rồi chạy đi can thiệp vụ chồng đánh vợ hoặc cha đánh con, lúc đưa cụ bà đơn thân vào bệnh viện… đã quá quen thuộc với các con của chị. Thậm chí, các con còn là trợ thủ đắc lực của mẹ những lúc đi cứu người như vậy.
Chị Nguyệt sinh năm 1957. Hơn 20 năm trước, chồng bị bạo bệnh và qua đời ở quê nhà Long Xuyên, tỉnh An Giang, chị quyết định rời quê lên thành phố sống để lo cho các con ăn học. Nhờ sự chịu khó, tận tụy của mẹ, ba người con đều tốt nghiệp đại học và từng bước thành công trong sự nghiệp. Yên tâm về các con, chị Nguyệt bắt đầu tham gia công việc ở khu phố.
Ban đầu, chị sinh hoạt với tư cách đảng viên, hội viên nhưng dần dần, từ sự uy tín, tận tâm của chị, người dân đã tín nhiệm bầu chị vào các chức vụ quan trọng ở khu phố. Từ vai trò người đầu tàu ở chi bộ, chị giúp ích rất nhiều cho hoạt động các đoàn thể, nhất là với Hội phụ nữ. Dù chỉ là chi hội phó nhưng chị giúp khu phố rất nhiều trong việc trợ vốn, tạo việc làm cho phụ nữ khó khăn. Để động viên chị em trong công tác hội vốn gặp nhiều thách thức, hễ được thưởng bất kỳ thành tích gì, chị cũng bỏ vào ống heo để dành cho Hội Phụ nữ khu phố.
Chỉ tiêu mà người bí thư chi bộ này đặt ra với chính mình cùng toàn chi hội, chi bộ mà chị phụ trách là mỗi năm xây dựng, sửa chữa cho khu phố từ 1-2 căn nhà. Cứ như vậy, mười năm qua, hơn 15 căn nhà tình thương đã được xây, mang lại nơi ở tinh tươm, sạch đẹp cho những hộ dân khó khăn, như hộ chị Lâm Thị Liễu, Huỳnh Thiếu Anh, Nguyễn Thị Liễu, Hoàng Muỗi… Có gia đình nhận nhà mới ngay dịp tết, vui mừng đến nỗi chỉ biết đến ôm chị Nguyệt mà khóc.
Bên cạnh việc tặng nhà, trao quà, thực phẩm định kỳ cho các hộ nghèo, chị Nguyệt còn đề xuất Hội LHPN phường trợ vốn, giới thiệu việc làm giúp các hội viên thực sự thoát nghèo.
|
Chị Dương Thị Nguyệt chúc thọ một cụ bà ở khu phố. |
Sáng kiến tổ hòa giải khu phố phát huy hiệu quả
“Khéo ăn nói, lại chân chất, thiệt tình, thương và giúp người nghèo đến nơi đến chốn”, đó là những đức tính mà người dân khu phố 1 nhận xét về chị Nguyệt.
Chị cho biết mình luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: “bất cứ việc gì cũng đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành”.
Đích thân hòa giải các vụ bạo lực gia đình hay các tranh chấp của người dân tại khu phố đã khiến Bí thư chi bộ Dương Thị Nguyệt trăn trở: “Hầu như một vụ việc mâu thuẫn nhỏ nào ở khu phố đều phải mất thời gian khá dài lắng nghe, chia sẻ, khuyên can thì mới hóa giải được. Vì vậy, nếu ở phường có một đội hòa giải với nhiều người có trình độ, có uy tín tham gia thì việc giữ bình yên cho khu phố sẽ hiệu quả hơn”.
Nghĩ là làm, chị đã đề xuất cùng lãnh đạo P.14 lập ra các tổ hòa giải ở từng khu phố, đồng thời thành lập câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình. Mười năm qua, với sự tham gia, điều hành của chị Nguyệt, các mô hình này đã ổn định và phát huy hiệu quả rất tốt trong cộng đồng.
Hạnh Chi