Người ươm mầm tương lai

02/08/2016 - 17:46

PNO - Năm 1989, chương trình học bổng dành cho con em cán bộ Hội ra đời. Thời điểm này, có một phụ nữ (PN) vóc người nhỏ nhắn thường đến gõ cửa từng nhà vận động tiền giúp trẻ em nghèo đến trường.

Hàng chục năm tận tụy với công việc, người PN ấy đã giúp biết bao đứa trẻ được thành tài - thành nhân.

Dì Phạm Thị Toan, UV BCH Hội LHPN P.Phước Bình, Q.9 (TP.HCM) (tên thân mật má Toan, ngoại Toan) chính là người PN ấy. Hỏi cơ duyên nào đưa dì đến với bọn trẻ, dì cười đôn hậu: “Tôi nhớ khi đó là vào những năm cuối thập kỷ 80, đời sống người dân còn khó khăn. Bản thân tôi một buổi bán bánh cuốn, buổi còn lại tham gia công tác Hội. Chức vụ Hội phó Hội PN xã Phước Bình, Thủ Đức (nay là P.Phước Bình, Q.9) giúp tôi biết được nhiều gia đình hội viên rơi vào cảnh nghèo khó. Trong khi đó, cán bộ Hội ở chi, tổ Hội cũng không có khoản trợ cấp nào. Cái ăn, cái mặc, việc học hành con cái đè nặng trên vai họ”.

Nguoi uom mam tuong lai
Dì Phạm Thị Toan

Để giúp chị em “nhẹ gánh” cũng như tạo điều kiện cho con em họ được tiếp tục đến trường, dì Toan bắt đầu “hành trình” vận động tiền để trao học bổng. Ban đầu dì thủ thỉ với những người quen, bạn thân, đồng nghiệp… ủng hộ được 10 suất, mỗi suất 200.000đ. “Số tiền vào thời đó là lớn lắm, cũng không nghĩ sẽ quyên góp được vì ai cũng nghèo. Cầm tiền trong tay mà rơi nước mắt, nghĩ đến tụi nhỏ có tiền đi học mừng lắm”, dì Toan nhớ lại. Suy nghĩ việc trao học bổng phải kịp thời, đúng người cần giúp mới ý nghĩa, dì chịu khó theo sát từng hoàn cảnh, đưa các nhà hảo tâm đến trực tiếp với gia đình các em để trao tiền.

Xin lần đầu thì dễ, đến lần hai, lần ba cũng “chua” lắm, vì ai cho mãi. Nhiều người vừa thấy bóng dì Toan là “né”. Biết xin theo kiểu “tùy hỉ” không phải là cách lâu dài. Một mặt, dì vừa tỉ tê về hoàn cảnh đáng thương của các em, mặt khác phân tích tác hại của việc trẻ em bỏ học sẽ gây ra hậu quả tiêu cực như thế nào. “Khi đã thấu hiểu, người dân sẽ nghe mình, việc vận động rất dễ dàng”, dì Toan bật mí.

Từ năm 1992, dì Toan là UV BCH Hội LHPN P.Phước Bình phụ trách về PN tôn giáo, nhờ uy tín trước đó, hiện nay dì đã có được những suất học bổng cố định từ việc vận động trong Ban tôn giáo.

Nguoi uom mam tuong lai
Dì Toan (thứ hai từ phải qua) trong lần trao học bổng cho trẻ khuyết tật ở địa phương

Ngoài đối tượng nhận học bổng theo danh sách, những trường hợp chăm lo đột xuất cho các em cũng một tay dì Toan lo liệu. Nếu thấy bản thân kham không nổi, dì mới cầu cứu đến phường Hội, ủy ban. Dì tâm sự: “Bất cứ giá nào cũng không để trẻ thất học. Hễ nghe ở đâu trẻ sắp bỏ học là “bỏ hết” để chạy đến tìm hiểu hoàn cảnh. Khó nghĩ nhất là nhiều trường hợp dù được nhận học bổng, nhưng gia đình các em vẫn muốn con nghỉ học để kiếm tiền. Vừa sẻ chia, vừa đảm bảo với gia đình các em sẽ được hỗ trợ xuyên suốt cấp học. Ngay cả khi gia đình có ra khỏi diện nghèo, nhường phần cho trẻ khác, thì cán bộ Hội vẫn phải thường xuyên theo dõi để giúp đỡ kịp thời”. Chính vì tấm lòng của dì, mà chị em nói vui: “Có ngoại Toan, bọn trẻ không phải thất học”.

Ròng rã hàng chục năm, đội nắng mưa xin tiền giúp trẻ em, vất vả là thế nhưng chưa một ai nghe dì Toan than vãn, nhiều người nhắc dì nghỉ ngơi nhưng vì thấy mình còn sức nên dì lại “chiến đấu”. “Điều tôi mong mỏi là tất cả trẻ em đều được đến trường, bởi có tri thức mới đem lại cho các em cuộc sống tốt hơn”, dì Toan bộc bạch.

 

Bà Phạm Thị Toan (sinh năm 1949)

- UV BCH Hội LHPN P.Phước Bình, Q.9, phụ trách PN tôn giáo.

- Thời gian công tác Hội: 39 năm.

- Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng PN”.

- Bằng khen UBND TP “Xuất sắc trong công tác xóa đói giảm nghèo” năm 2007.

- Giấy khen của Hội LHPN TP: Đã có nhiều đóng góp trong phong trào phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội năm 2002.

Việt Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI